Chiều 2/8, bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa. Trước đó, thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương có khả năng bão đổ bộ đã lên kế hoạch ứng phó. Bão số 2 tuy đã suy yếu nhưng vẫn gây mưa to gió lớn kéo dài.
Tuy bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp, nhưng kể từ đêm 1/8 đến hết ngày 2/8, nhiều địa phương phía Bắc có mưa to đến rất to. Đặc biệt với các tỉnh từ Ninh Bình trở vào đến Hà Tĩnh, nhiều nơi mưa xối xả. Tuy những trận mưa liên tiếp có làm sinh hoạt của người dân phần nào khó khăn, nhưng hầu hết bà con trong vùng đều coi đó là những cơn mưa vàng “giải hạn”.
Nhiều diện tích cây trồng “hồi sinh”
Kể từ chiều 31/7 đến chiều 2/8, toàn tỉnh Hà Tĩnh có mưa, mưa vừa, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 200-400 mm. Gần 3 tháng qua, Hà Tĩnh nắng hạn, hầu như không có mưa, nên đây thực sự là những cơn mưa vàng giải hạn. Tuy nhiên, một số địa phương không tránh khỏi bị ngập cục bộ, ảnh hưởng đến sản xuất lúa Hè Thu và thu hoạch dưa hấu.
Theo số liệu từ Sở NNPTNT Hà Tĩnh, vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh gieo cấy hơn 44 nghìn ha lúa và đang bước vào thời kỳ trổ đòng. Khô hạn kéo dài khiến nhiều diện tích lúa bị ảnh hưởng do thiếu nước. Nắng nóng kết hợp gió phơn Tây Nam thổi mạnh làm nước bốc hơi nhanh khiến nước ngầm và mực nước trong các hồ đập, kênh mương xuống thấp, ảnh hưởng lớn tới việc chống hạn.
Mưa lớn trong hai ngày qua đã bổ sung nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, nhất là những nơi bị thiếu nước sinh hoạt như Hương Khê, vùng thượng Kỳ Anh, Đức Thọ. Huyện Hương Khê có 4.300 ha cây ăn quả có múi, trong đó cam 1.900 ha, bưởi 2.400 ha. Thời điểm này, bưởi Phúc Trạch sắp bước vào vụ thu hoạch. Nắng nóng kéo dài đã khiến người dân nơi đây từng lo lắng về chất lượng quả.
Còn tại huyện Kỳ Anh, nhiều diện tích cây trồng được “hồi sinh”, tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở nhiều xã như Kỳ Thượng, Kỳ Tây, Kỳ Lạc… cũng được khắc phục. Song, mưa lớn cũng khiến 1.700 ha lúa ở huyện Kỳ Anh ngập úng và phần lớn diện tích dưa hấu ở thị xã Kỳ Anh bị hư hại nặng.
Trận mưa lớn kéo dài cũng đã kịp thời giải nhiệt cho gần 50 nghìn ha rừng, 3.540 ha cây ăn quả, 365 ha lúa và hơn 530 ha hoa màu trên địa bàn Vũ Quang (Hà Tĩnh).
Theo ông Ngô Đức Hợi- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, ngập úng cục bộ xảy ra ở một số địa phương, tuy thế cũng không có gì đáng ngại, các công trình thi công dang dở vẫn đang đảm bảo an toàn.
Thông tin từ Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, tới chiều tối 2/8, cao trình mực nước thượng lưu ở Thủy điện Hố Hô là 63,92m, lưu lượng về hồ 345 m³/giây. Do lượng nước lớn, để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du, từ 10h sáng nay (2/8), Nhà máy Thủy điện Hố Hô sẽ xả qua tràn với lưu lượng 100 – 500 m³/giây. Tất cả đều trong phạm vi an toàn.
Chủ động di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm
Tại Nghệ An, trước đó, để phòng tránh bão, tỉnh này cũng sẵn sàng phương án di dời hơn 18.000 người. Cụ thể, huyện Quỳnh Lưu cũng đã di dời tại chỗ 400 người; thị xã Hoàng Mai 500 người; huyện Diễn Châu 12.500 người; huyện Nghi Lộc 1.200 người; thị xã Cửa Lò 1.600 người...
Trong 2 ngày 1 và 2/8, trên địa bàn Nghệ An có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Lượng mưa phổ biến từ 70-200mm. Theo báo cáo nhanh của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An, tình hình thiệt hại tính đến 9 giờ 30’ ngày 2/8, tại địa bàn Đồn Biên phòng Quỳnh Phương, tàu cá NA93679TS của ông Lê Bá Tình (SN 1981) thường trú tại xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai đang neo đậu ở lạch Cờn trú tránh bão bị nghiêng, nước vào làm chìm 1/2 tàu.
Thực hiện nghiêm túc nội dung các Công điện của Ban Chỉ đạo Trung ương, UBND tỉnh Nghệ An ban hành 3 công điện khẩn ứng phó với áp thấp nhiệt đới, cấm tàu thuyền ra khơi và công điện ứng phó với bão số 2. Tất cả các phương tiện tàu thuyền trên địa bàn tỉnh (3.488 tàu thuyền với 17.440 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản trên biển) đã vào bờ trú, tránh bão. Ngoài ra, có 27 phương tiện với 154 lao động của tỉnh khác vào địa bàn tỉnh Nghệ An để trú, tránh bão số 2.
Để tránh gây quả do hoàn lưu bão gây ra, các địa phương trong tỉnh Nghệ An đã rà soát các khu vực dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven suối ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhà ở không an toàn để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn. Đặc biệt, tại 4 vị trí sạt lở đất các xã: Mường Típ, Mường Ải, Bảo Nam và khối 4, thị trấn Kỳ Sơn, địa phương đã sẵn sàng phương án di dời dân khi có mưa lũ đến nơi ở an toàn.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 14 hồ đầy nước; có 3 hồ dung tích lớn hơn 70% dung tích thiết kế, 13 hồ từ 50-70%, 79 hồ dung tích nhỏ hơn 50%; các hồ còn lại đạt dung tích từ 20 - 40%.
Phòng chống bão đi cùng phòng chống Covid-19
Vào lúc 15h ngày 2/8, tại các vùng biển Thanh Hóa, thủy triều dâng cao kèm theo gió giật cấp 6-7, mưa lớn.
Tại huyện Hoằng Hóa, địa phương có 948 phương tiện là tàu thuyền, bè mảng với 2.895 lao động đã vào nơi neo đậu. Để chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 2, huyện đã triển khai các nhiệm vụ cho Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các xã, thị trấn trên địa bàn. Các xã ven biển cũng đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng lên phương án sẵn sàng di chuyển các hộ dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra. Tại khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến, các lực lượng tổng hợp số lượng du khách đang lưu trú và nhắc nhở du khách không ra biển để bảo đảm an toàn.
Tại thành phố Sầm Sơn, tất cả 1.848 phương tiện với 6.053 lao động đã về bến neo đậu tránh trú bão. Trong đó, 1.799 phương tiện với 5.667 lao động tránh trú tại Khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền nghề cá lạch Hới và khu vực lân cận; 49 phương tiện với 386 lao động đang tránh trú tại các đảo Cát Bà, Bạch Long Vĩ, Đồ Sơn (Hải Phòng) và các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Song song với việc phòng chống bão, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa yêu cầu phải bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhất là khu vực tránh trú bão của tàu thuyền các tỉnh bạn đang neo đậu. Các địa phương sẵn sàng các phương án 4 tại chỗ, nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi có mưa, bão xảy ra.
Tại huyện Quảng Xương, 844 phương tiện tàu thuyền đã về bến neo đậu trước khi bão vào, trong đó có 752 tàu thuyền neo đậu tại bến nhà và 92 tàu đang khai thác ở các địa phương đã vào nơi tránh trú. Trước đó, huyện cũng đã khuyến cáo nhân dân thu hoạch thủy sản, gia cố bờ ao để bảo vệ sản phẩm chưa đến kỳ thu hoạch phòng khi có mưa lớn; tuyên truyền nghiêm cấm người ở lại tại các chòi canh, lồng bè và trên các tàu thuyền đã neo đậu tại bến.
Tại các huyện vùng cao Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa… UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát, chủ động sơ tán các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven sông, suối, bãi sông, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Nhìn chung, mưa to do bão số 2 gây ra cũng đã nằm trong sự trù liệu của các địa phương Bắc Trung bộ. Tuy nhiên, những ngày tới, theo cơ quan dự báo thời tiết, mưa to vẫn tiếp tục, do đó các địa phương vẫn cần đề phòng các phương án cần thiết, nhất là ở những vùng có nguy cơ sạt lở.
* Do ảnh hưởng của hoàn lưu của bão số 2, mấy ngày qua khu vực Tây Nguyên liên tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’gar, Krông Búk tỉnh Đăk Lăk có nơi ngập úng cục bộ, với gần 2.200 ha cây trồng, 301 nhà bị ngập; trên 2.000 con gia súc, gia cầm bị chết; trên 46 ha thủy sản bị thiệt hại; nhiều tuyến đường giao thông nông thôn bị chia cắt.
* Ninh Bình: Di dời toàn bộ dân ven biển đến nơi trú ẩn: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình cho biết, đến sáng 2/8, đã tiến hành di dời toàn bộ dân ngoài đê Bình Minh III đến cồn Nổi để trú ẩn. Cụ thể, huyện Kim Sơn triển khai phương án di dân khu vực ngoài đê Bình Minh III đến cồn Nổi xong trước 6h ngày 2/8. Các huyện, thành phố rà soát, tổ chức di dân ra khỏi vùng thấp trũng và vùng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi tránh trú an toàn. (Đình Minh)