Bản hùng ca Mùa Xuân

Lục Bình (thực hiện) 11/02/2018 09:00

Tròn 50 năm Tổng tấn công Mậu Thân năm 1968, những ngày đầu xuân mới này, Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với PGS TS Nguyễn Mạnh Hà - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng về những ngày quân và dân ta làm nên chiến thắng Mậu Thân 1968 lịch sử.

Bản hùng ca Mùa Xuân

PGS TS Nguyễn Mạnh Hà.

PV: Với một quân đội chưa từng thua trận, hơn ta về vũ khí, hỏa lực, quân số đông gấp 4 lần, vậy vì sao chúng ta lại thắng Mỹ, thưa ông?

PGS TS Nguyễn Mạnh Hà: Có rất nhiều lý do làm nên chiến thắng. Có thể nói, trong lịch sử nước Mỹ, Mỹ là quân đội chưa từng thua khi đưa quân ra nước ngoài.

Mỹ ỷ vào sức mạnh vượt trội của mình về quân sự, phương tiện, hỏa lực, tính cơ động cho nên có sự chủ quan.

Về bối cảnh lịch sử, sau 2 cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966, 1966-1967 của Mỹ ở miền Nam, Mỹ đưa ra mục tiêu rất chủ quan là tìm và giệt chủ lực quân giải phóng. Với mục tiêu này chúng ta có cảm giác Mỹ rất chủ động.

Bằng nhiều chiến dịch, các cuộc hành quân truy tìm chủ lực quân giải phóng. Tuy nhiên trong suốt 3 năm từ 1965-1967 Mỹ gần như đánh vào chỗ không người.

Cho nên gần 3 năm từ đầu năm 1965 Mỹ đưa quân vào đến cuối năm 1967 Mỹ mở hàng chục cuộc hành quân càn quét của 2 chiến dịch phản công với hàng chục vạn quân Mỹ và lính ngụy nhưng không đạt được kế hoạch.

Cuối năm 1967, Mỹ đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan: Có mở tiếp cuộc hành quân lần thứ 3 hay không? Có đưa tiếp lực lượng từ Mỹ sang hay không? Có tăng viện nữa không?

Trong khi đó, chiến tranh phá hoại ở miền Bắc không đạt yêu cầu là: Phá hủy hạ tầng cơ sở ở miền Bắc; ngăn chặn dòng chi viện từ miền Bắc cho miền Nam.

Cuối năm 1967 chúng ta hiểu rằng Mỹ đang rất bế tắc về chiến lược, không biết có nên đánh nữa hay không? Có dừng ném bom không? Chúng ta nhân cơ hội đó đánh một đòn quyết định.

Bằng sự chuẩn bị bí mật, bất ngờ, quân ta đưa vũ khí vào các đô thị, cơ sở, chuẩn bị thế trận và lực lượng và đánh một trận lớn vào đúng đêm giao thừa.

Chúng ta đánh Mỹ là để đạt mục tiêu, cho quân Mỹ, chính quyền Mỹ hiểu rằng, không thể thắng Việt Nam bằng quân sự. Mỹ có đưa thêm quân vào, có mở cuộc phản công lần thứ 3 cũng không giải quyết được gì. Mỹ phải xuống thang tìm giải pháp khác đi. Chính vì vậy lực lượng của chúng ta chỉ bằng ¼ của Mỹ thôi.

Tuy nhiên, sự chủ động, lối đánh bất ngờ đã khiến địch không kịp trở tay.

Thưa ông khi nói đến Tổng tấn công Mậu Thân năm 1968 người ta đã thống kê rất nhiều cái nhất, giúp ta luôn giành thế chủ động trên chiến trường?

- Sự chủ động của quân ta trên chiến trường là điều chúng ta nhìn rất rõ. Địch nói họ chủ động tìm diệt chủ lực quân giải phóng nhưng trong 2 cuộc phản công mùa khô năm 1965-1966, 1966-1967 chính phía Mỹ thống kê: Trong số 400 cuộc đụng độ giữa ta và địch, 2/3 cuộc đụng độ thì ta nổ súng trước.

Ta nổ súng trước nó trả lời cho câu hỏi ai chủ động? Mỹ tìm ta để đánh mà ta lại chủ động nổ súng.

Mỹ hiểu rằng, Mỹ không thể giành được thế chủ động. Giờ ta lại chủ động mở cuộc tổng tấn công đánh vào cơ quan đầu não nhất.

Có mấy cái nhất trong Tổng tấn công Mậu Thân. Thứ nhất, bất ngờ nhất. Kể cả CIA (tình báo Trung ương Mỹ), DIA (tình báo quốc phòng) đều không phát hiện được ta đánh vào các đô thị.

Thứ 2, quy mô rộng lớn nhất là trên toàn miền Nam.

Thứ 3, đánh vào chỗ rắn nhất là đô thị.

Thứ 4, trong đô thị đánh vào nơi nhạy cảm nhất.

Ví dụ ở Sài Gòn có 9 mục tiêu, ta đánh được 6 mục tiêu là: Đại sứ quán Mỹ, Dinh Độc Lập, Đài phát thanh, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng nha cảnh sát, Bộ Tư lệnh Hải quân.

Đặc biệt đánh vào Đại sứ quán Mỹ là gây tiếng vang rất lớn dù lực lượng của chúng ta rất nhỏ. Đây là trận tổng tấn công chủ động nhất nên ta tạo được hiệu ứng ban đầu.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân có ý nghĩa thế nào trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thưa ông?

- Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân là đòn tiến công bất ngờ, đánh vào các trung tâm sào huyệt của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Mặc dù còn một số đánh giá chưa thống nhất, nhưng Tết Mậu Thân là chiến thắng lớn, mà lớn nhất là làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chính quyền Mỹ phải thừa nhận một thực tế là không thể thắng được bằng quân sự ở Việt Nam cho dù đã đưa gần nửa triệu quân Mỹ vào tham chiến, tạo nên bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Tác động to lớn, trực tiếp của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân buộc Mỹ phải hạn chế ném bom, bắn phá miền Bắc, tiến đến chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, tham gia đàm phán hòa bình nhằm tìm lối thoát ra khỏi cuộc chiến tranh.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đỉnh điểm là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, đã tác động mạnh mẽ đến chính giới Mỹ, làm cho nước Mỹ phân hóa hơn bao giờ hết, làn sóng phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam dâng cao trong lòng nước Mỹ, buộc giới lãnh đạo Mỹ phải xuống thang chiến tranh.

Rõ ràng là, nếu không có Mậu Thân 1968 thì sẽ không có đàm phán đi đến ký Hiệp định Paris tháng 1-1973 và tiến tới kết thúc chiến tranh tháng 4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Mậu Thân 1968 là đòn quyết định mở đầu quá trình Mỹ rút quân và quá trình Mỹ bỏ rơi chính quyền Việt Nam Cộng hòa đi đến kết thúc chiến tranh.

Chiến tranh thì không tránh được thương vong. Vậy, cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968 phải chăng cũng có những nốt trầm buồn, thưa ông?

- Đương đầu với kẻ thù mạnh hơn ta rất nhiều, riêng về mặt lực lượng đã gấp 4 lần chưa kể vũ khí trang bị, sự cơ động rõ ràng mình đánh phải tổn thất.

Nhưng phải nói thật, nguyên nhân tổn thất còn ở chủ quan phía chúng ta. Khi chúng ta chỉ đánh đợt 1 là còn giữ được bí mật, bất ngờ; đợt hai không bí mật bất ngờ được nữa.

Quân Mỹ, Ngụy, quân đồng minh đã bố trí phòng thủ rồi. Trong khi chúng ta thì mỏi mệt, tính bất ngờ không còn, chúng ta đánh vào là tổn thất rất nhiều. Và do chúng ta đề ra mục tiêu cao quá nên không đạt được.

Có mâu thuẫn là muốn giữ được bất ngờ phải bí mật, thì dân hầu như không biết được để chuẩn bị và phối hợp. Nhưng nếu dân mà biết còn nói gì là bí mật, bất ngờ nữa. Đòn quân sự đánh vào cho người dân nổi dậy hầu như không có.

Nổi dậy ở đây chủ yếu là các cơ sở cách mạng trong lòng địch, giấu vũ khí tỏa đi chiếm các nơi chứ kiểu người dân nổi dậy như một cuộc khởi nghĩa hầu như không có.

Nên chúng ta tổn thất về lực lượng, thế trận. Cách mạng miền Nam mất đất, mất dân, nhất là địa bàn nông thôn. Chúng ta đánh thành thị khi quay lại vùng nông thôn lại mất vào tay địch, chúng ta phải rút ra rất xa.

Mỹ thua ta là thua bởi thế trận lòng dân. Sức mạnh của khối đại đoàn kết được thể hiện thế nào ở Tổng tấn công Mậu Thân thưa ông?

- Nếu giữ bí mật đến mấy mà không được người dân ủng hộ, chở che giữ bí mật cho chúng ta không thể có cuộc tổng tấn công bất ngờ như vậy. Điều này đã được phía Mỹ thừa nhận.

Thế trận lòng dân đã giúp các chiến sỹ của chúng ta là đặc công, biệt động, các lực lượng đánh vào có cơ sở, chỗ dựa. Ta làm chủ được Huế 25 ngày, đó là biểu hiện của thế trận lòng dân, đây là cơ sở rất quan trọng giúp chúng ta trụ vững.

Theo ông, chúng ta cần phát huy tinh thần đại đoàn kết, thế trận lòng dân thế nào trong giai đoạn hiện nay?

- Cuộc chiến tranh của chúng ta là chiến tranh của toàn dân chứ không phải chỉ lực lượng vũ trang. Chỗ nào cũng phải có người dân tham gia chiến đấu.

Nếu mà tất cả các TP không có cơ sở thì lực lượng bên ngoài vào rất bị cô lập. Xây dựng được thế trận lòng dân rất là tốt, hiệu quả.

Ngày nay bất kể sự kiện gì nếu không có sự tham gia của người dân, sự đồng thuận của người dân rất khó thực hiện.

Điểm quan trọng là lắng nghe ý kiến của người dân, sự phản biện của người dân trước những quyết sách lớn. Đó là bài học xuyên suốt. Ý Đảng phải hợp với lòng dân.

Ý Đảng mà ngược với lòng dân hiệu quả công việc không đạt được.

Đảng đang có những quyết sách, hành động từng bước hợp với lòng dân, phản ánh được mong đợi của người dân.

Người dân mong chờ Đảng phải quyết liệt trong công cuộc chống tham nhũng, trong công tác tổ chức cán bộ để làm sao cho đội ngũ của Đảng trong sạch, vững mạnh.

Gần đây, Ủy ban Kiểm tra TƯ ra thông báo kỷ luật cán bộ ta thấy sai phạm quá nhiều. Sai phạm từ cấp cao đến cấp tỉnh, cấp dưới tỉnh.

Nó sẽ làm mất lòng tin của dân khi chúng ta làm công tác cán bộ mà toàn con ông, cháu cha, bất chấp quy trình, bất chấp dư luận đưa lên như thế. Giờ ta quyết liệt sửa sai mới đáp ứng được mong đợi của người dân.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đợt 1 của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, từ đêm 30 rạng ngày 31/1/1968 đến ngày 25/2/1968, quân và dân ta trên chiến trường miền Nam đã tiến công vào 4/6 thành phố, 37/42 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ, trong đó có bốn bộ tư lệnh quân đoàn, tám bộ tư lệnh sư đoàn, hai bộ tư lệnh biệt khu, hai bộ tư lệnh dã chiến Mỹ và 30 sân bay.

Trong đợt 2, từ ngày 5/5 đến ngày 12/5/1968, quân và dân ta trên khắp chiến trường đã đồng loạt bắn phá và tiến công bằng bộ binh vào 31 thành phố và thị xã, 58 thị trấn và quận lỵ, đánh trúng 10 bộ tư lệnh quân đoàn và sư đoàn, 30 sân bay, 20 căn cứ xuất phát hành quân và trung tâm huấn luyện của địch.

Đợt 3 được tiến hành từ ngày 17/8 đến ngày 30/9/1968, quân và dân ta đã tiến công chủ yếu bằng pháo vào 27 thành phố và thị xã, 100 thị trấn, quận lỵ và chi khu quân sự, 47 sân bay, 3 tổng kho lớn, 6 bộ tư lệnh sư đoàn Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bản hùng ca Mùa Xuân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO