Dịch bệnh được kiểm soát, tiêu dùng gia tăng... là cơ sở để ngành bán lẻ phục hồi trong năm nay. Ngành bán lẻ phấn đấu mục tiêu tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 8-9%, trong đó đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa.
Khai thác “mỏ vàng” thị trường online
Thị trường bán lẻ đang dần sôi động trở lại. Mới đây nhất Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam đã tổ chức Lễ khởi công dự án Trung tâm thương mại (TTTM) Aeon Mall Huế. Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) cũng kỳ vọng từ nay đến năm 2025 triển khai thêm 16 dự án tại Việt Nam, trong đó có 3-4 dự án tại Hà Nội. Ngoài ra, doanh nghiệp (DN) này sẽ ra mắt các mô hình bán lẻ mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tạo đà phát triển trong tương lai. Thời gian gần đây nhiều DN cũng đang đẩy mạnh đầu tư, phát triển hệ thống phân phối, là những tín hiệu tích cực của thị trường bán lẻ. Chẳng hạn Tập đoàn Central Retail (Thái Lan) sẽ tăng đầu tư vào thị trường bán lẻ, tăng điểm bán từ 40 tỉnh, thành phố hiện nay lên con số 55.
Các chuyên gia dự báo năm 2023, bán lẻ hàng hóa tiếp tục sôi động, đóng góp quan trọng vào sự phục hồi chung của nền kinh tế. “Mỏ vàng” kinh doanh online sẽ tiếp tục được khai thác.
Xu hướng lớn nhất của các nhà bán lẻ là mở rộng kênh bán, đưa sản phẩm lên nhiều nền tảng kinh doanh khác nhau, tận dụng sức mạnh của các kênh bán hàng trực tuyến. Bán hàng đa kênh sẽ tiếp tục thể hiện ưu thế.
Các chuyên gia đánh giá, năm 2023, kinh tế nước ta sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, song ngành bán lẻ sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Bộ Công thương cũng lạc quan nhận định, ngành bán lẻ nội hiện có quy mô thị trường 142 tỷ USD, dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% tổng ngân sách quốc nội.
Theo ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), mục tiêu năm 2023 là thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 8-9%.
Giải pháp được đưa ra là tăng cường công tác kết nối, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, góp phần ổn định giá cả hàng hóa lưu thông trên thị trường và mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới mức 4,5% được đặt ra trong Nghị quyết 01 của Chính phủ. Hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa trong nước, đặc biệt là hàng hóa nông sản vào vụ thu hoạch; đổi mới, tổ chức kết nối cung cầu trong nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tạo kênh tiêu thụ thuận lợi, ổn định.
Tìm kiếm cơ hội
Theo giới chuyên gia kinh tế, để tìm kiếm cơ hội trong thời gian tới, DN phải có sự thay đổi, sự dịch chuyển toàn diện chứ không phải để đối phó kiểu “ăn xổi ở thì”. Đầu tiên, các DN bán lẻ cần phải chú trọng nhiều hơn vào việc đào tạo kỹ năng cho đội ngũ nhân sự để nâng cao năng lực nội tại của mình.
Tiếp đến là phải đa dạng hóa sản phẩm, nhà cung cấp và kiểm soát chất lượng đầu vào để đảm bảo hàng hóa cung ứng liên tục. Ngoài ra, những kế hoạch liên quan đến số hóa, mở rộng thị trường hoặc phát triển mô hình bán lẻ mới cũng cần được ưu tiên nhằm giúp các DN bán lẻ hạn chế được các nguy cơ và tận dụng được các cơ hội.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia thị trường Vũ Vinh Phú cho rằng phải phát huy bán hàng đa kênh để không bỏ lỡ bất kỳ khách hàng tiềm năng nào, “khách hàng ở đâu thì DN xuất hiện ở đó”, cung cấp trải nghiệm liền mạch cho người tiêu dùng từ các kênh online như website, facebook, zalo,... cho đến các kênh bán lẻ truyền thống, bán buôn, phân phối đến các hệ thống khác.
Bên cạnh đó, cần tăng cường liên doanh liên kết, gắn kết được khâu sản xuất với phân phối hàng hóa, cải thiện dần quá trình này giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh của DN, hướng tới sự bền vững của toàn bộ chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, cần chú trọng xây dựng thương hiệu - yếu tố quan trọng quyết định sự tồn tại của mỗi DN. Người tiêu dùng sẽ lựa chọn hàng của những DN luôn coi “khách hàng là thượng đế”, luôn tôn trọng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng, đó cũng là cách tạo dựng thương hiệu và uy tín, là văn hóa DN.
Ông Phú nhấn mạnh thêm: “Phát triển thị trường nội địa phải có những biện pháp quyết liệt. Phải có những nghiên cứu thấu đáo, khoa học, tổ chức thực hiện một cách bài bản và nghiêm túc. Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã trải qua chặng đường hơn 14 năm, nhiều mặt hàng chiếm được cảm tình của người dân thì cần phát huy. Có như vậy, thị trường nội địa mới được phát triển đầy đủ, văn minh và hiện đại, đủ sức phục vụ gần 100 triệu dân”.
Nền tảng quản lý và bán hàng Sapo đã đưa ra đánh giá về triển vọng bán lẻ năm 2023 cho biết, 74,5% nhà bán hàng kỳ vọng thị trường năm 2023 sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng. Trong đó, 12,18% nhà bán hàng tin tưởng ngành bán lẻ chắc chắn sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2023, 36,18% nhà bán hàng dự định mở rộng quy mô kinh doanh; 29,03% nhà bán hàng dự định đa dạng hóa mặt hàng kinh doanh; chỉ 2,85% nhà bán hàng dự định duy trì và tối ưu chi phí.