Có những trạm y tế chỉ có 4 - 5 người. Công việc ở trạm y tế nhiều nhưng thu nhập thấp, ít cơ hội để phát triển. Đó là nhận định của ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM khi nói về thực trạng trạm y tế phường, xã trên địa bàn.
Ông Phan Thanh Tùng, Trưởng trạm Y tế xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) cho hay, là một trong những phường, xã có số lượng dân cư đông nhất TP HCM, với gần 170.000 dân nhưng trạm chỉ có 10 nhân viên, gồm 1 bác sĩ còn lại là hộ sinh, điều dưỡng, nhân viên... thay phiên nhau gồng gánh tất cả công việc. Như vậy là mỗi một nhân viên y tế tại trạm phải “gồng gánh” trên 17.000 dân.
Tương tự, tại xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) với 180.000 dân nhưng chỉ có 7 nhân viên y tế, không có bác sĩ. Như vậy, mỗi nhân viên y tế quản lý 25.000 dân.
Thống kê của ngành y tế cho thấy, hiện nay tỷ lệ nhân viên y tế tuyến xã/vạn dân tại TP HCM chỉ đạt 2,31%, thấp hơn rất nhiều so với cả nước (7,42%) và Hà Nội (6,06%). Về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, ông Tăng Chí Thượng cho biết, từ thực tế công tác chống dịch mới thấy vai trò của y tế cơ sở là không thể thiếu, trong đó trạm y tế phường, xã, thị trấn đóng vai trò trung tâm. Tuy nhiên, cũng chính trong đợt dịch vừa qua, những điểm yếu của y tế cơ sở cũng đã bộc lộ.
Không chỉ vướng khi việc nhiều, thu nhập thấp, nhân viên y tế ở các trạm y tế phường, xã ít có cơ hội để phát triển. “Việc nhiều, lương thấp, song điều đáng lưu ý, thành phố có 310 trạm y tế nhưng hơn một nửa chưa có trưởng trạm, tình trạng này đã kéo dài từ lâu” - ông Thượng nói.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM cũng cho rằng rất ít người “đi lên” từ trạm y tế. Cử nhân y tế cộng đồng đếm trên đầu ngón tay, nên càng hiếm hồ sơ đăng ký học thạc sĩ, chuyên khoa 1.
“Rất khó để phát triển y tế cơ sở vì nhiều nguyên nhân như: Lương thấp, do đầu tư, bệnh viện thì làm dịch vụ được còn y tế phường, xã thì bao cấp, không thu hút đầu tư, biên chế cũng thấp, tổ chức thì không ổn định. Nhưng việc này không phải bay giờ mới thấy” - bà Phong Lan nói.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa y tế Cộng đồng (Đại học Y Dược TP HCM) nhận xét, y tế cơ sở nhiều việc nhưng ít người, mà làm nhiều thì sai nhiều. Vì vậy việc cần làm gấp hiện nay là khoán việc cho nhân viên trên từng bệnh nhân. Người nào làm nhiều sẽ có thu nhập thêm, chứ thu nhập đồng đều như hiện nay gây bức xúc không đáng có.