Bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam khẳng định, câu chuyện của Báo Giải Phóng là làm báo với những hy sinh và nỗ lực đáng tự hào trong cả chiến tranh và hòa bình, là một bản hùng ca của những tờ báo chiến sĩ, nhà báo chiến sĩ của báo chí cách mạng Việt Nam.
Theo bà Trần Thị Kim Hoa, Báo Giải Phóng ra số đầu ngày 20/12/1964 đã lập tức trở thành nguồn cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của đồng bào miền Nam và cả nước, đồng thời giúp bạn bè quốc tế nắm bắt được chính xác hơn những thông tin chính thức về cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày đó của nhân dân ta.
Bà Hoa chia sẻ, qua các giai đoạn khác nhau của cách mạng miền Nam, Báo Giải Phóng ngày càng lớn mạnh và từng bước trở thành nơi hội tụ nhiều cây viết xông xáo, bản lĩnh, xuất sắc: Tô Quyên, Vũ Tuất Việt, Nguyễn Hồ, Cao Kim (Kim Toàn), Đinh Phong, Minh Hiền, Phương Hà, Trương Trọng Nghĩa… Trong đó đã có nhiều cán bộ nhân viên Báo Giải Phóng anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc, cống hiến tuổi thanh xuân và máu xương cho sự nghiệp báo chí cách mạng.
Cùng với Thông tấn xã Giải Phóng và Đài Phát thanh Giải Phóng, Báo Quân Giải phóng, các cán bộ, phóng viên Báo Giải Phóng đã kiên cường trụ vững dưới bom đạn và muôn vàn khó khăn, gian khổ trong cuộc chiến đấu chính nghĩa chống giặc ngoại xâm. Từ tháng 5/1975, vào thời kỳ đầu sau khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng, một nhóm các nhà báo tiên phong của Báo đã tiếp tục phát huy truyền thống báo chí cách mạng sáng ngời trong thời bình và tham gia xuất bản Báo Sài Gòn Giải Phóng ngay từ những số báo đầu tiên.
Như vậy, theo bà Trần Thị Kim Hoa, lịch sử của Báo Giải Phóng đã bao gồm những câu chuyện làm báo với những hy sinh và nỗ lực đáng tự hào trong cả chiến tranh và hòa bình, là một bản hùng ca của những tờ báo chiến sĩ, nhà báo chiến sĩ của báo chí cách mạng Việt Nam.
“Có thể nói, trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, đấu tranh giải phóng dân tộc, Báo Giải Phóng, cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã có nhiều đóng góp và là cầu nối đoàn kết, người tuyên truyền những chủ trương của Mặt trận đến rộng rãi nhân dân miền Nam, miền Bắc nói riêng và cả bạn bè quốc tế nói chung”, bà Hoa nhấn mạnh.
Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho rằng, những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, mặc dù khó khăn thiếu thốn đủ bề, cán bộ nhân viên nhiều lúc phải tỏa đi khắp nơi, vượt biên sang nước bạn Campuchia để tránh truy kích nhưng Báo Giải Phóng vẫn mang trong mình ngọn lửa nhiệt huyết và lạc quan cách mạng, vẫn giữ vững mạch thông tin đến với đồng bào, nhân dân. Có những giai đoạn khó khăn, Báo Giải Phóng quyết định ra "báo nói" (báo không in ra mà đọc và phát trên Đài Phát thanh Giải Phóng). Đây là một hình thức rất linh hoạt và đặc biệt sáng tạo của báo trong những giai đoạn cam go, kịch tính để giữ vững mạng lưới thông tin.
Trước và trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968), các phóng viên Báo Giải Phóng được tung đi các mũi, chủ yếu đi theo bộ phận tiền phương của Trung ương Cục, một số được đưa vào đội tuyên truyền vũ trang của thành phố Sài Gòn, đã chiến đấu vô cùng anh dũng và ngã xuống hiên ngang như: Cảnh Hân, Quốc Hùng, Trần Huân Phương, Bằng Sơn...
Đầu những năm 1970, do địch đánh phá ác liệt, nhà in Báo Giải Phóng phải chuyển sang đất bạn Campuchia nhưng tờ Báo Giải Phóng vẫn vượt qua sự kìm kẹp của quân địch để trở về quê hương với đồng bào, chiến sĩ. Báo Giải Phóng đã có nhiều đóng góp cho công tác tuyên truyền, đoàn kết toàn dân đấu tranh chống lại đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai cho đến những giờ phút vinh quang của ngày non sông thống nhất.
Trải qua 12 năm chắc tay bút và vững tay súng, những người làm Báo Giải Phóng đã cho ra đời 375 số báo trong 10 năm thời kỳ kháng chiến và 412 số nhật báo Giải Phóng tại Sài Gòn cho đến ngày tờ báo hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình khi sáp nhập với Cứu Quốc thành tờ Đại Đoàn Kết vào đầu năm 1977.
Đặc biệt, Báo Giải Phóng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xuất bản 15 số báo Sài Gòn Giải Phóng đầu tiên sau ngày đất nước giải phóng. Bà Kim Hoa cho rằng, chỉ riêng tờ báo số 1 ra ngày 5/5/1975 phát hành nửa triệu bản trên toàn quốc với giá 50 đồng/tờ (tiền miền Nam) đã lập một kỷ lục mới trong lịch sử báo chí Việt Nam.
“Với những đóng góp to lớn đó trong công cuộc đấu tranh, giải phóng dân tộc, Báo Giải Phóng hoàn toàn xứng đáng được tặng danh hiệu cao quý: Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, bà Trần Thị Kim Hoa kiến nghị.