Ngày 13/2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về Dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước (KTNN).
Dự thảo Pháp lệnh sau khi được Kiểm toán nhà nước tiếp thu, chỉnh lý, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét gồm 5 chương, 21 điều, tăng thêm 4 điều so với dự thảo Pháp lệnh kèm theo Tờ trình số 1381/TTr-KTNN ngày 16/12/2022 của Tổng KTNN.
Báo cáo tại phiên họp, ông Ngô Văn Tuấn, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết, KTNN là lĩnh vực có tính đặc thù, hoạt động mang tính chuyên môn cao, thể hiện ở khía cạnh hoạt động kiểm toán của KTNN có đối tượng và phạm vi rất rộng, bao gồm mọi cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý và sử dụng tài chính công và tài sản công.
Trong Luật KTNN, đơn vị được kiểm toán là cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đây chủ yếu là các cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, việc phân định hành vi vi phạm nào là hành vi phát sinh từ công vụ, nhiệm vụ được giao của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước và các cơ quan nhà nước để từ đó loại trừ đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính, bảo đảm tính khả thi của Pháp lệnh trong thực tiễn là điều quan trọng và cần thiết.
“Việc ban hành Pháp lệnh nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTNN; tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực KTNN; nâng cao hiệu lực hoạt động kiểm toán của KTNN và tính nghiêm minh của pháp luật”, ông Tuấn cho hay.
Thẩm tra nội dung trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật nhất trí sự cần thiết ban hành Pháp lệnh và tán thành với tên gọi là Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN. Việc ban hành Pháp lệnh là thực hiện đúng quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đáp ứng yêu cầu thực tiễn cần xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.
Về phạm vi điều chỉnh, theo ông Tùng, do đây là lần đầu tiên xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh đối với lĩnh vực này nên Ủy ban Pháp luật thống nhất quan điểm Pháp lệnh chỉ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm đã rõ, xảy ra thường xuyên và mang tính phổ biến để bảo đảm tính khả thi; qua quá trình thực hiện sẽ tiến hành tổng kết, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung trong trường hợp cần thiết.
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội bày tỏ băn khoăn về 2 hành vi, và cần làm rõ. Ví như tại khoản 3 Điều 9 quy định phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu về hành vi không cung cấp thông tin, tài liệu. Còn khoản 4 Điều 9 quy định xử phạt 30 triệu đến 50 triệu về hành vi từ chối cung cấp thông tin, tài liệu. Theo bà Nga, cần quy định rõ ràng hơn như thế nào là không cung cấp thông tin, tài liệu?, và thế nào là từ chối cung cấp thông tin, tài liệu?.
“Hiện nay, hành vi không cung cấp thông tin, tài liệu bị phạt 20 triệu đến 30 triệu, trong khi từ chối cung cấp thông tin, tài liệu bị xử phạt 30 triệu đến 50 triệu. Tại sao hành vi từ chối bị xử phạt nặng hơn hành vi không cung cấp thông tin, tài liệu?. Rồi khoản 3 Điều 10 quy định phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đối với hành vi không trả lời và giải trình các vấn đề theo yêu cầu. Còn khoản 4 quy định phạt tiền 30 triệu đến 50 triệu đối với hành vi từ chối trả lời và giải trình các vấn đề theo yêu cầu. Quy định này chưa rõ ràng, chưa rõ khi nào là không trả lời và khi nào là từ chối trả lời? do đó cần làm rõ lý do tại sao lại phạt hành vi không trả lời nhẹ hơn hành vi từ chối trả lời”, bà Nga nêu vấn đề.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội băn khoăn khi nội hàm về tài chính công, tài sản công có phạm vi nó rất lớn. Trong khi biện pháp khắc phục dự thảo Pháp lệnh quy định là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Do vậy nội dung này có nên quy định chi tiết hơn hay không? và có nên quy định cơ nào hướng dẫn thêm hay không?. “Các nội dung mức phạt tiền như quy định trong dự thảo Pháp lệnh, bởi có chỗ thì quá nhẹ, có chỗ lại quá nặng. Do vậy đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu thêm”- ông Cường bày tỏ.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc ban hành Pháp lệnh là cần thiết trong hoạt động kiểm toán. Việc ban hành sớm, có lợi cho hoạt động KTNN. Tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ hơn nữa phạm vi xử phạt, cái nào xử lý theo Pháp lệnh, cái này xử theo các luật có liên quan như Luật Cán bộ công chức, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Cho nên Pháp lệnh cần làm rõ để phù hợp với thực tế và đảm bảo tính khả thi, tránh việc quy định mà không làm được.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu, KTNN, Ủy ban Pháp luật tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp, Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Tài chính ngân sách, tiếp tục làm rõ các ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu.
Tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết tán thành về nguyên tắc, giao lại cho KTNN và Ủy ban Pháp luật bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản kèm báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn chỉnh dự thảo trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành Pháp lệnh trong tháng 2/2023.