Với mục tiêu nâng cao trình độ tiếng Anh của học sinh và giáo viên, nhiều trường ở cấp tiểu học, THCS, thậm chí cả ở cấp mầm non cũng tổ chức các chương trình liên kết dạy tiếng Anh với các công ty, trung tâm bên ngoài. Không có “bảng giá” chung cho các chương trình liên kết trong khi hiệu quả thực chất đem lại cho học sinh có tương xứng với mức học phí đóng góp vẫn còn là băn khoăn của nhiều bậc phụ huynh.
Giờ học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài (Ảnh: TL).
Học phí, mỗi nơi một khác
Cô Nguyễn Ngọc Lan - giáo viên tiếng Anh trường THCS Chu Văn An cho biết, nhà trường có thực hiện một khảo sát với các em học sinh tham gia chương trình liên kết thì nguyện vọng của hầu hết các em là muốn buổi học kéo dài hơn.
Bằng cách tổ chức nhiều trò chơi thú vị mà giờ học với giáo viên người nước ngoài khiến các em cảm thấy rất thoải mái, không gò bó, được phát triển tốt kỹ năng nghe nói- điều mà các tiết học chính khóa với giáo viên người Việt ít được chú trọng vì phải đảm bảo bài học theo chương trình của Bộ GD&ĐT, đồng thời cũng do hạn chế về cách phát âm không thể chuẩn mực như giáo viên bản ngữ.
Trong khi đó, ngay từ đầu năm học, gia đình chị Nguyễn Mai Lan (KĐT Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội) đã phải đóng gộp một khoản học phí gần 7 triệu đồng cho cô con gái đang học cấp 2 để theo học chương trình liên kết tiếng Anh của trường với Trung tâm Language Link.
Chị Lan cũng cảm thấy băn khoăn giống nhiều phụ huynh khi vở học của con không ghi chép nhiều như các tiết học chính khóa. Con gái chị giải thích là ở lớp học chủ yếu là tập trung vào kỹ năng nghe nói, đối thoại và chơi các trò chơi. Với sĩ số chỉ 25 học sinh một lớp, lớp học của con gái chị Lan đến giờ tiếng Anh học chương trình liên kết là được chia làm 2 lớp nhỏ song song với 2 giáo viên người nước ngoài riêng biệt, còn trợ giảng là chính cô giáo trong trường.
Cô giáo Nguyễn Hồng Thuý- Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Công nghệ giáo dục Hà Nội cho biết, bắt đầu từ năm học này trường triển khai chương trình liên kết tiếng anh với Hội đồng Anh ở cả 3 khối lớp 1, 2, 3 của trường. Với thời lượng 1 tuần 3 tiết, học phí một em phải nộp là 1,2 triệu/tháng. Đến năm 2016-2017, học phí dự kiến tăng lên 1,6 triệu/tháng.
Mỗi lớp học chỉ từ 17 đến 20 học sinh, tuyệt đối không có lớp nào lên đến 21 cháu nên sự tiến bộ của các con là thấy rõ. “Trường chúng tôi có khoảng 2/3 học sinh tự nguyện tham gia học chương trình liên kết này. Tất cả giáo viên đều là của Hội đồng Anh và việc quản lý chất lượng các lớp học đều theo quy định của Hội đồng Anh. Một năm, họ tiến hành đánh giá 3 lần với tất cả các kỹ năng và hàng tháng kiểm tra theo từng nội dung.
Về phía nhà trường, hàng tuần các giáo viên tiếng Anh của nhà trường đồng thời là trợ giảng trong các buổi học liên kết này đều có báo cáo trong buổi họp hội đồng về chất lượng trong tuần của học sinh. Nhìn chung, chúng tôi đánh giá chương trình rất tốt và có hiệu quả rõ rệt với học sinh”- bà Nguyễn Hồng Thuý cho biết. Theo bà Thuý, hết tháng 5 nhà trường sẽ tiến hành đánh giá tổng thể hiệu quả của chương trình để rút kinh nghiệm cho các năm tiếp theo.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân mức học phí của các chương trình liên kết dạy tiếng Anh ở mỗi trường lại khác nhau là do tuỳ thuộc vào nội dung chương trình học, lớp học có trợ giảng hay chỉ có giáo viên bản ngữ. Ngoài ra, sĩ số lớp nhiều hay ít cũng là một yếu tố tác động đến mức học phí.
Tiền tỷ cho chương trình liên kết
Theo chia sẻ của Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang, mỗi tháng các chương trình ngoại ngữ kiểu tăng cường, bổ trợ do các trung tâm tiến hành phối hợp với các trường trên địa bàn TP Hà Nội lên đến vài chục tỷ đồng- một con số đáng kể so với mức học phí 5 tỷ đồng mà Sở đang thu ở tất cả các cấp, các trường mỗi tháng. “Điều đó chứng tỏ người dân rất hiếu học, rất ham mê những chương trình thế này. Thế nhưng có xứng đáng? Điều đó cần sự quản lý của các cấp”- ông Lê Ngọc Quang nêu vấn đề.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm 2015 đã có 27 đề án, chương trình học bổ trợ được triển khai ở 197 trường trên địa bàn toàn TP Hà Nội. Với đặc thù của mỗi cấp học là khác nhau nên việc quản lý, thanh kiểm tra về các chương trình liên kết này từ tháng 9 năm 2015 đã chuyển về các phòng chuyên môn.
Tuy nhiên, theo khẳng định của bà Bùi Thị Minh Nga - Trưởng phòng giáo dục có yếu tố nước ngoài (Sở GD&ĐT Hà Nội), khi được giới thiệu từ Sở thì các trường hoàn toàn yên tâm là chương trình đã được thẩm định. Giáo viên được đưa xuống trường, kiến thức chuyên môn, bằng cấp và giấy phép lao động Sở đều quản lý. Vấn đề là thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả. Theo bà Nga, với thời lượng hạn chế của mỗi tiết dạy, các trường nên trao đổi với giáo viên bản ngữ để tận dụng tối đa hai lợi thế của họ là kỹ năng nghe và nói. Những thứ khác như trình chiếu, dạy ngữ pháp… thì giáo viên Việt Nam hoàn toàn có thể làm được.
Theo kinh nghiệm của trường Tiểu học Công nghệ giáo dục Hà Nội, chương trình liên kết áp dụng với học sinh lớp 1 thì chủ yếu là nghe nói còn các khối lớp lớn hơn thì có thể kết hợp cả 4 kỹ năng. Nhà trường không tiến hành khảo sát về nội dung học với các con vì thực ra ở lứa tuổi lớp 1, 2, 3, các con vẫn còn nhỏ nên nhiều khi việc thích hay không thích cũng chưa rõ ràng.
Quan trọng là giáo viên tiếng Anh của nhà trường tham gia vào các buổi học để trực tiếp nắm tình hình và nhận ra những điểm tiến bộ của các con để kịp thời trao đổi lại với giáo viên nước ngoài, từ đó nâng cao hiệu quả của việc dạy học.
Ông Phạm Xuân Tiến- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, hiện nay do nhiều trường tiểu học trên địa bàn chưa đủ về số lượng giáo viên biên chế cũng như chưa đạt chuẩn về năng lực ngoại ngữ, nghiệp vụ sư phạm dạy tiếng Anh tiểu học để dạy 4 tiết/tuần nên Sở GD&ĐT cho phép chương trình liên kết. Hiện Hà Nội cần thêm khoảng 800-1.000 giáo viên tiếng Anh nữa. |