Dân yêu cầu hỗ trợ, thế nhưng nguyện vọng này không được chính quyền tỉnh Gia Lai đồng ý. UBND TP Pleiku vẫn phát đi Thông báo số 03/TB-UBND khẳng định, sẽ không bồi thường, hỗ trợ kinh phí khi thu hồi đất. Dự án được triển khai để giúp người đồng bào DTTS thoát nghèo, giờ lấy lại không có bồi thường, hỗ trợ, liệu có thỏa đáng?
Nhiều hộ dân tại làng Choét 1 không đồng tình với thông báo thu hồi trắng.
Dân yêu cầu hỗ trợ
Trước những bất cập về dự án như đã nêu, UBND tỉnh đã ra thông báo và chỉ đạo UBND TP Pleiku vận động người dân trả lại đất để tỉnh mở rộng khu công nghiệp Trà Đa. Và việc ra thông báo thu hồi đang vấp phải những thông tin trái chiều từ cả phía người dân bị thu hồi đất lẫn dư luận xã hội.
Trong quá trình tiếp xúc, những hộ dân đã trót bán giấy CNQSDĐ trái phép thì tỏ ra thản nhiên trước thông tin trên. Họ nói đã thỏa thuận bán rồi thì người mua cũng phải chịu. Còn những hộ kiên trì giữ lại đất thì không đồng tình với chủ trương của UBND tỉnh.
Ông Kin, trú làng MơNũ, xã Chư Á bức xúc cho biết: Nhà có 6 người con nên rất muốn giữ lại đất để chia cho con. Mấy năm nay chờ cán bộ xã dẫn đi chỉ đất, nhưng chờ mãi không thấy. Giờ chính quyền thu hồi cũng phải bồi thường cho những hộ dân đang còn giữ giấy CNQSDĐ, chứ không thể thu hồi trắng được.
* Bài 1: 10 năm có đất cũng như không
Theo ông Ykhít, trưởng thôn làng Plei MơNũ, thì khi tổ chức họp dân, chúng tôi có kiến nghị nguyện vọng của bà con lên các cấp chính quyền là hỗ trợ bằng tiền hoặc cấp lại đất chỗ khác cho dân, nhưng chưa được chấp nhận.
Còn ông Nguyễn Xuân Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi cho biết: “Sau khi có chỉ đạo từ UBND TP Pleiku chúng tôi đã thông báo đến các thôn, làng và tổ chức họp dân, nhiều người đã phản đối việc thu hồi trắng. Nhiều ý kiến cho rằng, những hộ bán đất thì họ vi phạm, những hộ còn giữ lại đất thì thiệt thòi quá”.
Trong khi việc thu hồi đất, sổ đỏ đang gặp khó, ngày 10/6/2015, UBND TP Pleiku còn ban hành cả một kế hoạch tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương thu hồi lại dự án, nhưng vấp phải sự phản đối của nhiều hộ dân có đất trong dự án.
“Quy hoạch mở rộng Khu công nghiệp Trà Đa” đã được UBND TP Pleiku “bật đèn xanh” cho nhà đầu tư “hối hả” san nền, làm đường. Lợi ích nhân văn từ một chủ trương lớn của Chính phủ đã không thuộc về số đông, là người dân.
Chính quyền cương quyết thu hồi
Câu chuyện về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất càng trở nên “nóng” hơn, bởi trước đó, năm 2004 dự án 60 ha đất tại khu vực xã Trà Đa được UBND tỉnh Gia Lai qui hoạch để cấp cho 1.309 hộ dân theo Quyết định 132, 134 nhưng không hiểu vì lí do gì đến năm 2011, UBND tỉnh Gia Lai lại ra Quyết định 616/QĐ - UBND qui hoạch diện tích đất trên vào việc mở rộng khu công nghiệp Trà Đa.
Từ đó, khiến nhiều người dân không khỏi băn khoăn lo lắng về sự thiếu nhất quán trong phát triển quỹ đất của chính quyền địa phương. Nhiều người dân bị thu hồi đất bức xúc cho rằng, ngay từ khâu qui hoạch UBND tỉnh đã có sự bất nhất chứ chưa nói đến việc người dân không thực hiện đúng như cam kết.
Ông Ol, trú làng MơNũ, xã Chư Á khẳng định: “Lúc đầu giao đất chẳng thấy ai thông báo rằng sau 18 tháng không tổ chức canh tác thì sẽ bị thu hồi, nhưng đến nay viện lí do người dân không canh tác để bắt lỗi dân là điều vô lí. Bà con mình không hiểu luật, nếu áp dụng luật để nói chúng tôi sai trái và thu hồi trắng thì không chấp nhận được”.
Ngày 16/1/2015 UBND TP Pleiku đã phát đi Thông báo số 03/TB-UBND khẳng định, sẽ không bồi thường, hỗ trợ kinh phí khi thu hồi.
Theo Trưởng Phòng TN&MT TP Pleiku, ông Nguyễn Bá Trường: “Nếu người dân cố tình không giao nộp giấy CNQSDĐ, chúng tôi sẽ ra quyết định hủy bỏ và niêm yết công khai tại mỗi xã phường. Còn những hộ đã sang nhượng trái phép sẽ tổ chức kiểm điểm trước thôn, làng để rút kinh nghiệm”.
Nhiều người băn khoăn, trong khi nhiều KCN như Nam Hàm Rồng, Cụm Tiểu thủ công nghiệp Diên Phú... cùng hàng loạt dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su trên địa tỉnh Gia Lai đang hoạt động kém hiệu quả chưa thể thu hồi thì việc gấp rút thu hồi lại dự án giao đất cho đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất theo Quyết định 132, 134 của UBND tỉnh Gia Lai liệu có vội vàng?
Theo thống kê năm 2014, toàn tỉnh Gia Lai có trên 10 nghìn hộ đồng bào thiếu đất sản xuất và việc giải quyết ngày càng khó khăn thì hơn lúc nào hết rất cần sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương.