Có thể coi năm 2016 là năm của các chính sách trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH) khi mà có hàng loạt các quy định liên quan tới lĩnh vực này như: Luật BHXH, Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng dân sự, Nghị định 21/2016/NĐ-CP về thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và bảo hiểm y tế (BHYT)...chính thức có hiệu lực.
Từ 1/7 chính thức xử lý hình sự
Theo Luật gia Phạm Hồng Tuyến, từ đầu năm 2016 văn phòng của ông nhận được khá nhiều câu hỏi tư vấn đối với Điều 216 tại Bộ luật Hình sự. Đáng chú ý sự quan tâm đến quy định này không chỉ về phía các doanh nghiệp mà có khá nhiều người lao động cũng rất quan tâm. Cụ thể Điều 216 nêu rõ: Những người có hành vi vi phạm 2 lần trở lên; trốn đóng BHXH từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; trốn đóng BHXH cho từ 50 người đến dưới 200 người; hoặc không đóng số tiền BHXH đã thu hoặc đã khấu trừ của NLĐ theo quy định cũng sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp nặng nhất là các hành vi trốn đóng BHXH 1 tỷ đồng trở lên; trốn đóng BHXH cho 200 người trở lên; hoặc không đóng số tiền BHXH đã thu hoặc đã khấu trừ của NLĐ sẽ bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Ngoài việc phạt tù các cá nhân vi phạm (là các chủ doanh nghiệp) thì các pháp nhân thương mại mà phạm tội theo quy định tại Điều này cũng bị phạt tiền đến 3 tỷ đồng.
Không phải ngẫu nhiên quy định này lại nhận được sự quan tâm như vậy bởi trên thực tế, sau nhiều năm áp dụng đủ các biện pháp như: phạt tiền, khởi kiện song ngành chức năng vẫn bất lực trước vấn nạn trốn đóng, nợ tiền BHXH thì việc xử lý hình sự được xem là giải pháp mạnh tay giải quyết triệt để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Cùng với Bộ luật Hình sự, ngày 1/7 tới đây Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) chính thức có hiệu lực. Theo đó, Bộ Luật TTDS năm 2015 quy định: Công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên trực tiếp được quyền khởi kiện các vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể NLĐ; có quyền khởi kiện vụ án lao động khi được NLĐ ủy quyền. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cũng có quyền khởi kiện vụ án lao động để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tập thể NLĐ, được NLĐ ủy quyền trong trường hợp Công đoàn cơ sở không khởi kiện. Ngoài ra, Công đoàn cấp trên cơ sở cũng có quyền ủy quyền cho LĐLĐ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam khởi kiện vụ án tranh chấp quyền công đoàn về kinh phí công đoàn, BHXH.
Cơ quan BHXH có quyền thanh tra và xử phạt
Cùng với việc xử lý hình sự thì việc trao quyền thanh tra và xử phạt hành chính cho cơ quan BHXH cũng được người lao động coi là “ thuốc” đặc trị vấn nạn trốn đóng tiền BHXH của các doanh nghiệp. Cụ thể sau nhiều kiến nghị, BHXH Việt Nam sẽ chính thức được trao thêm quyền thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN và BHYT.Theo đó, từ ngày 1/6/2016 Nghị định 21/2016/NĐ-CP về thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN và BHYT sẽ chính thức có hiệu lực.
Trước đây, mặc dù có quyền và trách nhiệm tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, nhưng cơ quan này chỉ có chức năng kiểm tra việc ký hợp đồng, đóng và trả BHXH, BHYT cũng như giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc có quyền khởi kiện dân sự để yêu cầu tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước trong lĩnh vực BHXH, BHYT. Trong khi chức năng thanh tra chuyên ngành về BHXH, BHYT nói chung, đóng BHXH, BHTN và BHYT nói riêng đều do 2 cơ quan thanh tra thuộc Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đảm nhận.
Không có chức năng thanh tra cũng như xử lý vi phạm trong việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT đã khiến cơ quan này gặp khó khăn. Theo bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, do chỉ có chức năng kiểm tra, không có quyền thanh tra, nên khi kiểm tra các đơn vị vi phạm thì phải kiến nghị, báo cáo để cơ quan liên quan thẩm định và ra quyết định thanh tra xử lý, cho nên việc thực thi chính sách pháp luật bảo hiểm còn hạn chế, chưa đạt kỳ vọng. Thậm chí, ngay cả khi có quyết định xử lý hành chính thì doanh nghiệp vẫn “phớt lờ”. Cơ quan BHXH buộc phải tính đến giải pháp khởi kiện, nhưng dù có thắng kiện thì việc đòi lại tiền BHXH cho người lao động vẫn là bài toán khó. Đáng chú ý, Nghị định 21 còn trao thêm quyền xử phạt các vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động bảo hiểm cho người đứng đầu cơ quan BHXH Việt Nam là Tổng Giám đốc và các Giám đốc BHXH cấp tỉnh.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với việc trao thêm quyền thanh tra, BHXH Việt Nam sẽ có thuận lợi hơn trong phối hợp triển khai các quy định của chính sách pháp luật về BHXH, BHYT. Từ đó, quyền lợi của người tham gia các loại hình bảo hiểm tự nguyện nếu bị ảnh hưởng sẽ được ngăn chặn, xử lý kịp thời.