Trung tuần tháng ba vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ gắn biển tên đường “Trần Hữu Nghiệp”, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của bác sĩ, nhà giáo nhân dân Trần Hữu Nghiệp (15/3/1911-15/3/2021), nguyên Tổng Thanh tra quân y Việt Nam; nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế quân dân Nam Bộ; nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. Một thời ở Nam Bộ ông được nhiều người dân và đồng nghiệp rất mực yêu quý, kính trọng gọi là “thầy của những bậc thầy”...
Bác sĩ Trần Hữu nghiệp sinh ra trong một gia đình nông dân tại xã Tân Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Sớm có tinh thần yêu nước, mới 15 tuổi ông đã tham gia truy điệu, để tang nhà chí sĩ Phan Chu Trinh mà bị đuổi học khỏi trường công ở Bến Tre. Ông lên Sài Gòn xin vào trường tư thục Huỳnh Khương Ninh, với sức học trội bật, ông học nhảy lớp. Năm 1928, đỗ thứ nhì Brevet élementaire, được chính thầy Huỳnh Khương Ninh vận động xin cho học bổng học tiếp ở trường Chasseloup Laubat. Năm 1931 ông thi đỗ vào Đại học Y khoa Hà Nội, 6 năm sau có bằng bác sĩ hạng ưu và được sang Pháp tu nghiệp. Năm 1939, ông về nước mở phòng mạch tư ở thị xã Mỹ Tho.
Cách mạng Tháng Tám 1945 nổ ra ở Nam Bộ, cùng với nhiều trí thức yêu nước ở Pháp về, như các bác sĩ: Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Hưởng, Phạm Hữu Trí... ông gia nhập Việt Minh. Rồi bước ngoặt cuộc đời bác sĩ Trần Hữu Nghiệp vào tháng 3/1946, khi ông đang phụ trách cứu thương ở mặt trận cù lao An Hóa, được gọi về Khu 8, tham gia phái đoàn cùng giáo sư Ca Văn Thỉnh và bà Nguyễn Thị Định ra Bắc gấp để báo cáo tình hình với Trung ương xin chi viện vũ khí cho Nam Bộ. Đến Hà Nội, phái đoàn được Hồ Chủ tịch tiếp và sau đó bác sĩ Trần Hữu Nghiệp được giữ lại công tác ở Cục Quân y vừa mới thành lập. Cuối năm 1946, Toàn quốc kháng chiến, ông rời Thủ đô đi thanh tra quân y ở Bắc Bộ và Liên khu 4. Do có nguyện vọng trở về quê hương chiến đấu, ông tiếp tục đi sâu mãi vào phía Nam với trách nhiệm Tổng thanh tra quân y.
Giữa năm 1947, ông cùng bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng vừa từ Sài Gòn ra chiến khu bắt tay xây dựng ngành y tại căn cứ, được cử làm Phó Giám đốc Sở Y tế quân dân y Nam Bộ, trực tiếp phụ trách các tỉnh Khu 8. Bắt đầu từ đây ông vừa làm thầy trên bục giảng, vừa trực tiếp khám chữa bệnh, ở đâu, lúc nào cũng nêu cao y đức và chính ông là tấm gương sáng về y đức.
Bà Đoàn Thúy Ba, hiện ở TP Hồ Chí Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế nhớ lại: “Năm ấy tôi học lớp y tá Miền của thầy Trần Hữu Nghiệp. Thầy lên lớp bao giờ cũng thu hút chúng tôi do cách diễn đạt khúc triết, logic, đôi khi hài hước, dí dỏm. Thầy còn là pho sử sống về nền y tế cách mạng, những gương hy sinh của cán bộ y tế mà thầy đã kể còn in đậm trong tâm khảm chúng tôi đến ngày hôm nay. Lần ấy vào lúc nửa đêm, có tin báo một chị cán bộ trong cơ quan đang trở dạ, là một ca đẻ khó. Thầy trò choàng túi cứu thương, đốt đuốc lá dừa xuyên rừng đến nơi ngay. Đứa trẻ đã được đỡ ra oe oe cất tiếng khóc chào đời, nhưng sản phụ đang kiệt sức do bị “nhau tiền đạo”, máu tuôn xối xả. Ngón tay thầy bấm chặt vào động mạch bụng của sản phụ để cầm máu và bảo chúng tôi: Máu thầy thuộc nhóm B, hãy xem sản phụ nhóm máu gì? May sao chị cũng cùng nhóm máu, vẻ mặt thầy bớt căng thẳng, ra lệnh tiếp: Lấy máu thầy trích thẳng vào tĩnh mạch cho sản phụ! Bằng cách tiếp máu trực tiếp, kịp thời như vậy đến sáng đã cứu được người mẹ. Tôi còn được chứng kiến một ca cấp cứu khác của thầy. Có anh chiến sĩ trẻ bị đạn địch bắn nát chân đưa về hậu cứ. Vết thương đã hoại tử, đành phải cưa chân để cứu người. Phương tiện lúc đó quá thiếu, thầy mổ chính, đã động viên anh thương binh: Không có thuốc gây mê, gây tê, rất đau đấy, em ráng chịu nghen! Anh thương binh mất nhiều máu mặt nhợt nhạt, nhưng còn tỉnh táo. Bỗng anh đề nghị kíp mổ dừng vài phút. Mọi người chưa hiểu chuyện gì, thì anh bất ngờ cất tiếng hát, bài Tiến quân ca. Dường như bài ca đã lấy lại tinh thần cho anh, hát xong anh nhỏ nhẹ bảo: Bắt đầu được rồi, thưa bác sĩ. Thầy cầm con dao phẫu thuật lên mà dòng lệ chảy dài trên gò má, chúng tôi thì ai cũng mím môi để khỏi bật ra tiếng khóc khi phụ mổ cùng thầy…”
Năm 1966, tại chiến khu bác sĩ Trần Hữu Nghiệp được đứng trong đội ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại sao tham gia cách mạng đã hơn 20 năm đến lúc đó bác sĩ mới vào Đảng? Nguyên do là lần ra Hà Nội năm 1946, chính Bác Hồ đã yêu cầu bác sĩ cùng các ông Nguyễn Xiển, Hoàng Minh Giám lập đảng Xã hội, đảng của trí thức yêu nước để tham gia vào Chính phủ cách mạng lâm thời. Rồi nhiều năm trôi qua, đã đến lúc cần ông chính thức đứng trong đội ngũ người cộng sản. Nhà thơ nữ Lê Giang, sinh năm 1930, hiện ở TP Hồ Chí Minh, nhớ lại: “Dưới cánh rừng miền Đông Nam Bộ, chi bộ tổ chức lễ kết nạp, tôi được phân công chuẩn bị lời thề cho bác sĩ Trần Hữu Nghiệp. Nhưng ông bảo: Khỏi cần, tôi tự thề. Và dưới cờ Đảng, cờ Tổ quốc ông đã thề cống hiến toàn bộ tâm hồn và sức lực cho nước, cho dân, lời thề xuất phát từ trái tim nhiệt huyết của ông”.
Bên cạnh việc giảng dạy và trực tiếp khám chữa bệnh, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp còn rất hứng thú với việc viết sách, báo phổ biến kiến thức y học. Từ năm 1943 ông đã in cuốn “Phép nuôi con”; rồi năm 1962: “Chữa bệnh cho con khi xa thầy thuốc”; năm 1975: “Chủ động bảo vệ hạnh phúc gia đình”; năm 1978: “Nói chuyện với người uống rượu”; năm 1981: “Nói chuyện với người hút thuốc”. Tập hồi ký “Thời gian trong mắt tôi” (NXB Văn nghệ, 1993) là cuốn sách đáng chú ý nhất. Trong đó, ông là người trong cuộc của nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, lần đầu tiên được mô tả với giọng văn chân thực và cảm động. Đoạn dưới đây kể về một kỷ niệm giữa ông với Chủ tịch Tôn Đức Thắng: “Bác Tôn râu tóc bạc trắng, tướng đi đĩnh đạc. Bên cạnh là luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Trong tiếng vỗ tay lúc khai mạc buổi lễ, trí nhớ tôi lại đang vướng vít trong hai cảnh cũ ở Hà Nội năm nào. Cảnh thứ nhất: câu lạc bộ Ba Đình, tháng 8/1958. Một nhóm khách, đông không quá vài trăm, được Phủ Chủ tịch mời đến dự lễ gắn Huân chương Sao Vàng cho Chủ tịch Quốc hội Tôn Đức Thắng nhân dịp mừng thọ thất tuần. Tôi được đến với tư cách là Ủy viên trung ương MTTQ và đồng hương với Bác Tôn. Khai mạc, Bác Hồ nói mấy lời, nêu thành tích và công lao của Bác Tôn, gắn huân chương và ôm hôn giữa tiếng vỗ tay vang dậy. Hôm ấy, Bác Tôn mặc bộ đồ ka ki giản dị. Trước tim, bên ngực trái, là Huân chương Sao Vàng vừa gắn, lóng lánh dưới đèn điện. Phía ngực phải, là huân chương nước ngoài theo quy ước quốc tế, trong đó có Huân chương Cách mạng Tháng Mười mới được tặng, mà tôi đã có dịp đi tháp tùng Bác sang Liên Xô nhận. Mắt Bác như rớm lệ, tay run run khi nâng chén rượu mừng và nói vài lời đáp từ thật giản dị: Tôi xuất thân từ một gia đình nông dân Nam Bộ, lúc nhỏ đã lên Sài Gòn học nghề để tha phương cẩu thực. Chưa lần nào tưởng tượng ra cái vinh dự tuyệt đỉnh của chiều hôm nay. Không biết nói gì hơn là từ đáy lòng, xin mãi mãi ghi ơn Đảng, Hồ Chủ tịch và sự có mặt của tất cả các đồng chí đến chúc mừng tôi.
Cảnh thứ hai: Mùa hè năm 1965, Bác Tôn, Chủ tịch MTTQ Việt Nam, đã nhận được đơn xin từ chức Ủy viên Trung ương MTTQ của tôi, bởi lần đi công tác này vào Nam chắc chắn là phải sẽ kéo dài nhiều năm, không hẹn ngày trở lại. Một buổi chiều, chị Tám Nguyễn Thị Lựu, Phó Tổng thư ký Mặt trận, mời tôi đến trụ sở Mặt trận dùng bữa cơm thân mật tiễn đưa. Ngoài chị Tám chỉ có thêm hai người dự là Bác Tôn và đồng chí Trần Hữu Duyệt, Tổng thư ký Mặt trận. Xong, Bác tiễn tôi ra tận cổng 46 phố Tràng Thi, giọng nói run run, chậm chạp, đầy xúc động như năm nọ lúc nhận huân chương: Anh về trỏng, nói giùm với đồng bào Nam Bộ và tất cả đồng chí, anh em, rằng tôi rất nhớ quê hương, chỉ mong đợi ngày về. Nhưng sắp đến 80 rồi, còn có ai cho đi nữa...”.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng - Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam trong một bài viết vào năm 1993, có đoạn: “Năm 1949 trong vùng kháng chiến đất U Minh, tôi có tình cờ đọc được quyển “Hồ Chủ tịch trong lòng dân tộc” của tác giả Hằng Ngôn. Đây là cuốn sách văn học đầu tiên tôi được đọc trong ngày đầu kháng chiến chống Pháp, để lại ấn tượng rất sâu sắc, sau này tôi mới biết tác giả Hằng Ngôn chính là bác sĩ Trần Hữu Nghiệp. Giọng văn của cuốn sách tươi xanh dòng ngôn ngữ nông dân Nam Bộ, quý hơn dưới những con chữ của anh là sự uyên bác của một trí thức, y học của văn học. Y học của người thầy thuốc, trong anh đã cất tinh thành văn học”.