Bài toán nào cho phát triển kinh tế biển bền vững?

M.Loan 12/06/2022 19:04

Sau bốn năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW nhiều quy hoạch liên quan đến biển căn cứ vào quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, tuy nhiên cả 2 quy hoạch mới chỉ bắt đầu quá trình xây dựng.

Đó là ý kiến được ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông nêu tại Diễn đàn kinh tế biển diễn ra ngày 12/6, tại Phú Yên. Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và môi trường và tỉnh ủy Phú Yên tổ chức.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Trong tiến trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng vai trò của biển.

Theo đó, các chủ trương, chính sách lớn về biển và phát triển bền vững kinh tế biển đã được Trung ương xem xét, ban hành để thống nhất tổ chức triển khai thực hiện. Năm 2007, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành "Chiến lược biển Việt Nam". Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá X về Chiến lược biển Việt Nam, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, các cơ quan Trung ương và các địa phương có biển đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết.

Nhận thức của toàn hệ thống chính trị và người dân về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia được nâng lên rõ rệt. Chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển được giữ vững; công tác tìm kiếm cứu nạn, an toàn hàng hải được tăng cường; công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển được chủ động triển khai toàn diện. Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển của đất nước; hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện rõ rệt…

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Diễn đàn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, phát triển kinh tế biển trong những năm qua chưa thực sự ấn tượng. Quy mô kinh tế biển còn khiêm tốn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý…

Những yếu kém trên đây xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cả các nguyên nhân khách quan từ diễn biến cực đoan trong biến đối khí hậu toàn cầu, song chủ yếu từ những nguyên nhân chủ quan, đó là: Tổ chức, bộ máy quản lý về phát triển bền vững kinh tế biển còn bất cập; nguồn lực để thực hiện các chủ trương, giải pháp và khâu đột phá trong Nghị quyết chưa được bố trí phù hợp; các phương thức quản lý biển mới, tiên tiến còn chậm được áp dụng như: quản trị biển theo không gian, quản lý tổng hợp vùng bờ biển, quy hoạch không gian biển; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển còn thiếu và chưa đồng bộ.

Phát biểu tham luận tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và môi trường Lê Minh Ngân nhấn mạnh: Thế kỷ 21 được xem là thế kỷ của đại dương, biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc gia.

Kinh tế biển, ven biển đã trở thành động lực phát triển kinh tế của đất nước. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy rằng, “ra biển là thịnh vượng, ngược biển là suy tàn”.

Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII đã ban hành về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là thể hiện tầm nhìn của Đảng ta trong xu thế phát triển chung của toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Lê Minh Ngân phát biểu tại diễn đàn.

Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, là cơ quan tham mưu, tổng hợp Bộ Tài nguyên vàmôi trường nhận thấy cần cập trung ba khâu đột phá trong Chỉ thị số 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/11/2021về đổi mới và tăng cường tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ông Ngân nhấn mạnh, nhiệm vụ trước mắt cần tập trung thực hiện một số nội dung cụ thể như: Cần kiến tạo môi trường chính sách hợp lý cho nền kinh tế biển bền vững, kinh tế xanh để khai thác bảo vệ hiệu quả tài nguyên môi trường phát triển bền vững kinh tế biển.

Thúc đẩy thu hút, huy động được các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế biển mới như: điện gió ngoài khơi, nuôi, đánh bắt xa bờ, tập trung thăm dò, khai thác các loại khoáng sản chiến lược…; khẩn trương triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển và hải đảo- Thứ trưởng Ngân nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài toán nào cho phát triển kinh tế biển bền vững?