Bài bản và chiều sâu cuộc chiến chống tham nhũng

Nam Việt 14/12/2020 07:30

Ngày 12/12, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013-2020. Đây là hội nghị quy mô lớn nhất từ trước tới nay về vấn đề này, hội nghị được toàn xã hội trông đợi vì tham nhũng chính là “giặc nội xâm”, cần phải loại bỏ. Tại Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về PCTN đã có bài phát biểu quan trọng.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ sai phạm tại Ngân hàng Đông Á.

Nhìn lại công tác PCTN giai đoạn 2013 - 2020, nhất là sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, từ sau khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác đấu tranh PCTN đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự đã trở thành phong trào, xu thế, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được quốc tế ghi nhận.

Trong giai đoạn 2013 - 2020, cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131.000 đảng viên. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87.000 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 4 Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). “Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng”- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh. Từ năm 2013 đến nay, qua công tác thanh tra, kiểm toán, đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 700.000 tỉ đồng, hơn 20.000 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 14.000 tập thể, nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý gần 700 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Có thể nói, cuộc chiến đấu chống “giặc nội xâm” đã được Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiến hành rất quyết liệt, không lúc nào chùng xuống, không khi nào ngưng nghỉ. Quyết tâm ấy được nhân dân cả nước tin tưởng.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành kiên quyết, không khoan nhượng, không nương nhẹ, không làm oan, không bỏ lọt tội phạm, rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn khiến các đối tượng bị xử lý phải cúi đầu tâm phục khẩu phục.

Nhân dân đặt niềm tin tuyệt đối vào công cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng, mà người giương cao ngọn cờ đi đầu trong cuộc chiến đầy gian nan ấy là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Trong tất cả những cuộc họp về công tác cán bộ, về đấu tranh PCTN, thái độ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là rất rõ ràng, không dung thứ cho bất cứ đối tượng nào từng gây họa cho Dân, cho Nước. Từ đó, sự hủ bại trong đội ngũ đã và đang được loại bỏ.

Trong cuộc chiến đấu chống tham nhũng, nhân dân cũng mong muốn cùng với việc trừng trị những kẻ tội đồ bằng kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước thì việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có cần phải riết róng hơn. Nếu như năm 2013, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chỉ đạt dưới 10%, thì bình quân giai đoạn 2013 - 2020, đạt tỉ lệ 32,04%. Đó là thành công, nhưng người dân mong muốn còn thành công hơn nữa khi mà đối tượng tham nhũng không thể “hi sinh đời bố củng cố đời con”, giấu giếm, tẩu tán tài sản đã chiếm đoạt của Dân, của Nước. Thu hồi triệt để tài sản tham nhũng cũng chính là chặt đứt mục đích tham nhũng, sẽ khiến cho những kẻ tà tâm phải chùn bước, không dám tham nhũng.

Một trong những vấn đề cực kỳ quan trọng rút ra từ cuộc đấu tranh PCTN suốt thời gian qua, đặc biệt là từ sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cho thấy việc kiểm soát quyền lực cần phải được làm tốt hơn. Nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là phải nhốt quyền lực vào lồng cơ chế, pháp luật. Quyền lực không được kiểm soát sẽ sinh ra hư hỏng, sinh ra các “lãnh chúa” với thói “mục hạ vô nhân”, thoái hóa, biến chất, trượt sâu vào con đường tội lỗi. Những “lãnh chúa” hủ bại ấy coi của Nước, của Dân như của nhà mình, mặc sức chiếm đoạt. Mà cũng không chỉ chiếm đoạt một mình, chúng còn lập vây cánh để cướp đoạt được nhiều hơn; cũng là để tạo ra tấm áo giáp hòng che chắn tội lỗi. Chúng những tưởng tấm áo giáp gồm toàn những kẻ hủ bại ấy là bất khả xâm phạm, đạn bắn không thủng.

Nhưng chúng đã lầm. Cuộc chiến chống tham nhũng thời gian qua cho thấy Đảng đã nói là làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói, việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng, nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm, kiên quyết làm và sẽ còn tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa.

Hội nghị Trung ương 14 Khóa XII sắp khai mạc. Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đến gần. Nhân dân đặt kỳ vọng vào đội ngũ cán bộ thật sự trong sạch, liêm chính, có tâm, có tầm, có tài để đưa đất nước vượt qua khó khăn thử thách, tiến về phía trước. Mà niềm tin đó, kỳ vọng đó bắt nguồn từ cuộc chiến đấu chống tham nhũng, loại bỏ những gì hủ bại như Đảng ta đã tiến hành trong những năm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài bản và chiều sâu cuộc chiến chống tham nhũng