Băn khoăn tiêu chí 'nghèo đa chiều'

Lê Minh Long 08/11/2017 08:50

Theo Quyết định số 59/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 có hiệu lực từ ngày 5/1/2016, việc chuyển đổi tiêu chí nghèo từ đơn chiều sang đa chiều đã đặt ra không ít thách thức cho các địa phương trong thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững.

Giảm nghèo đa chiều đang đứng trước không ít khó khăn thách thức.

Nan giải bình xét hộ nghèo

Thời gian qua, theo phản ánh từ các địa phương, sử dụng phương pháp đo lường nghèo theo đa chiều với sự tham gia vào cuộc, giám sát của cộng đồng dân cư đã khắc phục được tình trạng “cảm tính” trong xét duyệt hộ nghèo “đơn chiều”.

Đặc biệt các tiêu chí cụ thể của QĐ 59 giúp đánh giá, xác định hộ nghèo chính xác, khách quan. Điều này rất quan trọng vì xác định sai đối tượng sẽ kéo theo việc thực hiện chính sách hỗ trợ không đúng mục đích, gây lãng phí.

Theo ông Bùi Đức Nhẫn - Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Phú Thọ, với cách đánh giá mới, tình trạng xin được nghèo hoặc quyết tâm bám trụ hộ nghèo sẽ bị loại dần.

Hơn nữa, khi xác định rõ nguyên nhân sẽ có giải pháp hỗ trợ kịp thời hơn. Đây là cơ hội để các hộ nghèo được tiếp cận với những hỗ trợ của Nhà nước, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Năm 2015 tỉnh Phú Thọ chính thức ra khỏi danh sách tỉnh nghèo của cả nước nhưng với cách tiếp cận việc giảm nghèo đa chiều mới đã khiến công tác giảm nghèo tại tỉnh này gặp không ít khó khăn.

Trong đó cũng giống như các địa phương khác, việc xét duyệt hộ nghèo theo phương pháp đa chiều vấp phải không ít khó khăn.

Và mới đây cử tri tỉnh Phú Thọ đã có ý kiến xung quanh về bình xét hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều, trong đó nhấn mạnh tiêu chí quy định hộ nghèo đa chiều như hiện nay chưa phù hợp với thực tế.

Tiêu chí gia đình có ti vi, điện thoại và người lớn tuổi không còn sức lao động thì được xét thoát nghèo.

Trong khi tiêu chí gia đình có con bò để chăn nuôi, cải thiện thu nhập thì lại được xét thuộc đối tượng gia đình nghèo hoặc cận nghèo.

Từ những khó khăn này cử tri tỉnh Phú Thọ đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét điều chỉnh lại một số tiêu chí hộ nghèo, hộ cận nghèo trong Quyết định sổ 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 của Thủ tướng Chính phủ; xem xét, điều chỉnh lại các tiêu chí rà soát hộ nghèo và cận nghèo theo tiêu chí đa chiểu để điều chỉnh thời gian hưởng hộ nghèo cho phù hợp với tình hình thực tế tại cơ sở, tránh tình trạng mất công bằng.

Như vậy sau một năm triển khai, thực tế cho thấy có những hộ nhìn bề ngoài có vẻ khá giả nhưng nếu đo lường 5 dịch vụ cơ bản thì lại rơi vào hộ nghèo.

Hoặc có hộ dù nuôi tới 3 con ăn học đại học, con cái tham gia bảo hiểm y tế... rõ ràng đạt chỉ tiêu giáo dục nhưng lại vẫn nghèo về thu nhập vì gánh nặng học phí của con.

Phân bổ ngân sách còn hạn chế

Cùng với việc bình xét hộ nghèo, một trong những khó khăn được các địa phương “điểm mặt đặt tên” nhiều nhất trong thời gian qua đó là vấn đề liên quan tới nguồn lực dành cho công tác giảm nghèo đa chiều.

Đồng Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện 30a Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, cách trung tâm tỉnh lỵ gần 80 km.

Từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo cao lên tới 60,63% vào năm 2008, đến nay với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ đầu tư cơ sở hạ tầng đến hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp nhau vay vốn để chăn nuôi, trồng trọt..., nhiều hộ trong xã đã thoát khỏi đói nghèo.

Dẫu thế chia sẻ về chặng đường giảm nghèo phía trước nhất là với phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều, ông Phùng Thanh Chang - Chủ tịch xã Đồng Sơn cho biết: Mặc dù xã vùng cao Đồng Sơn đã có những bước phát triển đáng kể xong vẫn phải thẳng thắn nhìn nhận rằng công tác giảm nghèo ở Đồng Sơn vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức.

Theo số liệu thống kê, năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn đa chiều ở Đồng Sơn là 72%, thu nhập bình quân đầu người thấp và tăng chậm, đạt 78,9% so với thu nhập chung của huyện là 17,1 triệu đồng/người/năm, khả năng tích lũy trong dân để đầu tư cho học tập, chăm sóc sức khỏe rất hạn chế, người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp là chính, thậm chí đất sản xuất cũng rất ít ỏi.

Điển hình như hộ gia đình anh Triệu Văn Liều tuy đã thoát khỏi đói nghèo nhưng mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/người/năm như nhà anh thì nguy cơ tái nghèo cũng có thể xảy ra nếu như nhà anh có một biến cố hoặc nếu không tiếp tục nỗ lực làm ăn chăm chỉ.

Một điểm hạn chế nữa là kinh phí và mô hình giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc vẫn còn manh mún và nghèo nàn, chưa thực sự có những mô hình hiệu quả để nhân rộng.

Trong khi đó nguồn lực đầu tư từ ngân sách tỉnh, huyện hạn hẹp, khả năng huy động nguồn vốn xã hội hoá khó khăn.

Chung tâm tư này, ông Trần Thanh Nghị - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Điện Biên cũng cho biết: Việc thực hiện chính sách giảm nghèo tiếp cận đa chiều gặp khá nhiều khó khăn. tình hình ngân sách được phân bổ hạn chế nên mới tập trung thực hiện hỗ trợ cho hộ nghèo về thu nhập là chính.

Điều này đã ảnh hưởng và tác động không nhỏ đến việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Liên quan tới văn bản, hướng dẫn triển khai thực hiện, đối với cả cấp trung ương và cấp tỉnh thì chủ yếu mới là xây dựng chương trình mà chưa tập trung vào nội dung hướng dẫn, đổi mới về cơ chế, hỗ trợ trọn gói về tài chính, phân cấp, trao quyền cho chính quyền các cấp trong việc tổ chức thực hiện...

Một trong những đột phá trong quá trình thực hiện giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều giai đoạn (2016 - 2020) là giảm cho không, thay vào đó là vừa cho vay ưu đãi thời gian dài, vừa huy động cộng đồng. Bên cạnh tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng, các dự án hỗ trợ tập trung tạo việc làm, tạo sinh kế.

Trong đó chú trọng nhân rộng mô hình giảm nghèo, phổ biến kinh nghiệm làm ăn để cả người nghèo, cận nghèo có điều kiện tham gia cùng làm ăntại vùng lợi thế của địa phương. Với cách tiếp cận này Việt Nam đã nhận được sự đánh giá rất cao của cộng đồng quốc tế

Để tiếp tục thực hiện tốt giảm nghèo đa chiều, cần phân tích, đánh giá và phân loại rõ từng đối tượng người nghèo, hộ nghèo, vùng nghèo, trên cơ sở đó đề ra kế hoạch, giải pháp và tập trung vốn ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm.

Để làm được điều này quan trọng các địa phương cũng cần phải thay đổi tư duy, tránh trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực của ngân sách mà cần chủ động giúp người dân thoát nghèo bằng chính nội lực của mình.

Cả nước có 165,1 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 34,9%

Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 10/2017, cả nước có gần 1,6 nghìn hộ thiếu đói, giảm 30,4% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 6,9 nghìn nhân khẩu thiếu đói, giảm 28,9%.Tính chung 10 tháng năm nay, cả nước có 165,1 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 34,9% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 678,1 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 35,5%.

Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm đến nay, các cấp, các ngành, các tổ chức từ trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 21,3 nghìn tấn lương thực và hơn 1 tỷ đồng.

K.Lê

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Băn khoăn tiêu chí 'nghèo đa chiều'