Pháp luật

Bàn giải pháp hài hòa hóa pháp luật giữa các quốc gia ASEAN

THÀNH LUÂN 10/07/2024 15:54

Đây là nội dung được đưa ra tại Hội thảo quốc tế với chủ đề “Hài hòa hoá pháp luật giữa các quốc gia ASEAN hướng tới phát triển toàn diện và bền vững” tại TPHCM vào ngày 10/7.

8e4a0651.jpg
Quang cảnh Hội thảo quốc tế “Hài hòa hoá pháp luật giữa các quốc gia ASEAN hướng tới phát triển toàn diện và bền vững”.

Tại hội thảo, PGS.TS Vũ Văn Nhiêm - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật TPHCM cho biết, cộng đồng ASEAN được hình thành dựa trên 3 trụ cột gồm chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa – xã hội. Một trong những điều kiện mang tính chất nền tảng quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển của ASEAN là thực hiện yêu cầu hài hòa hóa pháp luật, hướng tới xây dựng các khung pháp lý chung của ASEAN trên nhiều lĩnh vực, thông qua đó thúc đẩy quá trình hội nhập sâu, rộng của khu vực.

Dù vậy, PGS.TS Vũ Văn Nhiêm cho rằng, trong bối cảnh thế giới và khu vực đang chứng kiến quá nhiều sự biến động có tính phức tạp, khó lường, quá trình toàn cầu hóa đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, sự bất ổn địa chính trị trong khu vực và thế giới, các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng…

Đây là những thách thức không hề nhỏ đối với cộng đồng ASEAN, đặc biệt trong giai đoạn bản lề chuyển giao giữa Tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025 sang Tầm nhìn Cộng đồng 2045.

Kiến nghị giải pháp tại hội thảo, ThS Trần Ngọc Hà, giảng viên Khoa Luật quốc tế, Trường Đại học Luật TPHCM cho rằng, hài hòa hóa pháp luật là tiến trình song hành không thể thiếu đối với quá trình hội nhập trong ASEAN. Tuy nhiên, tiến trình hài hòa hóa pháp luật trong cộng đồng ASEAN đã và đang đối mặt với nhiều rào cản như sự đa dạng về truyền thống văn hóa pháp lý, sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các quốc gia thành viên; tác động của các yếu tố tôn giáo, chính sách phát triển của các quốc gia; hạn chế trong hoạt động lập pháp, nội luật hóa ở các quốc gia thành viên,...

Để khắc phục và vượt qua những rào cản này, diễn giả này cho rằng, các quốc gia ASEAN cần có sự nỗ lực hợp tác, phối hợp chặt chẽ hơn nữa để có thể tạo ra một khung pháp lý chung đảm bảo cho sự phát triển toàn diện và bền vững của cả khu vực.

Với tham luận về “Thể chế khu vực xanh: hài hòa hóa các chuẩn mực thương mại bền vững mới”, GS.TS Pasha L. Hsieh, Trường Luật Yong Pung Ho, Trường Đại học quản lý Singapore chỉ ra, chủ nghĩa khu vực xanh trong luật pháp quốc tế qua việc xem xét các hiệp định mới nổi ảnh hưởng như thế nào đến các chuẩn mực bền vững thương mại mới, đặc biệt là các sáng kiến ​​xanh do Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á thúc đẩy.

GS.TS Pasha L. Hsieh cùng nhóm tác giả cho rằng, việc hiểu được những động lực này là rất quan trọng để điều hướng phát triển bền vững thương mại gắn với môi trường và góp phần thúc đẩy hài hòa hóa các khía cạnh pháp lý liên quan.

Theo TS Nguyễn Quỳnh Anh, Trưởng Bộ môn Luật ASEAN và các Liên kết quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, do các quốc gia thành viên ASEAN có sự khác biệt về thể chế chính trị, hệ thống pháp luật, văn hoá và chênh lệch trình độ phát triển kinh tế nên ảnh hưởng đến việc thực thi các quy định của hiệp định chung và cam kết của mỗi quốc gia trong những hiệp định đầu tư của ASEAN.

Đồng thời, thông qua việc nghiên cứu pháp luật đầu tư của một số quốc gia ASEAN, TS Nguyễn Quỳnh Anh chỉ ra những cơ hội và thách thức trong quá trình hài hòa hóa pháp luật, bao gồm sự khác biệt về văn hóa pháp lý, mức độ phát triển kinh tế, và chính sách ưu tiên quốc gia… Từ đó, đề xuất chính sách và khuyến nghị thiết thực cho tiến trình hài hòa hóa pháp luật đầu tư tại ASEAN.

8e4a0823.jpg
TS Narender Nagarwal, Trường Đại học New Dehli (Ấn Độ) phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, TS Narender Nagarwal, Trường Đại học New Dehli (Ấn Độ) cho rằng, trong những năm qua, Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế của mình ở Đông Nam Á thông qua những đóng góp quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, mở rộng kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng của toàn khu vực.

Do đó, trong quá trình hiện đại hóa, toàn cầu hóa để hội nhập hơn với thế giới nói chung và ASEAN nói riêng, việc thành lập thêm các nhà máy, doanh nghiệp thu hút đầu tư nước ngoài đã dẫn đến tình trạng di cư lao động trong ASEAN. Điều này đặt ra vấn đề đảm bảo đối xử công bằng và bình đẳng trong cơ hội tiếp cận tất cả các điều khoản an sinh xã hội cho người lao động di cư theo như quy định của ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế).

Do đó, chuyên gia này cho rằng, một quy hoạch tổng thể gắn kết, hài hòa và hợp tác bảo vệ quyền lợi của người lao động trong khối ASEAN là rất quan trọng để hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bàn giải pháp hài hòa hóa pháp luật giữa các quốc gia ASEAN