Dồn điền đổi thửa (DĐĐT) được xem là việc khó khăn, phức tạp bởi tác động, liên quan đến lợi ích của nhiều hộ nông dân. Trong quá trình giải quyết, qua kinh nghiệm tại một số địa phương cho thấy: Ở đâu lãnh đạo cấp ủy, chính quyền chỉ đạo sát sao, công tâm; người dân được bàn bạc dân chủ, nắm rõ mục đích, có sự đồng thuận, ở đó thực hiện thành công DĐĐT…
Mô hình đào ao thả cá kết hợp trồng cây dược liệu hình thành sau
DĐĐT giúp nhiều hộ nông dân ở Hải Hậu làm giàu.
Hiệu quả từ dồn điền
Dẫn chúng tôi ra thăm đồng, ông Nguyễn Đức Thắng, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban CTMT xóm 9, xã Hải Hà (Hải Hậu, Nam Định) phấn khởi cho biết: 4 năm qua, kể từ khi thực hiện xong dồn điền, nông dân địa phương đã thực hiện sản xuất đồng trà, đồng giống. Đặc biệt, theo ông Thắng, sau dồn điền, sức lao động của nông dân địa phương đã được giải phóng rất nhiều trong khi năng suất, hiệu quả sản xuất nâng lên.
“Bà con giờ không cấy nữa mà chuyển sang gieo xạ. Các khâu làm đất, thu hoạch đã có máy móc thay người đảm nhiệm, nhờ vậy bà con có thời gian làm thêm một số ngành nghề, dịch vụ để có thêm thu nhập”, ông Thắng cho hay.
Theo ông Phạm Văn Chiến-Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu, DĐĐT là khâu đầu tiên, có tính đột phá, Hải Hậu chỉ đạo thực hiện khi triển khai xây dựng NTM. Theo đó, ngay từ năm 2011, có 35/35 xã, thị trấn của huyện đã hoàn thành việc dồn đổi trên 15.600 ha đất nông nghiệp. Đến nay, bình quân số thửa canh tác trên hộ của huyện chỉ còn 1,9 thửa/hộ, cơ bản khắc phục được tình trạng ruộng đất nhỏ lẻ, manh mún.
Ông Chiến cũng cho hay, ngoài giảm đáng kể số thửa canh tác/hộ, qua dồn điền, huyện đã kết hợp quy hoạch được các vùng sản xuất. Theo đó, toàn bộ diện tích đất canh tác của huyện hiện được quy hoạch thành 405 vùng, có vùng rộng tới 108 ha.
Cùng với đó, huyện kết hợp tập trung, quy hoạch lại toàn bộ diện tích đất công vốn nằm rải rác ở các xứ đồng thành 321 vùng (giảm 185 vùng so với trước đây). Đặc biệt, qua dồn điền, huyện đã vận động nông dân trong huyện góp tổng cộng 345 ha đất (góp bình quân 11,5m2/sào). Qua đó, huyện mở rộng, nâng cấp được 1.165 tuyến đường chính ra đồng với tổng chiều dài 772km…
Đất canh tác được dồn đổi theo hướng tập trung hơn, hạ tầng phục vụ sản xuất kiện toàn, đồng bộ hơn, máy móc, kỹ thuật được ứng dụng nhiều hơn đã giúp nông dân Hải Hậu tổ chức được nhiều mô hình sản xuất mới mang lại giá trị thu nhập cao hơn. Theo đó, diện tích cây vụ đông trên đất 2 lúa của huyện hiện chiếm trên 15% diện tích.
Đặc biệt, mấy năm qua, huyện đã phối hợp với một số cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp xây dựng được vùng trồng cây dược liệu rộng tới 640 ha, tập trung trồng cây đinh lăng. Việc sản xuất được tổ chức theo phương thức cơ quan nghiên cứu hỗ trợ kỹ thuật, nông dân tổ chức trồng, chăm sóc, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Theo mô hình này, giá trị sản xuất tại diện tích trồng cây dược liệu của huyện đang đạt từ 300-400 triệu đồng/ha/năm…
Được biết, không riêng huyện Hải Hậu, đến nay đa số các địa phương của tỉnh Nam Định đã hoàn thành DĐĐT, 167/209 xã, thị trấn; 2832/3009 thôn, đội hoàn thành công tác này…
Bài học từ phát huy dân chủ
Điều gì khiến Nam Định trong một thời gian không dài đã cơ bản hoàn thành được một việc quan trọng nhưng khó như DĐĐT? Ông Đặng Xuân Hùng, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh lý giải: Trước hết Nam Định nhận thức rõ DĐĐT thực chất là cuộc vận động nhân dân tự nguyện chuyển đổi diện tích vị trí đất nông nghiệp hiện có của hộ gia đình từ nhiều thửa nhỏ ở các khu vực khác nhau thành thửa lớn phù hợp với vùng sản xuất theo quy hoạch sản xuất nông nghiệp và quy hoạch xây dựng NTM. Do vậy, DĐĐT chỉ có thể thành công khi có sự tham gia chủ động, trách nhiệm của người dân.
Xác định rõ yêu cầu này, theo ông Hùng, thời gian qua cả hệ thống chính trị ở Nam Định đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, tổ chức cho các hộ dân thực hiện chủ trương lớn quan trọng này. Một số nguyên tắc được Nam Định chú trọng, đó là phương án DĐĐT phải tuân thủ theo Luật Đất đai và các văn bản quy phạm pháp luật; DĐĐT không phải là chia lại ruộng đất, do vậy quá trình thực hiện cần giữ nguyên định mức, tiêu chuẩn ruộng đất của mỗi người dân.
Cũng theo ông Hùng, Nam Định xác định quá trình thực hiện, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nắm rõ mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết phải dồn điền phải đi trước một bước. “Do tâm lý không muốn xáo trộn ruộng đất đang canh tác, sợ ảnh hưởng tới lợi ích nên ban đầu một bộ phận không nhỏ người dân có tâm lý thờ ơ, không muốn tham gia thực hiện DĐĐT. Việc tuyên truyền do vậy rất quan trọng”, ông Hùng nhìn nhận.
Chính vì vậy, theo ông Hùng, thời gian qua, cả hệ thống chính trị ở Nam Định, trong đó có đội ngũ cán bộ MTTQ các cấp trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác này, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền, MTTQ cấp cơ sở-nơi trực tiếp thực hiện các khâu, các bước DĐĐT.
Thực tế cho thấy, DĐĐT là việc rất dễ phát sinh xung đột, mâu thuẫn. Nguyên nhân, như đã đề cập, việc này liên quan đến lợi ích của nhiều hộ nông dân. Mặt khác, thực tế đồng đất ở nhiều địa phương không đồng đều, chênh lệch về hiệu quả sản xuất. Tâm lý hơn thua khiến nhiều hộ dân không dễ đồng thuận trong quá trình dồn đổi, phân chia. Công tác quản lý hồ sơ địa chính ở một số địa phương lâu nay thiếu chặt chẽ, đất thực địa không khớp với hồ sơ địa chính cũng là nguyên nhân dễ làm nảy sinh các vấn đề phức tạp, mâu thuẫn, xung đột lợi ích...
Để khắc phục được tình trạng này, tránh những xung đột, gây mất an ninh nông thôn, trước hết đòi hỏi sự chỉ đạo, quản lý điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở phải sát sao, khoa học, công tâm. Các khâu điều tra, khảo sát, tính toán phân chia của cán bộ chuyên môn cũng phải khoa học, tỷ mỷ, chính xác. Đặc biệt, theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nam Định, quá trình thực hiện hầu hết các địa phương trong tỉnh đã chú trọng, áp dụng Quy chế dân chủ, công khai, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tham gia đóng góp ý kiến.
Chia sẻ thêm về sự đồng thuận của nông dân Nam Định trong quá trình thực hiện DĐĐT, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết, qua dồn điền, nông dân trong tỉnh đã góp, hiến tới hơn 3.000 ha đất nông nghiệp, đất thổ cư phục vụ xây dựng NTM. Theo tính toán, nếu diện tích đất trên không phải do người dân góp, hiến mà phải thu hồi phục vụ chỉnh trang đồng ruộng thì số tiền Nhà nước đền bù, hỗ trợ theo chính sách hiện hành sẽ lên tới 6.616 tỷ đồng.
“Điều này thêm một lần nữa cho thấy, không riêng DĐĐT, bất cứ việc gì, dù khó nhưng có sự đồng thuận, ủng hộ của người dân cũng sẽ thành công. Việc một số ít địa phương trong tỉnh Nam Định nói riêng và một số nơi khác nói chung để xảy ra mâu thuẫn, vướng mắc trong DĐĐT thời gian qua chính là do vi phạm nguyên tắc dân chủ, không nhận được sự đồng thuận của nhân dân” - ông Đặng Xuân Hùng nhìn nhận.