Bài cuối: Dồn điền đổi thửa - Xây dựng nông thôn mới - Đột phá để phát triển

Kiên Long 13/09/2015 10:30

Với Chương trình xây dựng nông thôn mới, việc dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) đã được coi là khâu đột phá. Cùng với việc đẩy nhanh tốc độ, thành công từ DĐĐT đã tạo cú hích cho việc xây dựng nông thôn mới. Cũng từ đây đã manh nha nhiều mô hình cho việc hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn như những Cánh đồng mẫu lớn, HTX kiểu mới...

Từ công tác dồn điền đổi thửa thành công, việc đầu tư và tổ chức lại
sản xuất của các nông hộ tốt hơn. (Ảnh: T.L).

Sáng dần con đường phát triển

Từ việc khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, sau khi thí điểm những mô hình khoán mới như ở Vĩnh Phú (cũ), Hải Phòng, sau Chỉ thị 100/CT-TƯ ngày 13/1/1981 về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm (khoán 100), ngày 5/4/1988 Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 10-NQ/TW “Về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp” (khoán 10).

Từ vụ mùa năm 1988, các địa phương đã tiến hành giao đất nông nghiệp, khoán sản phẩm cuối cùng đến hộ xã viên. Người nông dân đã tích cực đầu tư sản xuất trên phần diện tích được nhận khoán. Sản lượng lương thực đã không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, do chưa xác định rõ được thời gian giao khoán, diện tích đất giao khoán theo lao động còn tồn tại nhiều bất cập, sau đó, sản xuất có phần chững lại, có không ít hộ sản xuất nông nghiệp đã trả ruộng ra cho HTXNN hoặc thậm chí bỏ hoang đất.

Năm 1993, cùng với Luật Đất đai ra đời (có hiệu lực ngày 15-10-1993), ngày 27/9/1993 Chính phủ đã có Nghị định 64/CP quy định giao đất nông nghiệp ổn định lâu dài cho hộ nông dân.

Theo Luật Đất đai 1993 và Nghị định 64/CP người nông dân được giao đất ổn định đến 20 năm. Tuy nhiên, việc giao đất kế thừa, dựa trên việc giao ruộng khoán 10, dẫn đến tình trạng ruộng đất manh mún. Các hộ nông dân có từ 3-5 mảnh ruộng, thậm chí có nơi, có hộ có đến hơn 10 mảnh. Bên cạnh đó, việc quản lý đất công ích ở xã, thôn lỏng lẻo, phát sinh nhiều tiêu cực.

Bởi vậy, ngay từ năm 2000 nhiều địa phương đã tiến hành DĐĐT. Quá trình DĐĐT đã gặp không ít khó khăn. Chỉ khi có Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), cùng với sự quyết tâm của Đảng, chính quyền các địa phương, sự hỗ trợ của Nhà nước, việc DĐĐT mới được tiến hành khẩn trương, nhanh chóng, trở thành khâu đột phá cho Chương trình xây dựng NTM.

Bước đột phá

Ngày 4/6/2010 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Trước đó, Chính phủ đã có Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW xác định nhiệm vụ xây dựng “Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới”.

Mục tiêu Xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch...Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng, gồm 11 nội dung. Trong đó, nội dung Quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã nêu rõ việc Quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; Quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường; phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư...

Đặc biệt tăng cường công tác khuyến nông; đẩy nhanh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp; cơ giới hóa nông nghiệp...Nội dung cũng nêu rõ việc phát triển kinh tế hộ, trang trại, hợp tác xã...

Từ công tác DĐĐT thành công, việc đầu tư và tổ chức lại sản xuất của các nông hộ tốt hơn, người nông dân tăng cường thâm canh và ứng dụng tốt tiến bộ kỹ thuật vì quy mô thửa đất được nâng lên. Công tác DĐĐT đã từng bước khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất từ đó tạo điều kiện thuận lợi để quy hoạch vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng giao thông, thuỷ lợi...

Đến những mô hình, hướng đi tích cực

Chỉ trong 2 năm xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội đã thực hiện DĐĐT 290 ha canh tác, nhất là chỉ còn 1 thửa/ hộ. Vấn đề phức tạp trong DĐĐT được xã giải quyết trước hết bằng cách tuyên truyền tốt cho việc giữ nguyên định suất về số nhân khẩu và định suất đất theo quy định từ năm 1993; các ruộng xấu được thống nhất chuyển thành khu VAC. Sau DĐĐT hơn 200 ha ruộng đã được quy hoạch thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao, trên 50 ha ruộng trũng được triển khai thành vùng sản xuất VAC.

Mô hình những cánh đồng mẫu lớn này cũng đang được triển khai ở khắp các tỉnh, thu được nhiều kết quả khả quan. Cánh đồng mẫu lớn ở xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi mới triển khai từ vụ Đông Xuân 2013-2014 là một ví dụ. Sau 3 năm DĐĐT ở 5 đội sản xuất, thuộc 5 khu dân cư, 730 hộ đã cùng tham gia xây dựng cánh đồng mẫu lớn hơn 150 ha đất. Các tiến bộ KHKT đã được ứng dụng, từ máy cày, bừa, gặt đập liên hợp.Việc chăm bón, sử dụng thuốc trừ sâu đều theo các quy định kỹ thuật cao. Kết quả ban đầu năng suất lúa mỗi vụ đã tăng từ 5- 10 tạ/ ha.

Ô nhiễm môi trường, việc chạy theo lợi nhuận, thiếu sự dẫn dắt để sinh ra những sản phẩm nông nghiệp ô nhiễm đã và đang là mối lo đáng báo động của sản xuất nông nghiệp của người tiêu dùng. Với việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, với việc đầu tư giúp đỡ của các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài như áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp của Nhật Bản vào Việt Nam đang được thực hiện tại một số tỉnh như Thái Bình và một số tỉnh phía Nam. Sản phẩm nông nghiệp sạch, công nghệ cao đang là một nhu cầu thiết yếu để xuất khẩu ra các thị trường trong nước cũng như nước ngoài, đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp.

Sau DĐĐT, sản xuất đã được cơ giới hóa, người nông dân được chuyển giao, nâng cao tay nghề, kỹ thuật, công việc cũng nhàn hơn, hiệu quả cao hơn. Cũng từ những vướng mắc và những bài học trong DĐĐT, người ta cũng nghĩ đến việc cần đổi mới các mô hình, như cần xây dựng các HTX kiểu mới với cách quản lý khoa học, hiệu quả.

Khi nông dân cùng góp ruộng, đóng góp cổ phần xây dựng tập thể, sẽ hình thành những cánh đồng mẫu lớn, hay các khu VAC hiện đại, tạo thuận lợi cho sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vừa cho tiêu thụ sản phẩm. Sẽ không còn chuyện suy bì ruộng xấu, ruộng tốt, đồng xa, đồng gần, nơi gần mặt đường hay nơi đồng xa, chân ruộng cao hay ruộng trũng; không còn việc bỏ ruộng, chuyển ruộng cho người khác cấy tạm. Cùng với xây dựng NTM, con đường hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đang mở rộng cho nền nông nghiệp nước nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài cuối: Dồn điền đổi thửa - Xây dựng nông thôn mới - Đột phá để phát triển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO