Bộ Tài chính đang tính phương án phát hành trái phiếu Chính phủ và công trái ngoại tệ để huy động 180.000 tỷ đồng tiền trong dân trong hai năm. Điều này liệu có khả thi?
Lãi suất cần có sức hấp dẫn
Tại diễn đàn Quốc hội mới đây, báo cáo về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đang nghiên cứu đề án phát hành trái phiếu, công trái huy động ngoại tệ nhàn rỗi trong dân để đầu tư phát triển kinh tế. Người đứng đầu Bộ Tài chính tính toán có thể huy động khoảng 180.000 tỷ đồng qua các kênh này trong hai năm.
Trước đây, Chính phủ đã từng huy động tiền trong dân bằng công trái, trái phiếu, kỳ phiếu... nhưng chủ yếu bằng VNĐ, trong phương án huy động lần này Bộ Tài chính muốn phát hành công trái huy động ngoại tệ trong nước (chủ yếu là USD) là do lãi suất gửi ngoại tệ ở ngân hàng hiện là 0%, trong khi lãi suất tiết kiệm VNĐ là 4-6%/năm. Chính vì vậy, nếu phát hành công trái bằng ngoại tệ, chi phí huy động vốn mà Nhà nước bỏ ra thấp hơn nhiều so với công trái nội tệ. Hơn nữa, người nắm giữ USD nhàn rỗi sẽ có lợi hơn khi mua công trái ngoại tệ do Chính phủ phát hành thay vì “để không” gây lãng phí. Nếu thành công, đó là một nguồn lực lớn có thể giúp Chính phủ phục hồi kinh tế.
TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, tính khả thi của việc phát hành công trái ngoại tệ phụ thuộc rất lớn vào lãi suất và kỳ hạn. Nếu huy động với lãi suất thấp sẽ không “đủ sức” kéo USD nhàn rỗi ra khỏi két của dân, nhưng nếu đẩy lãi suất lên cao sẽ làm tình trạng “đô la hoá” quay trở lại nền kinh tế.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cũng ủng hộ chủ trương huy động ngoại tệ nhàn rỗi trong dân. Song ông Lộc lưu ý, Chính phủ nên yêu cầu hệ thống ngân hàng thống kê lượng USD nhàn rỗi và đánh giá cụ thể mức độ tác động đến ổn định vĩ mô theo từng tỉ lệ huy động để có chiến lược phù hợp.
Nguồn vốn lớn đang để không
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, phát hành công trái ngoại tệ trong thời điểm này cũng là một giải pháp tận dụng nguồn lực trong dân cần thiết khi nền kinh tế đã bị tổn thương mạnh và chưa có tiền lệ bởi sự tàn phá khủng khiếp từ dịch bệnh. Khi các cơ hội đầu tư khác không hấp dẫn và an toàn thì người dân sẽ cân nhắc việc đầu tư sang kênh công trái, kỳ vọng sẽ huy động được nguồn ngoại tệ nhàn rỗi trong nước một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc huy động vốn bằng công trái ngoại tệ với lãi suất cao hơn so với lãi suất USD mà người dân đang gửi tại ngân hàng hiện nay sẽ khiến nhiều người đồng loạt rút ngoại tệ tại ngân hàng để mua công trái dẫn đến thiếu hụt tạm thời ngoại tệ tiền mặt.
Nói về vấn đề này, ông Doanh cho rằng, không nên quá lo lắng bởi đa phần người dân sẽ chia nhỏ danh mục đầu tư, không “bỏ trứng vào một giỏ”. Nếu cần thiết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể thực hiện vai trò điều tiết để bảo đảm hệ thống tài chính duy trì đủ ngoại tệ tiền mặt đáp ứng nhu cầu cần thiết.
Thực tế, theo các chuyên gia, đối với nhà đầu tư nói chung, người dân nói riêng họ có quyền đầu tư vào bất kỳ lĩnh vực nào mà pháp luật cho phép. Đặt trong bối cảnh do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, lãi suất tiền gửi ngân hàng liên tục giảm sâu, thị trường chứng khoán cũng không mấy khởi sắc… nhà đầu tư, người dân lại “đổ” tiền vào bất động sản để kiếm lời cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, xét trên bình diện kinh tế, việc người dân “đổ” tiền đầu tư vào thị trường bất động sản sẽ không phải là dấu hiệu tốt. Vì như vậy, “mạch máu” cung cấp vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế thông qua thị trường chứng khoán, tài chính, ngân hàng sẽ bị nhỏ lại. Đặc biệt, trong bối cảnh chúng ta phải đi vay khoản tiền khá lớn cho đầu tư thời gian qua…thì việc huy động hàng tỷ USD “găm” trong dân mới thấy quý giá.
Theo đánh giá chung, lượng tiền trong dân còn khá lớn mà nền kinh tế chưa huy động được. Và làm sao để người dân yên tâm bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh, chứ không phải tập trung vào nhà cửa, đất đai hay vàng, bạc, ngoại tệ nhằm tích trữ gửi tiết kiệm… là câu chuyện cần quan tâm.