Băn khoăn việc làm sạch hồ Tây

Mạnh Dũng - Minh Quang 16/08/2017 09:05

Thời gian gần đây, khu vực hồ Tây (đoạn từ số 2 đến số 10 Nguyễn Đình Thi phường Thụy Khuê, Tây Hồ - Hà Nội) đang được tiến hành đào đắp bùn để phục vụ hoạt động Dự án nạo vét hồ Tây. Tuy nhiên do việc nạo vét không được quận Tây Hồ thông tin cụ thể khiến một số diễn đàn mạng xã hội có thông tin là quận đang lấp một phần hồ Tây.

Vấn đề bảo vệ môi trường nước hồ Tây được đặt ra đã lâu.

Trước những băn khoăn trên, đại diện UBND quận Tây Hồ cho biết, hoạt động của máy xúc đang đào đắp bùn đất tại hồ Tây là để phục vụ Dự án nạo vét hồ Tây đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, chứ không phải san lấp mặt bằng để xây dựng công trình như một số người dân và mạng xã hội nghi ngờ.

Để có thể nạo vét, đơn vị thi công phải đắp bờ quây thành hố lớn, sau đó nạo vét bùn ở hồ Tây đoạn khu vực đường Thanh Niên, sau vườn hoa Lý Tự Trọng, trường Chu Văn An đổ vào trong hố để tách nước. Sau đó, còn lại bùn sẽ múc lên ôtô vận chuyển đi nơi khác. Dự án này do BQL Hồ Tây làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công ngày 17/7, với thời gian thi công khoảng 60 ngày, đơn vị thi công là Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Thịnh An.

Tại khu vực đang nạo vét trước đây là vị trí đặt du thuyền hồ Tây, nay đã được tháo dỡ di dời tới khu vực khác. Tuy nhiên hiện vẫn còn 2 du thuyền bỏ hoang chưa được di dời. Trong khi tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp HĐND vừa qua, vấn đề di dời nốt những du thuyền hồ Tây, cũng như chủ trương cải tạo nạo vét bùn, làm sạch nước hồ Tây luôn là vấn đề được người dân quan tâm.

Vấn đề bảo vệ môi trường nước hồ Tây được đặt ra đã lâu. Tuy nhiên, nó trở thành mối quan tâm đặc biệt nhất là thời điểm năm 2016 khi cá nối chết trắng ở Hồ Tây, nghi do bị ô nhiễm nguồn nước. Khi ấy, sự việc cá chết nổi trắng ở hồ Tây đã khiến cho nhiều người dân hoang mang, lo lắng và một lần nữa câu chuyện ô nhiễm môi trường ở đây lại được đặt ra một cách nghiêm túc, khẩn cấp.

PGS.TS Hà Đình Đức cho rằng, tình trạng cá chết ở hồ Tây là rất nghiêm trọng và lần đầu tiên xảy ra. Tuy nhiên, theo ông, dù lượng cá chết rất lớn như vậy nhưng nguồn nước hồ Tây hiện nay chưa đến mức độ là nguồn nước chết. Ông chia sẻ, vào những năm 1998 - 1999, Hà Nội đã có ý định vay 32 triệu USD trong vòng 30 năm với lãi suất 2,9%/năm để thực hiện dự án thay nước hồ Tây nhưng đến năm 2001 - 2002 Dự án đã phải dừng vì không khả thi. Thời điểm đó, người ta định xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải của các lưu vực xung quanh Hồ Tây và xây dựng hệ thống xử lý nước lấy từ sông Hồng bơm vào hồ Tây. Thay toàn bộ nước hồ 3 lần trong một năm, đảm bảo nước hồ Tây trong xanh như trước đây. Tuy nhiên, chính ông là người phản đối rất mạnh.

Thời điểm đó, bà Nguyễn Ngọc Lý- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) cũng cho rằng, hồ Tây không phải là hồ nước chết, bởi đây là hồ tự nhiên lớn nhất tại Hà Nội. Do đó, biện pháp chỉ thay nước cho hồ Tây sẽ không có ý nghĩa gì và khó có thể thay được bởi hồ Tây không giống như một chậu nước mà nó rất rộng.

Theo bà Lý, nếu chúng ta coi hồ là cảnh quan đô thị, có chức năng điều hòa không khí, thu hút du lịch, thì thành phố Hà Nội cần phải đưa ra mục tiêu, phương hướng kiểm soát chặt nguồn nước, ngăn chặn, cấm các nguồn thải gây ô nhiễm xung quanh hồ.

Một con số đáng lưu tâm là theo báo cáo năm 2016 của UBND quận Tây Hồ liên quan đến Dự án nạo vét hồ Tây, trong 4 gói dự án thực hiện từ năm 2011 đến 2016- trị giá 128 tỉ đồng đã quyết toán được hơn 80 tỉ đồng. Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng chi 128 tỉ đồng nạo vét bùn hồ Tây nhưng không thấy bùn cũng đồng nghĩa với vấn đề hiệu quả khối lượng chưa đáp ứng được yêu cầu...

Trở lại với việc thay nước hồ Tây, PGS.TS Hà Đình Đức cho hay, Dự án “Nâng cao chất lượng nước hồ Tây” được chuẩn bị từ tháng 11-1998 (Công văn số 3013/UB-KH&ĐT ngày 30/11/1998). BQL Dự án Xây dựng Hạ tầng Kỹ thuật Xung quanh hồ Tây và Tổ hợp Kỹ thuật và Môi trường TP Viên (VEEC) Áo tổ chức hội thảo chuẩn bị Dự án “Nâng cao chất lượng nước hồ Tây” vào ngày 14,15-9-1999 với mục tiêu: “Dự án này sẽ tạo cơ sở quan trọng cho sự phát triển ngành du lịch và thương mại cũng như sẽ đóng một vai trò sống còn tới sự phát triển tương lai của khu vực này. Giá trị đất đai tăng lên, việc đầu tư cho các dịch vụ thể thao và vui chơi giải trí hy vọng sẽ làm tăng thêm thu nhập cho quận. Việc bảo tồn các công trình di tích lịch sử và tín ngưỡng linh thiêng cũng như bảo vệ môi trường nhằm giữ gìn sự đa dạng sinh học cũng chính là những mục tiêu không tách rời của dự án”.

Ở thời điểm ấy, cho đến năm 2001, Thành ủy Hà Nội cũng đã dành hai cuộc họp thảo luận về “Nâng cao chất lượng nước hồ Tây”, và đi đến kết luận: Giải quyết vấn đề môi trường, đầu tư xây dựng cảnh quan môi trường, chọn Hồ Tây là chủ trương đúng để hồ Tây trở thành một trung tâm du lịch, văn hóa, cảnh quan đẹp và hấp dẫn của Thủ đô. Việc tìm nguồn vốn cho công trình, tranh thủ được vốn ODA là cần thiết.

Trong quá trình lập Dự án đã có bước nghiên cứu thận trọng lắng nghe ý kiến của nhiều tầng lớp nhân dân và các nhà khoa học. Tuy nhiên sự chuẩn bị Dự án chưa kỹ. Đã có một số cơ sở khoa học nhưng chưa đầy đủ. Khi có ý kiến chất vấn cơ quan lập dự án và chủ đầu tư trả lời chưa nhất quán, thiếu thuyết phục. Sự phân tích về hiệu quả kinh tế - xã hội chưa rõ. Việc các tầng lớp nhân dân, dư luận xã hội và các nhà khoa học quan tâm góp ý kiến vào Dự án là thể hiện tâm huyết và trách nhiệm, cần lắng nghe và tôn trọng.

Như vậy, việc dừng lại Dự án khi ấy qua lắng nghe ý kiến góp ý của dư luận và các nhà khoa học, những vấn đề xung quanh Dự án nước hồ Tây chứng tỏ những tham vấn, phản biện đã được xem xét một cách nghiêm túc.

Giờ đây, việc làm sạch đẹp hồ Tây vẫn không nằm ngoài tiêu chí mang tới một diện mạo mới cho môi trường sống, trở thành một điểm đến lý tưởng trong hành trình của du khách khi tới tham quan Thủ đô Hà Nội. Nhưng để làm sạch - đẹp hồ Tây vẫn cần có những kế hoạch cụ thể và thiết thực hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Băn khoăn việc làm sạch hồ Tây