Những ngày qua, Bắc Trung Bộ phải hứng chịu đợt rét kỷ lục, đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, ở khu vực các huyện vùng cao thuộc Thanh Hoá, Nghệ An xuất hiện tuyết rơi, nhiệt độ xuống âm 4 độ C, khiến hàng trăm con trâu bò chết do giá rét.
Tuyết phủ dày đặc tại nhiều địa phương ở Nghệ An. (Ảnh: Bắc Vũ).
3 ngày qua tại Thanh Hóa, Nghệ An nhiệt độ dao động từ 7 độ C đến -2 độ C. Đây là mức thấp kỷ lục trong nhiều chục năm qua. Khu vực miền núi, biên giới lạnh tê tái. Các huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương (Nghệ An), Quan Sơn, Mường Lát, Bá Thước (Thanh Hoá)... trong 2 ngày 25 và 26-1 xuất hiện băng giá, tuyết rơi dày đặc. Nhiệt độ ngoài trời ở nhiều xã đo được ở mức âm 1-2 độ C. Đây là điều bất thường.
Hầu hết các trường đã phải cho học sinh nghỉ học tránh rét. Thiên tai khắc nghiệt đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người và đàn gia súc, gia cầm, hàng trăm con trâu bò chết do giá rét.
Ngày 26/1, ông Lương Văn Ngam - Chủ tịch UBND xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết: Băng tuyết bao phủ khắp bản làng, rừng núi. Tuyết rơi dày đặc khiến nhiệt độ càng xuống thấp hơn dẫn tới hệ luỵ đối với người già, trẻ nhỏ sức đề kháng yếu.
Còn tại huyện Nam Đàn đã xảy ra 2 vụ ngạt khí khi sưởi ấm bằng than trong phòng làm 1 cháu bé 18 tháng tuổi chết và 4 người khác phải nhập viện cấp cứu.
Ông Lê Văn Giáp- Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An cho biết: Do ảnh hưởng của đợt rét đậm, trên địa bàn các xã Quang Phong, Tri Lễ, Nậm Nhoóng… mỗi xã có từ 10 đến 20 con trâu, bò chết do rét.
Ông Qua Văn Keo- bản Quym, xã Quang Phong, huyện Quế Phong (Nghệ An) cho biết: Gia đình đã ý thức phòng chống rét cho gia súc, gia cầm nhưng mưa rét, giá buốt đột ngột khiến trâu bỏ ăn, lăn ra chết. Theo ông Vi Thái Điệp- Chủ tịch UBND xã Quang Phong thì một trong những nguyên nhân trâu, bò chết nhiều là do trời rét buốt quá đột ngột, nhiệt độ xuống quá sâu, người dân không kịp đề phòng.
Tại Nghệ An, không chỉ vùng núi cao mới giá lạnh, huyện vùng thấp, đồng bằng thời tiết cũng diễn biến rất phức tạp. Mưa rả rích suốt ngày đêm, kèm theo đó là giá buốt. Một số huyện như Nam Đàn, Hưng Nguyên, Tân Kỳ... đang trong thời kỳ gieo mạ. Nhưng do quá lạnh nên nhiều diện tích mạ đã chết.
Ông Võ Quang Trung trú xóm Tân Lương, xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ lập cập nói: “Gieo mạ từ hơn 20 ngày trước, nhà tôi vừa cấy được hơn 1 sào ruộng, gặp phải đợt rét đậm này, diện tích hơn 3 sào ruộng mạ chết hết rồi. Không riêng gì gia đình tôi, toàn xã này, nhiều gia đình khác cũng có nhiều diện tích mạ bị chết”.
Tại Thanh Hóa, tính đến cuối ngày 26/1, theo số liệu do chính quyền địa phương một số huyện miền núi thuộc tỉnh Thanh Hóa cung cấp cho thấy: Tổng có 127 con trâu, bò và 4 con lợn chết do rét. Trong đó, huyện Mường Lát có 31 con trâu, bò bị chết do rét tại các bản vùng cao, biên giới.
Huyện vùng cao Bá Thước có 29 con trâu, bò bị chết rét, trong đó thiệt hại nặng nhất là hai xã Kỳ Tân và Văn Nho.
Huyện Thường Xuân có 27 con trâu, bò bị chết, riêng xã biên giới Bát Mọt bị chết 17 con trâu, bò. Huyện Quan Hóa có 17 con trâu, bò và 4 con lợn bị chết rét. Huyện Quan Sơn có 11 con trâu, bò bị chết rét. Huyện Lang Chánh cũng chịu thiệt hại về gia súc khi đã có 12 con trâu, bò bị chết rét.
Trước tình trạng nhiệt độ xuống thấp, UBND tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá đã chỉ đạo các huyện, ban ngành tăng cường xuống địa bàn hướng dẫn bà con phòng chống rét, đồng thời, để đảm bảo cho hạt giống nảy mầm và chống chịu với thời tiết, nông dân phải phủ nilon giữ ấm. Ngoài ra tổ chức hướng dẫn, yêu cầu bà con nông dân chăm sóc đàn trâu, bò.
Giải pháp đặt ra là phải đốt lửa hoặc căng bạt phủ kín xung quanh chuồng trại đảm bảo cho vật nuôi được ấm. Chuẩn bị nguồn thức ăn như rơm rạ, cỏ, tăng cường thức ăn tinh chống đói, rét cho trâu, bò, vật nuôi. Nhân dân không được đưa trâu, bò chăn thả mà chủ động di chuyển về nuôi nhốt, tận quần áo, chăn màn hỏng làm “áo ấm” cho trâu, bò; dùng bóng điện sưởi ấm vật nuôi…
Bệnh viện quá tải vì rét Chiều 26/1, theo thống kê của Bệnh viện Bạch Mai, trong 3 ngày rét hại vừa qua, mỗi ngày khoa Nhi của BV tiếp đón từ 250 - 300 trẻ tới khám, tăng từ 30-50% so với ngày thường. Trẻ mắc các bệnh chủ yếu là viêm mũi họng dẫn đến viêm phế quản, suy hô hấp... Hiện Khoa Nhi của BV đang trong tình trạng quá tải, 60 giường trong khoa đều kín bệnh nhân, thậm chí bệnh viện phải cho bệnh nhân nằm ghép. Cũng trong 3 qua, BV Bạch Mai đã tiếp nhận hơn 20 bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim....Nguyên nhân được các bác sĩ xác định là do thời tiết lạnh đột ngột. Tại Khoa Khám bệnh của BV Nhi Trung ương, trong 3 ngày rét đậm số bệnh nhi tới khám đã lên đến 4.000 lượt. Còn tại BV Lão khoa, số bệnh nhân đến khám và điều trị cũng tăng vọt. Thậm chí, đã có bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. T.N. |