Thị trường tài chính thế giới mới đây rúng động bởi “quả bom nợ” của tập đoàn bất động sản Evergrande (Trung Quốc).
Theo các chuyên gia kinh tế, trong thời đại toàn cầu hóa, hệ lụy lan truyền là điều khó tránh. Điều đáng nói, ở Việt Nam, nhiều mô hình kinh doanh bất động sản (BĐS) khá tương đồng với Evergrande.
Được thành lập vào năm 1996 với mô hình kinh doanh là mua đất từ chính quyền, bán căn hộ trả góp theo tiến độ, vốn lưu động chủ yếu từ các khoản vay, tính đến cuối tháng 6/2021, tổng tài sản ước tính của Evergrande là 368 tỷ USD, tương đương khoảng 2% GDP của Trung Quốc.
Theo TS Võ Đình Trí, giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM, có 3 yếu tố hình thành “bom nợ” Evergrande, đó là: những thay đổi về chính sách của Chính phủ Trung Quốc, do tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 và bản thân cấu trúc của doanh nghiệp (DN) này không vững mạnh. Từng là tập đoàn BĐS phát đạt nhất Trung Quốc nhưng Evergrande giờ đây đối mặt với nguy cơ sụp đổ vì khoản nợ khổng lồ lên đến hơn 300 tỉ USD.
TS Trí phân tích cụ thể hơn: Khi nhu cầu mua nhà sụt giảm do Covid-19 và Chính phủ Trung Quốc hạn chế đòn bẩy tài chính của DN BĐS, Evergrande không thể tiếp cận các khoản vay thêm và rơi vào mất thanh khoản.
Nhìn lại thị trường BĐS Việt Nam, vị chuyên gia này đánh giá, tình trạng giá BĐS ở một số nơi tại Việt cao hơn so với thu nhập của người dân vẫn kéo dài. Vì vậy, Chính phủ nên cân nhắc để có giải pháp điều tiết nhằm giảm dần tính đầu cơ trong BĐS. “Đã có rất nhiều kiến nghị về việc kiểm soát đầu cơ như giải pháp thuế tài sản, thuế đánh trên giao dịch giá BĐS để hạn chế đầu cơ nhằm hạ nhiệt BĐS”, ông Trí nói. Theo vị chuyên gia, “cú ngã” của đại gia BĐS Evergrande đặt ra bài học kinh nghiệm cho thị trường BĐS Việt khi có nhiều DN BĐS cũng có mô hình tài chính kinh doanh khá mạo hiểm.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, thường thì cách tốt nhất được các DN BĐS lựa chọn là huy động trái phiếu vì đơn giản hơn nhiều so với việc vay vốn từ ngân hàng. Tại các ngân hàng, DN khi vay cần tài sản thế chấp, bị quản lý mục đích sử dụng tiền chặt chẽ... Còn khi phát hành trái phiếu thì không ai quản lý chủ đầu tư. Họ có thể mở rộng nối tiếp các dự án mà không cần dành dòng vốn để hoàn thiện từng bước các dự án đang thực hiện, khiến tích tụ khối nợ lớn. Khi thị trường gián đoạn thanh khoản, dòng tiền bán hàng bị âm, dòng đầu tư khó khăn thì tài chính lao dốc.
“Chúng tôi đã cảnh báo nhiều lần về hiện tượng này, nguy cơ có thể xảy ra ngay tại Việt . Quả “bom nợ” Evergrande chính là bài học lớn về việc sử dụng đòn bẩy tài chính cho BĐS” - TS Nghĩa cho hay.
Thời gian qua, DN BĐS Việt Nam cũng huy động qua trái phiếu rất nhiều nhưng thị trường trái phiếu của Việt Nam thực sự chưa phát triển, thiếu các cơ quan đánh giá độc lập, đủ năng lực... nên sẽ là nguy cơ gây rủi ro cho nhà đầu tư.
Những đổ vỡ dây chuyền của Evergrande hiện vẫn chưa được khắc phục. Theo các chuyên gia, đây có thể được xem là bài học để các DN Việt thức tỉnh bởi cách đầu tư và huy động vốn của nhiều DN BĐS hiện khá tương đồng.