Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về vận tải hành khách công cộng bằng xe bus (xe buýt) điện của Tập đoàn Vingroup. Đây là loại hình vận tải công cộng được kỳ vọng là giải pháp nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông cũng như môi trường cho các thành phố lớn.
Bộ GTVT thông tin đã nhận được văn bản số 1518/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc chuyển đề xuất của Tập đoàn Vingroup liên quan đến phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe bus điện tại TP Hà Nội và TP HCM để giảm ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, Bộ GTVT đồng thuận với đề xuất sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe bus điện tại TP Hà Nội và TP HCM; đề nghị UBND hai thành phố yêu cầu Tập đoàn Vingroup cần thực hiện theo đúng quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; xe bus điện phải đáp ứng, quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô khách thành phố.
Đáng chú ý về giá vé, với việc áp dụng đơn giá, định mức, đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ, Bộ GTVT yêu cầu cần thực hiện theo quy định của Nghị định số 32/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Trường hợp do loại xe bus điện mới đưa vào hoạt động lần đầu tại Việt Nam nên chưa có định mức, đơn giá, Bộ GTVT đề nghị UBND TP Hà Nội và UBND TP HCM báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các đề xuất cơ chế đặc thù áp dụng tạm thời khi đưa loại phương tiện này tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe bus trên địa bàn.
Chuẩn bị triển khai thí điểm
Tại Hà Nội, UBND thành phố cũng đã giao Sở Tài chính nghiên cứu kiến nghị của Sở GTVT báo cáo thành phố về Đề án đầu tư phương tiện, tổ chức hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe bus sử dụng năng lượng sạch (xe điện) có trợ giá trên địa bàn của Tập đoàn Vingroup.
Trên cơ sở Đề án này, Sở GTVT đề xuất UBND thành phố trong trường hợp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện theo phương thức đặt hàng cung ứng dịch vụ công ích thì xem xét chấp thuận mở mới các tuyến xe bus điện và chủ trương đặt hàng tạm thời cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện cho Tập đoàn Vingroup để vận hành tuyến xe bus nằm trong danh mục tuyến mở mới trong năm 2020.
Theo đề xuất Sở GTVT Hà Nội, Tập đoàn Vingroup đã đăng ký vận hành 10 tuyến bus mới bằng xe chạy điện, thực hiện chủ trương phát triển vận tải hành khách công cộng của thành phố.
Điều này cho thấy kỳ vọng xe bus điện sẽ giúp người dân và khách du lịch có thêm phương tiện đi lại và giảm số lượng xe cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông ở khu trung tâm được dư luận hết sức quan tâm.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM cũng thừa nhận dù thành phố rất ủng hộ các phương pháp đổi mới xe bus hướng đến thu hút người dân tham gia giao thông công cộng.
Song với hạ tầng giao thông thành phố hiện nay vẫn còn nhiều trở ngại. Nhiều tuyến đường có bề rộng mặt cắt ngang hẹp, rất khó có làn đường riêng ngay lập tức. Ngoài ra, tình trạng ngập nước còn tồn tại sẽ gây khó khăn cho hoạt động của xe bus điện.
Sở cũng sẽ tiếp tục tiến hành nghiên cứu thêm về hạ tầng giao, các loại hình xe bus… để chọn ra phường án phát triển phù hợp nhất với hạ tầng giao thông thành phố.
Theo ông Cường, TP HCM sẽ cần có nhiều điều chỉnh về lộ trình, cách thức hoạt động đối với các tuyến xe bus điện để nâng cao hiệu suất sử dụng. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến lợi ích của xe bus nói chung và xe bus điện nói riêng tới người dân cũng cần phải được nâng cao hơn nữa.
Vận hành tốt mới phát huy hiệu quả
Có thể nói, trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng đáng báo động, việc lựa chọn phát triển công nghệ xanh trong sản xuất xe ôtô, xe gắn máy là giải pháp rất quan trọng để hạn chế sự tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, giảm lượng phát thải, trong đó phát triển xe điện là hướng đi được nhiều quốc gia quan tâm, ưu tiên bởi cho phép tiết kiệm hơn, không phát thải khí ô nhiễm như xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch, giảm bớt tiếng ồn.
Tuy nhiên, giới khoa học cũng cho rằng, mức độ bảo vệ môi trường của xe điện sẽ phụ thuộc vào nguồn cung cấp điện năng của xe. Phụ thuộc vào việc chúng ta sẽ dùng công nghệ gì để tạo ra điện, để sạch các phương tiện chạy bằng điện.
Mặt khác, xe bus điện chưa có lợi thế về cơ sở hạ tầng và lợi thế về nhiên liệu so với các phương tiện giao thông công cộng thông thường, nên nhìn chung, việc sử dụng xe bus điện ban đầu sẽ tốn kém hơn khi hệ thống cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, ví dụ như trạm sạc điện chưa nhiều bằng trạm xăng.
Xe bus điện cũng bị cho là tốn kém hơn so với xe buýt thông thường. Ví dụ, pin là chi tiết đắt nhất đối với xe bus điện, chúng không có sẵn và khó có thể thay thế bằng nguồn năng lượng khác.
Theo TS Hoàng Xuân Cơ - Giảng viên cao cấp Khoa Khoa học môi trường và bảo vệ môi trường, Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, mặc dù xe điện không hoàn toàn mang lại nhiều lợi ích như chúng ta mong muốn. Nhưng nếu chúng ta vận hành tốt thì sẽ mang lại những mặt lợi nhất định.
Như việc chúng ta đang ô nhiễm không khí ở các đô thị mà chúng ta chuyển đổi thẳng từ xe gắn máy sang xe chạy điện thì chất lượng không khí sẽ đỡ hẳn đi.
Với nhiều lợi ích, thị trường xe điện được đánh giá là có nhiều cơ hội phát triển khi nhu cầu sử dụng phương tiện của người dân ngày càng tăng cao.
“Để xe điện phát triển bền vững, mang lại hiệu quả tích cực về môi trường, bên cạnh các vấn đề về công nghệ, còn có nhiều vấn đề khác cần được quan tâm như: cơ sở hạ tầng, hệ thống cấp điện, trạm sạc… Song song với đó là các cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân sử dụng nhiều hơn những phương tiện thân thiện với môi trường”, TS Cơ lưu ý.