Những ngày vừa qua, dư luận chưa hết xôn xao, phẫn nộ trước việc một nam sinh lớp 8 bóp cổ giáo viên trong giờ học thì mới đây, tại Yên Thành, Nghệ An, một giáo viên dạy lớp 9 lại bị anh trai một học sinh đến tận trường hành hung vì đã tát em anh ta tại lớp học.
Cụ thể, ngày 13/3, thầy Đặng Minh Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 9D trường THCS Tân Thành đang dạy thì phát hiện học sinh đốt giấy trong lớp. Sau hai lần gặng hỏi “em nào đốt đứng lên nhận” nhưng không có kết quả, đến lần hỏi thứ ba thì em Nguyễn Văn Phong nhận. Thầy Thủy đã tát một cái vào đầu nam sinh, gửi giấy mời phụ huynh tới trường thông báo sự việc và tìm hướng giáo dục.
Sau đó một ngày, thầy Thủy ngồi ở văn phòng thì Nguyễn Văn Đoàn (anh trai em Phong) đi vào. Trong cuộc trò chuyện, Đoàn bất ngờ dùng hung khí tấn công vào mặt khiến thầy giáo gục tại chỗ, phải chuyển tới bệnh viện. Bác sĩ xác định thầy Thủy bị dập mũi.
Được biết, chiều tối 15/3, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã có văn bản gửi Sở Giáo dục Nghệ An yêu cầu Sở Giáo dục Nghệ An đề nghị công an trên địa bàn điều tra và xử lý theo đúng pháp luật.
Sâu chuỗi những vụ bạo lực học đường nghiêm trọng thời gian qua, nhiều chuyên gia an ninh và giáo dục đã phân tích, nguyên do sâu xa dẫn đến những vụ việc học sinh đánh nhau hoặc học sinh hư hỗn với giáo viên là do sự thiếu nhận thức và xem thường pháp luật, xuống cấp về lối sống, tha hóa về đạo đức của một bộ phận học sinh.
Đề cao vai trò của gia đình, GS-TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng đừng quy trách nhiệm cho nhà trường phải giáo dục trẻ nên người! Đừng đổ lỗi cho xã hội với những thói hư tật xấu lôi kéo trẻ! Trách nhiệm dạy dỗ, uốn nắn con cái trước hết là của gia đình.
Ở khía cạnh khác, TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội thì cho rằng, đằng sau những trấn thương vì bạo lực học đường có rất nhiều sai lầm của người lớn. Ở vụ việc cụ thể này, có thể thấy em Phong sau những lo lắng, sợ hãi ban đầu đã mạnh dạn nhận khuyết điểm.
Tuy nhiên, lẽ ra phải ghi nhận thái độ ăn năn của học sinh vì cuối cùng cậu ấy cũng nhận khuyết điểm thì thầy giáo lại thiếu kiềm chế đánh học sinh vào đầu ngay trước mặt các bạn. Lỗi này theo các chuyên gia giáo dục bắt nguồn từ thầy giáo.Từ đó dẫn đến thái độ trả thù, rửa hận cho em của anh trai học sinh này.
Dư luận dù phẫn nỗ với hành động có tính côn đồ của anh trai học sinh kia nhưng cũng không thể đồng tình với thái độ dạy bảo học sinh của thầy giáo Thủy. Qua sự việc trên, Bộ cũng đề nghị Sở Giáo dục Nghệ An rút kinh nghiệm và lưu ý trong toàn ngành về văn hóa ứng xử trường học, xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, thân thiện, đồng thời nâng cao kỹ năng sư phạm cho nhà giáo, không để những sự việc đáng tiếc xảy ra.
Ở nước ta, trong những năm gần đây, dư luận xã hội lên tiếng khá nhiều về bạo lực học đường, với những lo ngại về sự đa dạng và mức độ nguy hiểm của hành vi này. Vì vậy, việc hạn chế bạo lực học đường, xử lý những lỗi lầm của trẻ như thế nào để chúng biết hóa giải xung khắc, hận thù bằng tình yêu thương , từ đó biết sửa chữa, không tiếp tục mắc khuyết điểm, dường như vẫn đang là bài toán khó của ngành giáo dục…