Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ các nền văn hóa

Phạm Sỹ 20/11/2020 07:30

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Bảo tàng Hà Tĩnh tổ chức trưng bày chuyên đề “Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ các nền văn hóa” từ nay đến hết tháng 12/2020 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Một số hiện vật tại Trưng bày “Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ các nền văn hóa”.

Di tích khảo cổ học Bãi Cọi là cụm di tích bao gồm Bãi Cọi, Bãi Lòi và Bãi Phôi Phối thuộc xã Xuân Viên (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Quốc gia năm 2014. Di tích khảo cổ học Bãi Cọi được phát hiện năm 1974, đến nay, Bãi Cọi đã trải qua nhiều đợt khai quật. Sớm nhất là cuộc khai quật của Khoa Lịch sử - Trường ĐH Tổng hợp (nay là ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) vào năm 1976, với những nhận định ban đầu; di tích có niên đại hậu kỳ đá mới, thuộc văn hóa Bàu Tró.

Năm 1977, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) khảo sát Bãi Phôi Phối và thu được một số hiện vật, đặc biệt là 2 vòng thuỷ tinh màu xanh lục có đường kính khoảng 8 - 9cm. Đây là dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của một giai đoạn muộn hơn ở di tích Bãi Phôi Phối.

Cuối năm 2008 đến đầu năm 2009, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Hà Tĩnh, Bảo tàng Hà Tĩnh tiến hành khai quật di tích Bãi Cọi lần thứ nhất và đã thu được khối lượng lớn di vật cùng 16 mộ. Các nhà nghiên cứu nhận định đây là di tích mộ táng mang dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh nhưng có giao lưu, ảnh hưởng mạnh với văn hóa Đông Sơn, tồn tại vào khoảng thế kỷ I - II.

Cuối năm 2009, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiếp tục tiến hành cuộc khai quật lần thứ hai tại Bãi Cọi đồng thời tiến hành khảo sát rộng ở các khu vực xa trung tâm di tích và mở một số hố thám sát tại Bãi Phôi Phối, Bãi Lòi, Tráng Vạn, Đền Phúc Đa... và đã phát hiện 13 mộ cùng nhiều đồ tùy tang.

Tổng thể di tích, di vật trong lần khai quật này đã cho thấy rõ hơn tính chất văn hóa Sa Huỳnh của di tích Bãi Cọi. Khu mộ táng này phân bố trên một địa bàn khá rộng, tồn tại từ khoảng thế kỷ III trước Công nguyên đến đầu Công nguyên. Đây là khung niên đại được cho rằng phù hợp hơn so với nhận định ban đầu trong lần khai quật thứ nhất.

Năm 2012, trong khuôn khổ Dự án hợp tác nghiên cứu khai quật khảo cổ học nhằm tìm hiểu các nền văn hóa cổ đại Châu Á giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, di tích Bãi Cọi một lần nữa được các chuyên gia khảo cổ của hai bảo tàng tổ chức khai quật quy mô lớn.

Trưng bày với chuyên đề “Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ các nền văn hóa” giới thiệu tới công chúng trên 100 hiện vật, tư liệu thuộc sưu tập hiện vật Bãi Cọi lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Hà Tĩnh với nhiều chất liệu như đá, gốm, kim loại, thủy tinh…

Trưng bày là dịp để công chúng trong nước và bạn bè quốc tế có thêm nhận thức về vị trí, vai trò của di tích này trong diễn trình lịch sử, văn hoá Việt Nam.

Cuộc trưng bày đã góp phần cung cấp tư liệu khoa học góp phần làm sáng tỏ những khoảng trống lịch sử giai đoạn Sơ sử miền Trung Việt Nam (văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh và mối quan hệ, giao lưu của hai nền văn hóa này).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ các nền văn hóa