Những ngày này, hòa chung không khí tuyển sinh sôi nổi khắp cả nước, hàng trăm trường ĐH, CĐ ở khu vực phía Nam cũng đang tìm đủ mọi cách chiêu sinh, thu hút thí sinh.
Một trong những điểm nhấn so với các kỳ tuyển sinh trước là hiện nay, nhiều trường đã công bố cho các thí sinh biết tỷ lệ có việc làm sau khi ra trường, ở những ngành nghề cụ thể.
Nhiều trường thậm chí còn mạnh dạn tuyên bố rằng, học xong không xin được việc thì sẽ… trả lại học phí!
Đây được cho là bước đi khôn ngoan để giúp cho các thí sinh an tâm theo học bởi tình trạng cử nhân (những người học xong ĐH) thất nghiệp, đi làm công nhân đã quá phổ biến.
Nhìn qua, việc công bố tỷ lệ có việc làm là có ích cho sinh viên nhưng thực tế, điều này hoàn toàn không phải, thậm chí là đi ngược lại với tiêu chí giáo dục đại học.
Phải nói ngay rằng, nhiệm vụ của trường học, đặc biệt các trường ĐH là nơi truyền đạt tri thức, chứ không phải là nơi giúp người học có việc làm.
Nhà trường không có trách nhiệm về việc sử dụng tri thức đó của người học sau khi ra trường.
Ví dụ, một trường đào tạo các sinh viên công nghệ thông tin, sau khi ra trường, một vài sinh viên sử dụng các kỹ năng đào tạo đó để làm hacker chẳng hạn, thì đó không phải là chuỗi nhân quả của quá trình đào tạo.
Tương tự, việc đào tạo được các sinh viên giỏi hoàn toàn không có nghĩa là tỷ lệ có việc làm sẽ cao. Tỷ lệ việc làm tùy theo vào nhu cầu, những biến động của xã hội.
Vì thế, thay vì tập trung công tác đào tạo, truyền đạt tri thức, nếu nhà trường chạy theo mục đích tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm thì không những là một định hướng sai lầm mà còn khiến cho nền giáo dục bị biến đổi. Nôm na, trường học lúc này tựa như một trung tâm môi giới việc làm khổng lồ.
Một chuyên gia giáo dục cho rằng, việc các trường ĐH, CĐ đang chạy theo tỷ lệ có việc làm của sinh viên sau đào tạo là hệ quả của mô hình xã hội hóa giáo dục. Hiện nay, các trường đang bị áp lực rất lớn phải cạnh tranh, thu hút người học.
Vì thế, họ có thể sử dụng các chiêu thức khác nhau nhằm thu hút sinh viên, chứ không nhất thiết phải là định hướng của nhà trường.
Đặc biệt, nếu nhìn vào mô hình phát triển của các trường ĐH hàng đầu trên thế giới, có uy tín lâu năm thì tiêu chí của họ luôn luôn là đào tạo và truyền đạt tri thức một cách tốt nhất.
Sau đó, người học có thể sử dụng tri thức ấy vào việc gì, hay không sử dụng là quyền của người học, không là vấn đề mà nhà trường phải theo đuổi nữa.