Tiếp tục phiên họp thứ 45, chiều 17/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Quy chế hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của các cơ quan của Quốc hội (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN).
Tờ trình sửa đổi Quy chế hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của các cơ quan của Quốc hội nêu rõ: Quy chế 2008 được Ủy ban Thường vụ Quốc khóa XII ban hành ngày 6/5/2008 kèm theo Nghị quyết số 618/2008/NQ-UBTVQH12 trên cơ sở sửa đổi Quy chế hoạt động đối ngoại của các cơ quan của Quốc hội ban hành năm 2004.
Kể từ khi ban hành đến nay, Quy chế 2008 đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả, chất lượng, tạo nề nếp căn bản trong quy trình tổ chức hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của cơ quan của Quốc hội. Tuy nhiên, đến nay Quy chế đã bộc lộ một số bất cập do nội dung không còn phù hợp và chưa theo kịp sự phát triển của công tác đối ngoại trong giai đoạn mới.
Cụ thể, về quy định của pháp luật, Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 được ban hành đã quy định mới và cụ thể hơn về chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng như công tác phối hợp triển khai các hoạt động đối ngoại của Quốc hội, theo đó một số thay đổi đòi hỏi cần có những sửa đổi tương ứng tại Quy chế.
Về chính sách, ngày 21/1/2015, Bộ Chính trị ban hành Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại kèm theo Quyết định số 272-QĐ/TW. Điều này đặt ra yêu cầu sửa đổi Quy chế hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của các cơ quan của Quốc hội nhằm bảo đảm sự thống nhất, xuyên suốt với quy định mới của Đảng và Quốc hội.
Về thực tiễn, việc phục vụ triển khai các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của các cơ quan của Quốc hội trong thời gian qua có nhiều thay đổi, nhất là sau khi có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức và điều chỉnh một số nhiệm vụ của một số đơn vị có liên quan của Văn phòng Quốc hội. Mặt khác, Quy chế 2008 còn chưa quy định cụ thể về quy trình triển khai một số hoạt động đối ngoại cụ thể gây khó khăn, thiếu thống nhất và đồng bộ trong quá trình thực hiện của các đơn vị liên quan.
Từ những bất cập nêu trên, việc sửa đổi Quy chế hoạt động đối ngoại của các cơ quan của Quốc hội là yêu cầu khách quan và hết sức cần thiết.
Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến phát biểu đã cơ bản nhất trí với những nội dung sửa đổi Quy chế hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của các cơ quan của Quốc hội và cho rằng: Quy chế sửa đổi đã quán triệt những quan điểm đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, tuân thủ Hiến pháp 2013, Luật tổ chức Quốc hội 2014 và Quy chế 272 của Bộ Chính trị về quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại; kế thừa những nội dung còn phù hợp của Quy chế 2008.
Cùng với đó, Quy chế sửa đổi đã xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn và phát huy tính chủ động của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội trong quá trình triển khai hoạt động đối ngoại.
Cho ý kiến về phạm vi và đối tượng áp dụng, có ý kiến cho rằng Kiểm toán Nhà nước và các nhóm nghị sỹ hữu nghị cũng thuộc đối tượng điều chỉnh của dự thảo Quy chế sửa đổi vì theo nội dung Điều 58, Luật tổ chức Quốc hội 2014 thì Ủy ban Thường Quốc hội có nhiệm vụ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của hai đối tượng này.
Một số ý kiến khác không đồng ý đưa Kiểm toán Nhà nước vào trong phạm vi và đối tượng áp dụng của Quy chế này.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông, mặc dù Kiểm toán Nhà nước do Quốc hội thành lập nhưng đó là một thiết chế độc lập được quy định trong Hiến pháp, do đó không nhất thiết quy định hoạt động đối ngoại đối với Kiểm toán Nhà nước.
Vấn đề trên, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng Kiểm toán Nhà nước, với tư cách là một cơ quan độc lập, có Quy chế hoạt động đối ngoại riêng của mình theo yêu cầu của Quy chế 272 của Bộ Chính trị về quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vì vậy, không nên đưa Kiểm toán Nhà nước vào trong phạm vi và đối tượng áp dụng của Quy chế này.
Đối với các nhóm nghị sỹ hữu nghị, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn hoạt động đối ngoại thời gian qua, việc triển khai các hoạt động của các nhóm nghị sỹ hữu nghị thuộc Tổ chức nghị sỹ hữu nghị Việt Nam do Ủy ban Đối ngoại thực hiện. Do đó, dự thảo Quy chế sửa đổi giao Ủy ban Đối ngoại tổ chức triển khai hoạt động đối ngoại của Nhóm nghị sỹ hữu nghị.
Ngoài ra, một số nội dung khác khác của Quy chế hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của các cơ quan của Quốc hội (sửa đổi) đã được các đại biểu cho ý kiến như những vấn đề Chủ tịch Quốc hội báo cáo Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư; quy trình triển khai hoạt động đối ngoại của Chủ tịch Quốc hội; đại biểu Quốc hội…
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết, nhất trí thông qua Nghị quyết ban hành Quy chế hoạt động đối ngoại của Quốc hội (sửa đổi). Như vậy, Quy chế gồm 5 chương, 26 điều, giảm 4 điều so với Quy chế 2008.
Quy chế này quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, trình tự, thủ tục và điều kiện bảo đảm thực hiện các hoạt động đối ngoại của Quốc hội. Quy chế này áp dụng đối với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Theo chương trình, sáng mai (18/2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc, cho ý kiến về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu của dự án Luật báo chí (sửa đổi); dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu của dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).