Người dân Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là lớp người xưa nay hiếm, khi nói về Thủ đô thường hay nhắc đến bác sĩ Trần Duy Hưng với sự tự hào, lòng ngưỡng mộ. Nhân dân Thủ đô mãi mãi nhớ ông chính là ở khía cạnh tài năng và đức độ. Ông là một trí thức tiêu biểu, vừa là người lãnh đạo, vừa là công bộc của dân theo đúng nghĩa. Ông là người đại diện cho thế hệ lãnh đạo Thủ đô cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, suốt đời vì dân vì nước.
Tự hào và kính trọng bác sĩ Trần Duy Hưng, vị Chủ tịch đầu tiên của Thủ đô Hà Nội một phần vì cho đến nay ông vẫn là cây đại thụ với nhiều kỷ lục: Ông là vị Chủ tịch đầu tiên của Thủ đô dưới chính thể Dân chủ Cộng hòa. Ông là vị Chủ tịch trẻ nhất vì khi nhậm chức ông mới 33 tuổi. Ông là người đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch thành phố lâu nhất, tổng cộng 24 năm. Ông là vị Chủ tịch duy nhất được Bác Hồ đến tận tư gia trao nhiệm vụ. Và cuối cùng ông đã để lại cho Thủ đô rất nhiều công trình kinh tế, văn hóa, xã hội ấn tượng, đặc biệt là trong điều kiện chiến tranh.
Trần Duy Hưng sinh ngày 16/1/1912 tại làng Hòe Thị, xã Xuân Phương, nay là phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội - một trong 4 địa danh nổi tiếng của Thủ đô xưa: Mỗ, La, Canh, Cót - những nơi sản sinh ra nhiều nhân tài cho đất nước.
Lớn lên, ông học Đại học Y cùng lứa với các bác sĩ Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Nhữ Thế Bảo, Nguyễn Hữu Thuyết... Thời sinh viên, ông tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động xã hội. Do có uy tín lớn trong thanh niên, trong trí thức trẻ nên ông được cử làm lãnh tụ phong trào hướng đạo sinh Bắc Kỳ dưới sự dìu dắt của huynh trưởng Hoàng Đạo Thúy. Với cây đàn violon, ông cùng các đồng chí của mình thường lang thang ở một số chợ quê vào ngày nghỉ, hát các bài ca yêu nước và tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng các phong trào yêu nước do Mặt trận dân chủ và sau đó là Mặt trận Việt Minh phát động. Tốt nghiệp Đại học Y với thành tích xuất sắc, ông mở phòng khám tư tại số 6 phố Bông Nhuộm. Bệnh nhân đến khá đông, phần vì thầy thuốc có tấm lòng mẹ hiền, phần vì viện phí rẻ; đối với bệnh nhân quá nghèo, ông khám chữa miễn phí.
Phòng khám cũng là địa chỉ mật - nơi gặp gỡ, che giấu cán bộ Việt Minh. Các nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi đã từng trốn tại đây mỗi khi bị mật thám truy lùng. Đây cũng là nơi cung cấp thuốc men cho chiến khu theo yêu cầu của Việt Minh.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, chính quyền Bảo Đại mời ông tham gia Chính phủ và làm Bộ trưởng Thanh niên song ông từ chối.
Theo cuốn Lịch sử cách mạng Thủ đô, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 30/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ động đến thăm bác sĩ Trần Duy Hưng tại phòng khám và cũng là nơi ở của gia đình ông. Bác Hồ trao cho ông trọng trách: Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội.
Quá bất ngờ trước một sự kiện mà chưa bao giờ dám nghĩ tới, Trần Duy Hưng thưa:
- Thưa Cụ, nhiệm vụ Cụ trao quá lớn mà tôi thì chưa bao giờ làm quản lý nên chưa có kinh nghiệm.
- Thế chú tưởng tôi có kinh nghiệm à? Dân giao thì mình phải nhận. Đã nhận thì cố gắng làm cho tốt. Muốn làm tốt thì phải học, học suốt đời và phải đoàn kết mọi người.
Được Bác Hồ tín nhiệm giao việc, bác sĩ Trần Duy Hưng đã cố gắng vừa điều hành, vừa học tập: Học tập qua sách vở, qua cuộc sống thường ngày, học tập từ chính cuộc đấu tranh của nhân dân ta để xây dựng và bảo vệ một chính quyền thực sự của dân, cho dân và vì dân. Ông đảm nhiệm chức Chủ tịch ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội ở tuổi 33 và ở vào giai đoạn đất nước vừa giành được độc lập. Biết bao khó khăn đặt ra buộc nhân dân ta phải vượt qua: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm.
Được sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch, của Trung ương và Thành ủy, với uy tín của mình, Trần Duy Hưng đã vận động, thuyết phục và quy tụ được các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nhân sĩ, trí thức, các nhà tư sản cỡ lớn yêu nước tham gia vào sự nghiệp kiến quốc và bảo vệ thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Một trong những nhiệm vụ cấp bách của chính quyền cách mạng lúc đó như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra là sớm tổ chức cuộc Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đó của dân tộc ta, bác sĩ Trần Duy Hưng được Mặt trận Việt Minh giới thiệu ứng cử tại Hà Nội cùng liên danh với Chủ tịch Hồ Chí Minh, luật sư Vũ Đình Hòe, bà Nguyễn Thị Thục Viên, bác sĩ Nguyễn Văn Luyện và ông Hoàng Văn Đức. Theo báo Cứu Quốc ngày 12/01/1946, được các tầng lớp nhân dân tín nhiệm, Trần Duy Hưng trúng cử với tỷ lệ cao 73,7% và đứng thứ hai trong liên danh chỉ sau Chủ tịch Hồ Chí Minh là 98,4%.
Đảm nhiệm một công việc chưa có tiền lệ trong bối cảnh thù trong, giặc ngoài, trong một thời gian ngắn từ 30/8/1945 đến ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, ủy ban Hành chính Thủ đô do ông phụ trách đã giải quyết được hàng loạt những vấn đề cấp bách, như: ổn định nhân tâm sau cách mạng, đoàn kết nhân dân, xây dựng chính quyền các cấp từ thành phố xuống huyện, xã, khu phố; thực hiện chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần...
Toàn quốc kháng chiến, ông theo Chính phủ lên chiến khu Việt Bắc và được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ, rồi Thứ trưởng Bộ Y tế. 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp thành công, ngày 10/10/1954 ông trở về tiếp quản Thủ đô với trọng trách Phó Chủ tịch ủy ban Quân chính và ngày 4/11/1954 được Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ nhiệm làm Chủ tịch ủy ban Hành chính thành phố.
Thực hiện đường lối của Đảng về phục hồi và phát triển kinh tế, dưới sự điều hành của ông, Hà Nội trở thành ngọn cờ đầu của nhiều phong trào: nông nghiệp đạt năng suất lúa cao nhất miền Bắc; hoạt động công - thương nghiệp dẫn đầu cả nước; Hà Nội ban hành hàng loạt những chính sách đặc thù để phát triển vùng rau xanh, thực phẩm, xây dựng nhà ở cho công nhân, viên chức.
Là trí thức đầu đàn, ông hiểu rõ giá trị của tầng lớp trí thức, ông vận động và tận dụng triệt để chất xám của trí thức tư sản như Nguyễn Tử Trinh, Trịnh Văn Bô tham gia chính quyền, sử dụng kinh nghiệm và trí tuệ của họ vào công cuộc phát triển thành phố.
Vào những năm 60 của thế kỷ 20, ông là một trong những người lãnh đạo dám đột phá: đề ra chủ trương bán nhà cho cán bộ để thành phố vừa có tiền, cán bộ vừa có nhà để họ tự quản lý và sửa chữa; chủ trương để tư nhân sản xuất một số mặt hàng thiết yếu đang khan hiếm do điều kiện chiến tranh.
Ông cũng là vị Chủ tịch có tầm nhìn xa, trông rộng. Vì vậy, đã để lại cho Thủ đô hàng loạt những công trình tầm cỡ về kinh tế, văn hóa và xã hội: Khu công nghiệp Cao – Xà - Lá, đường Thanh Niên, Công viên Thống Nhất, Công viên Thủ Lệ, Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô... thông qua các phong trào thi đua, những ngày lao động xã hội chủ nghĩa với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, Trung ương và địa phương cùng lo”.
Là người của dân, được dân mến mộ và tín nhiệm, ông liên tục được bầu làm đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VIII.
Nét đặc biệt của vị Chủ tịch của Hà Nội Trần Duy Hưng đó là trong rất nhiều năm ông không dùng lái xe mà tự lái xe đi làm, tự viết các bài diễn văn, tự giao tiếp với người nước ngoài không cần đến phiên dịch (nếu cuộc gặp gỡ đó chủ yếu là xã giao) vì ông thông thạo nhiều ngoại ngữ.
Là một lãnh đạo gần dân, sát dân, ông luôn có mặt ở những địa bàn nóng bỏng để chia sẻ, động viên nhân dân. Người viết bài này đã từng nhiều lần cùng Chủ tịch Trần Duy Hưng đẩy xe đất trên các công trường đường Thanh Niên, Công viên Thống Nhất, Công viên Thủ Lệ... Và cũng đã từng chứng kiến sự có mặt kịp thời của vị lãnh đạo cao nhất của chính quyền Thủ đô ở Khâm Thiên, An Dương, Bệnh viện Bạch Mai qua 12 ngày đêm trong trận chiến Điện Biên Phủ trên không chống đế quốc Mỹ.
Ghi nhận công lao to lớn của bác sĩ Trần Duy Hưng cho Đảng, Nhà nước và nhân dân, ngày 3/2/2005 Chủ tịch nước tặng ông Huân chương Hồ Chí Minh. Nhân dân Thủ đô đã dành một trong những con đường đẹp nhất mang tên ông.