Bài toán quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới?

H.Hương 06/04/2021 06:30

Hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam hiện đang trong giai đoạn bùng nổ với tăng trưởng hàng năm ở mức rất cao. Việc quản lý thuế đối với hoạt động có yếu tố TMĐT trên mạng xã hội gặp nhiều khó khăn.

Hai vấn đề lớn

Theo báo cáo “TMĐT trên mạng xã hội tại Việt Nam: Một số vấn đề pháp lý” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, việc quản lý thuế đối với hoạt động có yếu tố TMĐT còn nhiều khó khăn. Cụ thể việc quản lý thuế tập trung ở hai vấn đề lớn, một là thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập của các cá nhân, tổ chức bán hàng hoá, dịch vụ trên mạng xã hội; hai là, thuế nhà thầu đối với các mạng xã hội cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.

Nghiên cứu cho thấy các phương pháp thu thuế truyền thống không khả thi khi áp dụng với các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên mạng xã hội trong nước cũng như xuyên biên giới, do đặc tính nhỏ lẻ và không có địa điểm kinh doanh vật lý.

Pháp luật để quản lý hoạt động trong nước đã khó, việc quản lý hoạt động TMĐT trên mạng xã hội xuyên biên giới tại Việt Nam cũng là điều đang làm “đau đầu” cơ quan quản lý. Theo khảo sát, tại Việt Nam, ngoài Zalo, các nền tảng mạng xã hội hàng đầu đều là các nền tảng xuyên biên giới, như Facebook, YouTube, Twitter, Instagram, Tiktok, Pinterest… Hoạt động mua, bán hàng hóa, dịch vụ trên các nền tảng xuyên biên giới này khá phổ biến và đóng góp không nhỏ vào sự phát triển và tăng trưởng của TMĐT Việt Nam.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 làm thay đổi gần hết mô hình kinh doanh, khi các hoạt động kinh doanh mua bán theo phương thức truyền thống đang có phần “lép vế” so với kinh doanh trên nền tảng điện tử, thu thuế từ hoạt động kinh doanh TMĐT sẽ trở thành một kho tàng nếu như thu được đúng và thu được đủ.

Hiện nay Bộ Tài chính cũng đã dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 126 về quản lý thuế là quy định các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số.

Chuyên gia nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm

Ông Nguyễn Việt Anh, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng, quản lý thuế đối với các hoạt động TMĐT và kinh doanh dựa trên nền tảng số là một công việc khá mới mẻ đối với nhiều cơ quan thuế trên thế giới. Tuy nhiên, đi sâu hơn vào các nội dung cụ thể có thể chia làm hai trường hợp.

Đối với thuế trực thu, có thể khẳng định đây là một nội dung rất mới và hiện nay các quốc gia vẫn chưa tìm ra được giải pháp có sự đồng thuận cao về cách thức đánh thuế trực thu đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, có thu nhập phát sinh từ hoạt động kinh doanh tại một quốc gia nhưng lại không có sự hiện diện tại quốc gia đó. Đây là một nội dung đã được thảo luận qua nhiều vòng trong khuôn khổ của diễn đàn BEPS do G20/OECD khởi xướng, nhưng vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Đối với thuế gián thu mà cụ thể là thuế giá trị gia tăng, việc đánh thuế đối với hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các dịch vụ số được cung cấp qua các giao dịch TMĐT, các nền tảng số thì đã có những thông lệ quốc tế tốt. Các nước thuộc khối EU cũng như nhiều quốc gia xung quanh Việt Nam như Úc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan đã ban hành quy định cũng như chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng để quản lý thuế TMĐT từ các giao dịch này.

“Thực tế cho thấy, phần lớn các giao dịch TMĐT, giao dịch kinh tế số được thực hiện thông qua các chợ điện tử hoặc các nền tảng số. Con số các nhà cung cấp lên tới hàng trăm ngàn, hàng triệu nhà cung cấp. Số lượng giao dịch tuy nhiều nhưng giá trị từng giao dịch thường nhỏ. Việc quản lý nhóm đối tượng này là một thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý thuế. Trong khi đó, việc tuân thủ nghĩa vụ kê khai, nộp thuế cũng là một gánh nặng đối với các nhà cung cấp, thường là các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ”, ông Nguyễn Việt Anh nói.

Về phía các sàn TMĐT hoặc các nền tảng số, đa số các đối tượng này hoạt động trên quy mô quốc tế và đã quen với quy định này tại các quốc gia khác nên đã có những hiểu biết cũng như nền tảng hệ thống để tuân thủ. Do vậy, quy định này không phát sinh thêm gánh nặng cho họ. Quy định này đã được nhiều nước áp dụng, chẳng hạn trong khối EU, hay ở gần Việt Nam như Úc, Malaysia. Nhiều nước khác cũng đang dự thảo quy định theo hướng này đối với việc đánh thuế gián thu đối với các giao dịch TMĐT.

Thời gian qua để triển khai việc quản lý thuế đối với thương mại điện tử (TMĐT) trên toàn quốc, Tổng cục Thuế đã ban hành một số công văn gửi cục trưởng cục Thuế các tỉnh, thành phố. Đồng thời, Tổng cục Thuế cũng đã ban hành một số công văn gửi Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an (Cục Cảnh sát Điều tra về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu – CO3) để cùng phối hợp triển khai quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.

Thống kê cho thấy, từ năm 2016-2020, các tổ chức Việt Nam ký hợp đồng quảng cáo trên mạng với tổ chức nước ngoài và đã khấu trừ nộp thay cho các tổ chức nước ngoài với số thuế thu từ quảng cáo trên sản phẩm nội dung thông tin số của tổ chức là 2.442,11 tỷ đồng. Tổng thu và tiền phạt từ cá nhân cư trú tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xuyên biên giới và cá nhân kinh doanh TMĐT trên các trang web, facebook… đến tháng 12/2020 là 240,89 tỷ đồng. Trong đó, Hà Nội 148 tỷ đồng, TP Hồ Chí Minh 68,55 tỷ đồng, Đà Nẵng 24,33 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài toán quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới?