Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng thư ký Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim, nhà văn hóa thôn, nhà văn hóa xã được xây dựng như hiện nay là những “chiếc áo” rất nhỏ bé chưa phù hợp với nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần vật chất ngày càng cao điều đó đòi hỏi phải có một trung tâm hoạt động cộng đồng trong một không gian mở.
Việc xây dựng đời sống văn hóa phải góp phần làm thay đổi diện mạo của nông thôn. Trong ảnh, Nhà văn hóa xóm 4, xã Hải Bắc trong ngày hội Đại Đoàn Kết.
Trong nhiều cuộc vận động, phong trào xây dựng đời sống văn hóa thì “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do Ủy ban TW MTTQ Việt Nam phát động từ năm 1995 được xem là một trong những cuộc vận động có sức lan tỏa rộng lớn hơn cả khi chạm tới hơn 100 ngàn khu dân cư trên cả nước. Tuy nhiên sau 20 năm “sống” ở khu dân cư, cuộc vận động đang đặt ra những yêu cầu đổi mới để phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống.
“Thương hiệu” của Mặt trận
Trên thực tế, cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư chỉ là 1 trong 7 nội dung của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá của Chính phủ do Bộ VHTT&DL chủ trì. Nhưng sức lan toả của cuộc vận động này lại vô cùng lớn lao vì đây là cuộc vận động được thực hiện ở khu dân cư.
Đối với một đời người, 20 năm là khoảng thời gian khá dài, nhưng đối với một cuộc vận động đôi khi chỉ là khoảnh khắc. Vì không phải ai cũng có thể hình dung được những đóng góp to lớn, bền bỉ của cuộc vận động này trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Thời khắc 20 năm cuộc vận động chính là lúc để người Mặt trận chiêm nghiệm lại quá khứ, những điều đã làm được, chưa làm được để hướng về tương lai với quyết tâm đổi mới.
Nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững chính là mục đích để Mặt trận hướng tới khi quyết tâm đổi mới cuộc vận động trong giai đoạn 2015-2020. Rất nhiều hội thảo, hội nghị được tổ chức bàn sâu về vấn đề này cho thấy sự nặng lòng của người Mặt trận. Một tên gọi mới được Ban Thường trực Ủy ban TW MTTQ Việt Nam đề xuất: Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh - cũng là ý chí thống nhất của lãnh đạo Mặt trận các tỉnh thành phố, của Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam.
Người dân ở hơn 100 ngàn khu dân cư trên cả nước đang hưởng ứng tích cực cho công cuộc xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Quyết tâm đổi mới cuộc vận động cho thấy sự thích ứng nhạy bén của người Mặt trận. Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, vốn dĩ nội dung của cuộc vận động cơ bản phù hợp với 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên không nhất thiết Mặt trận phải tham gia tất cả mà chỉ chọn những nhóm tiêu chí bức xúc và phù hợp nhất để tham gia như giảm nghèo bền vững, xây dựng trật tự an toàn địa phương, xây dựng văn hóa dân tộc, chăm lo cho các gia đình chính sách.
Không nên xây tràn lan nhà văn hóa
Một trong những vấn đề bức xúc lâu nay là “khủng hoảng” thừa và thiếu nhà văn hóa cơ sở và đây cũng là chủ đề chính mà chúng tôi đã đề cập trong loạt bài này. Ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết, hiện nay có nhiều ý kiến xung quanh việc xây dựng nhà văn hóa cơ sở. Ở thôn, bản, làng nhiều nơi đề nghị, hoặc khuyến khích xây dựng nhà già làng, trưởng bản trở thành nhà văn hóa. Có nơi đề nghị đình làng trở thành nơi sinh hoạt văn hóa thôn. Tuy nhiên, đình làng là nơi linh thiêng, nhiều hoạt động trong các hoạt động văn hóa sẽ không phù hợp trong bối cảnh đình chùa.
Nhưng không thể vì thế mà tiếp tục xây dựng các nhà văn hóa cơ sở tràn lan như đã từng xảy ra ở nhiều địa phương để rồi không mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng lại còn lãng phí ít nhất 500 triệu đồng cho 1 nhà văn hóa tối thiểu.
Chia sẻ kinh nghiệm từ những năm còn làm trong ngành văn hóa trước khi về làm công tác Mặt trận, ông Lê Hùng Phi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình cho rằng, trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới có tiêu chí xây dựng nhà văn hóa nhưng qua thực tiễn cho thấy, tiêu chí này không phù hợp. Theo ông Lê Hùng Phi, trước hết cần xác định quy mô hoạt động, nội dung hoạt động, thiết chế hoạt động của nhà văn hóa như thế nào mới là quan trọng chứ không phải ở đâu cũng cố gắng xây 1 nhà văn hóa. Trước năm 1986, đã có một thời kỳ chúng ta để hoang phí nhà văn hóa, ở đó chỉ là những nơi cất chứa sản phẩm thu hoạch mùa màng và xuống cấp một cách nghiêm trọng. Chúng ta đã rút kinh nghiệm việc này nhưng cho đến nay vẫn tiếp tục triển khai để rồi lại vấp phải một thực trạng lãng phí nhà văn hóa.
Cho nên, theo quan điểm của ông Lê Hùng Phi, để có nhà văn hóa đúng nghĩa, ngay tại các trụ sở UBND xã nên có một hội trường và ở đó bố trí các thiết chế văn hóa sao cho phù hợp với các hoạt động văn hóa như sân chơi thể thao, nơi sinh hoạt câu lạc bộ… để những nơi này trở thành trung tâm cộng đồng hội tụ đầy đủ các thiết chế văn hóa mà cộng đồng cần thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều những nhà văn hóa hiện tại.
Được biết, để giải quyết câu chuyện nhà văn hóa, một trong những giải pháp cơ bản nhằm thực hiện đề án định hướng đổi mới cuộc vận động giai đoạn mới của Mặt trận là xây dựng các Trung tâm hoạt động cộng đồng. Nội dung này được nhiều lãnh đạo Mặt trận các tỉnh, thành quan tâm và tán thành.
Công viên nông thôn mới
Ở nhiều nước trên thế giới, Trung tâm cộng đồng được biết đến như một xã hội thu nhỏ. Chúng tôi đã từng đến thăm một số trung tâm cộng đồng ở Singapore và thấu hiểu một điều rằng vì sao Singapore lại trở thành một quốc gia thịnh vượng. Tất cả những điều lớn lao lại bắt đầu từ những điều nhỏ bé. Tại các trung tâm này, một xã hội thu nhỏ được hình thành. Ở đó, người dân làm chủ. Đó là nơi để nhân dân tham gia các hoạt động giải trí, nâng cao kỹ năng sống và cũng là nơi để người dân bày tỏ chính kiến. Điều quan trọng là những ý kiến của họ được lắng nghe và hồi đáp.
Tuy nhiên không phải những gì ở Singapore cũng có thể áp dụng với Việt Nam. Vấn đề đặt ra lúc này là thích ứng sao cho phù hợp. Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng thư ký Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim, nhà văn hóa thôn, nhà văn hóa xã được xây dựng như hiện nay là những “chiếc áo” rất nhỏ bé chưa phù hợp với nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần vật chất ngày càng cao điều đó đòi hỏi phải có một trung tâm hoạt động cộng đồng trong một không gian mở.
Có thể hiểu “Trung tâm hoạt động cộng đồng trong một không gian mở” là ở đó sẽ tổ chức những hoạt động, đáp ứng nhu cầu thường xuyên về thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, sân chơi cho người cao tuổi, trẻ em cũng như sự tương tác qua lại giữa người dân và người đại biểu của nhân dân bằng sự lắng nghe và giải quyết trực tiếp những nguyện vọng, kể cả những sáng kiến để người dân chính là người hưởng thụ và sáng tạo ra cuộc sống mới của bản thân họ.
“Tương lai lâu dài rất cần có một môi trường như vậy và lúc đó chúng ta hình dung rằng nơi đó sẽ là một công viên nông thôn mới”, Phó Chủ tịch- Tổng thư ký Vũ Trọng Kim khẳng định. Cũng theo ông Vũ Trọng Kim, MTTQ Việt Nam sẽ đề nghị Chính phủ tập trung thực hiện đề án này tùy theo địa bàn và quỹ đất. Trước mắt sẽ làm mô hình mẫu để xây dựng dự án riêng cho các địa phương thực hiện.
Chúng ta có thể chấp nhận việc thực hiện các trung tâm này sẽ vấp phải nhiều khó khăn và các tiêu chí đưa ra chưa thực sự phù hợp, không dễ thực hiện song việc làm này chính là nền tảng để tìm ra một chuẩn khác tốt hơn cho câu chuyện nhà văn hóa, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân. Vì cuộc sống là sự biến đổi không ngừng và nâng cao chất lượng cuộc sống luôn là nhu cầu của đời sống.
Với quyết tâm đổi mới, người Mặt trận đang có những bước chuyển mình quan trọng để không chỉ đổi mới một cuộc vận động mà còn đổi mới chính bản thân mình nhằm bám sát với những yêu cầu và đòi hỏi mà thực tiễn cuộc sống đặt ra. Đổi mới này, bắt đầu từ khu dân cư vì khu dân cư vẫn là địa bàn hoạt động quan trọng của Mặt trận. Cho nên để giải quyết cho được câu chuyện lãng phí “kép” không gian văn hóa, không chỉ là chuyện của người làm văn hóa, của các cấp chính quyền mà đó còn là quyết tâm của người Mặt trận. |