Bàn cách tăng năng lực cạnh tranh

Thanh Giang 23/09/2015 22:54

Ngày 23/9, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị giao ban Hiệp hội và doanh nghiệp khu vực phía Nam - Một số vấn đề cải cách thể chế, hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh mới.

DN dệt chủ yếu thực hiện gia công sản phẩm.

Vấn đề đặt ra hiện nay, doanh nghiệp (DN) hội nhập như thế nào khi cơ chế và chính sách kinh tế cũ vẫn đang tồn tại? Doanh nghiệp Việt Nam không hề lo ngại khi tham gia sân chơi chung toàn cầu, nhưng mong muốn Chính phủ có những sửa đổi thể chế kinh tế, tài chính tạo điều kiện thuận lợi giúp thích nghi với thương trường mới.

Thực tế cho thấy, DN tư nhân có vai trò quan trọng quyết định sự phát triển kinh tế của cả nước song DN Việt đang đứng trước hàng loạt khó khăn: Quy mô kinh tế nhỏ, chi phí đầu vào tăng, năng lực cạnh tranh thấp, tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn…

Cụ thể, chi phí trung gian so với giá trị sản xuất ở khu vực nông nghiệp ở mức 60%, công nghiệp trên 70%, dịch vụ trên 43%. Và, chi phí trung gian trở thành vấn đề nan giải trong nhiều năm nay. Giờ đến trước ngưỡng cửa hội nhập nhưng tình hình vẫn không khá hơn.

Đơn cử, năm 2014 xuất khẩu được 25 tỷ USD thì có đến 80% là hàng may mặc, trong đó DN Việt Nam chỉ chiếm khoảng 40%. Nghịch lý hơn cả, 85% DN may Việt Nam kinh doanh không lời vì làm hàng gia công, 12% DN là mua nguyên liệu thành phẩm, chỉ có 3% DN thực hiện chuỗi sản xuất khép kín thiết kế, sản xuất, tiêu thụ.

Nhìn vào điểm yếu của ngành nhiều DN phân trần, nguy cơ ngành dệt may gặp khó khăn trong hoạt động xuất khẩu nếu như Việt Nam chính thức gia nhập TPP. Nguyên nhân chủ yếu, Việt Nam chậm đầu tư, phát triển công nghiệp hỗ trợ nên DN nội địa vẫn thường xuyên nhập khẩu nguyên liệu các nước. Cộng đồng DN Việt dệt may lo ngại những yếu thế trong cạnh tranh.

Điều mà DN ngành dệt may nói riêng và các ngành khác nói chung mong mỏi nhất hiện nay là đổi mới thể chế kinh tế - tài chính sao cho phù hợp với tình hình mới. Đại diện Khu chế xuất – khu công nghệ cao TP. HCM khẳng định, do chậm đổi mới chuyển biến chính sách nên DN hội nhập trong bỡ ngỡ. Rõ ràng, không thể quay lưng với hội nhập, không thể nằm ngoài cuộc chơi chung với các nước.

Bàn về cải cách thể chế kinh tế, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trước đây Việt Nam thường đánh giá theo kiểu năm nay tiến bộ hơn năm trước. Song, nhìn vào các nước trong khu vực thì chúng ta tụt hậu và thụt lùi. Để có thể rộng đường phát triển, Chính phủ đã và đang nỗ lực đưa Việt Nam từ nhóm 4 cuối bảng về môi trường cạnh tranh trong Asean lên hàng nhóm 4 nước đầu bảng thông qua Nghị quyết 19. Nghĩa là, giảm giờ làm thủ tục từ 872 giờ xuống còn 172 giờ.

Ông Lộc cho biết, Việt Nam hoàn toàn có thể hoàn thành mục tiêu trên miễn là biết cách làm. “Địa phương cần phải thay đổi tư duy để đột phá trong phát triển. Chính quyền địa phương là hậu phương vững chắc với tinh thần tận tâm hỗ trợ cộng đồng DN trên thương trường thì không còn gì bằng”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Quan ngại trước tình trạng DN lúng túng trước hội nhập, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng: Bước vào cuộc chơi chung cần tạo ra thể chế đáp ứng yêu cầu cuộc chơi. Theo Bộ trưởng, đã đến lúc cần đổi mới mạnh mẽ thể chế kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bàn cách tăng năng lực cạnh tranh