Để bình ổn giá xăng dầu, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính nhiều nội dung liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu như: đề xuất thuế MFN (nhập khẩu ưu đãi) với xăng dầu giảm xuống 10 hoặc 8% có thời hạn; giảm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt do giá xăng dầu tăng; xem xét quy định về thuế nhà thầu với kho ngoại quan; quy định về áp dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu...
Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, cần tập trung vào 3 nội dung.
Thứ nhất là tìm được nguồn cung sao cho dồi dào nhưng giá rẻ.
Thứ hai, liên quan đến thuế, Bộ trưởng cho biết, giảm thuế sẽ ảnh hưởng đến chính sách tài khóa nhưng sẽ kích cầu và phát triển kinh tế. Hiện nay, có các sắc thuế như: thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường. Về thuế bảo vệ môi trường, hiện đã giảm 2.000 đồng/lít và Bộ Tài chính đang đề xuất giảm tiếp 1.000 đồng/lít nữa là 3.000 đồng/lít. Còn về thuế tiêu thụ đặc biệt nếu giảm phải trình Quốc hội theo đúng thẩm quyền quy định tại Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thứ ba, đồng thời với giảm thuế thì chúng ta phải ngăn chặn buôn lậu, giảm được thẩm lậu xăng dầu do nhiều nước láng giềng của Việt Nam có giá bán xăng dầu rẻ hơn nước ta khá nhiều. Cần các biện pháp để chặn đứng tình trạng này.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho biết, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ về các vấn đề này để triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được ổn định.
Riêng về thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) thì chỉ thu thuế TTĐB đối với xăng, không thu thuế TTĐB đối với dầu các loại. Mức thuế suất thuế TTĐB đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%. Luật Thuế TTĐB không quy định giảm thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB.
Theo Bộ Tài chính, thuế TTĐB là sắc thuế gián thu, đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng vì có hại cho sức khoẻ (thuốc lá, rượu, bia,...), ảnh hưởng đến môi trường và cần tiêu dùng tiết kiệm (xăng gốc hóa thạch) hoặc hàng hóa, dịch vụ cao cấp cần điều tiết thu nhập (ô tô, máy bay, du thuyền, chơi gôn,...). Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm nên theo thông lệ quốc tế luôn thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hầu hết các nước trên thế giới đều thu thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng. Mức thuế suất thuế TTĐB đối với xăng của Việt Nam hiện ở mức trung bình thấp so với các nước. Theo số liệu thống kê, số thu thuế TTĐB đối với xăng ước thực hiện 5 tháng đầu năm 2022 là khoảng 6.503 tỷ đồng. Nếu giá dầu thế giới 7 tháng cuối năm 2022 bình quân khoảng 110USD/thùng thì số thu thuế TTĐB đối với xăng 7 tháng cuối năm 2022 ước khoảng 9.614 tỷ đồng. Khi đó, tổng số thu thuế TTĐB đối với xăng cả năm 2022 dự kiến khoảng 16.117 tỷ đồng.
Nếu giá dầu thế giới 7 tháng cuối năm 2022 bình quân khoảng 120USD/thùng thì số thu thuế TTĐB đối với xăng 7 tháng cuối năm 2022 ước khoảng 10.488 tỷ đồng (bình quân 1.498 tỷ đồng/tháng). Khi đó, tổng số thu thuế TTĐB đối với xăng cả năm 2022 dự kiến khoảng 16.991 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng cho biết, tại Việt Nam, Luật Thuế TTĐB đã quy định xăng thuộc đối tượng chịu thuế từ năm 1999. Quy định này là phù hợp với mục tiêu thu thuế TTĐB và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo số liệu thống kê năm 2019 (giai đoạn trước dịch Covid-19) thì sản lượng tiêu thụ trong nước của mặt hàng xăng chiếm tỷ trọng khoảng 37% trong tổng sản lượng xăng, dầu. Mặt khác, hiện nay chỉ có mặt hàng xăng là chịu thuế TTĐB. Do đó nếu thực hiện giảm thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng thì chưa thực sự hiệu quả, chưa đạt được mục tiêu của việc giảm thuế là hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, kiềm chế lạm phát vì dầu mới là mặt hàng chủ yếu phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, trường hợp điều chỉnh mức thuế TTĐB đối với xăng thì phải thực hiện điều chỉnh mức thuế TTĐB tương ứng đối với xăng E5 và xăng E10 cho phù hợp.
Bộ Tài chính khẳng định, về thẩm quyền việc thực hiện điều chỉnh đối với thuế TTĐB thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định và thường không thể áp dụng ngay, trong khi giá xăng dầu có những thời điểm biến động nhanh, thời gian ngắn, nên sẽ có độ trễ nhất định.