Tiếng cồng, tiếng khua luống, tiếng khèn vang lên rộn ràng trên ngôi nhà sàn giữa bản Ngàm, xã Trung Thượng, huyện Quan Sơn vui như Tết về. Đó là bức thông điệp ấn tượng chào đón khởi động “Ngày hội Đại Đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư” (NHĐĐKTD) diễn ra từ 3-18/11. Tới dự buổi lễ sáng 3/11, ông Đỗ Trọng Hưng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa nhấn mạnh: “Bản Ngàm đang trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện vùng cao Quan Sơn, nhưng cần tiếp tục phấ
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa - ông Đỗ Trọng Hưng
trao quà cho các gia đình khó khăn ở bản Ngàm.
Tấm gương sáng
Bản Ngàm hiện có 157 hộ với 688 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Thái (chiếm 98%) sinh sống nhờ vào hơn 55,7ha đất nông, lâm nghiệp. Bà con trong bản canh tác cây lúa, cây sắn, ngô; chăn nuôi con lợn, con dê, trâu bò; chăm sóc, biến cây luồng, nứa thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao.
Nhờ cần cù lao động nên điều kiện kinh tế của người dân ở vùng đất rẻo cao này, mỗi ngày có thêm bước phát triển mới. Bình quân thu nhập đầu người đạt gần 20 triệu đồng/người/năm, đó là sự cố gắng mà hàng trăm bản làng khác cần tham khảo.
Anh Vi Văn Chiến - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác mặt trận bản Ngàm “khoe” với tôi: Bản em có một A dân quân gồm 6 người, thường xuyên hoạt động, làm tốt công tác trật tự, an toàn xã hội của địa phương, không để xảy ra điểm nóng phức tạp. Bản Ngàm nhiều năm qua không có người nghiện ma túy, không xảy ra tình trạng xích mích, mất đoàn kết. Cán bộ, nhân dân trong bản luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mọi người cùng nỗ lực, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo. Trong bản có người ốm đi bệnh viện huyện điều trị, bà con ủng hộ 2 triệu đồng; trường hợp phải về tuyến tỉnh được ủng hộ 4 triệu đồng, thể hiện tinh thần đoàn kết “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Đối với các huyện miền núi, tỉnh Thanh Hóa thực hiện chính sách linh hoạt trong việc xây dựng nông thôn mới, trong đó, lấy trung tâm là cấp bản làng. “Ở bản Ngàm, cán bộ và nhân dân đang đồng sức, đồng lòng xây dựng trở thành bản nông thôn mới vào năm 2017. Đến nay, bản Ngàm đã hoàn thành 11/14 tiêu chí”.
Tại buổi lễ phát động NHĐĐKTD, mẹ VNAH Hà Thị Thìn (86 tuổi) chia sẻ: “Mẹ thấy các con trong bản chuẩn bị NHĐĐKTD rất chu đáo. Khối thanh niên tập trung dọn dẹp vệ sinh môi trường, khối phụ nữ tập khua luống, đánh cồng chiêng, nghệ nhân Lữ Văn Vượng mang khèn ra ôn lại những bản nhạc truyền thống… Vui như ngày Tết con ạ. Đây ngày lễ có ý nghĩa quan trọng, ôn lại truyền thống dựng và giữ nước của cha ông; khơi dậy tinh thần đoàn kết toàn dân, coi ngày lễ như ngày ăn cơm mới của bản vậy”.
Khua luống là một trong những nét văn hóa đặc sắc còn lưu giữ ở bản Ngàm.
Không có việc gì khó
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Trọng Hưng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa đánh giá cao những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn đời sống văn hóa của bản Ngàm, thực sự là một điểm sáng để nhiều thôn làng ở các huyện miền xuôi học tập.
Ông Đỗ Trọng Hưng cho hay, qua thăm hỏi, ông biết hầu hết các gia đình đều sinh hai con, rất ít gia đình sinh thêm con thứ ba. Về công tác phát triển Đảng cũng được cán bộ, nhân dân bản Ngàm chú trọng, đến nay toàn bản có 49 đảng viên. Mỗi đảng viên là một hạt nhân thể hiện tinh thần gương mẫu, giúp đỡ mọi người cùng vượt khó vươn lên.
Theo ông Hưng, tuy bản Ngàm đạt được rất nhiều thành tựu đáng khích lệ nhưng không phải đã hết khó khăn. Ba tiêu chí xây dựng bản nông thôn mới chưa đạt được, cán bộ và nhân dân trong bản cần tiếp tục phát huy nội lực hoàn thành tiêu chí khu dân cư hiếu học và giảm tối đa tỷ lệ hộ nghèo. Tiêu chí đường giao thông nông thôn, do trong bản có nhiều đường xương cá nên bà con cần tập trung làm những đường dễ làm trước; đường khó làm sau, khi đó huyện, tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ.
Riêng đối với tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (34 hộ), ông Đỗ Trọng Hưng “tư vấn”: “Bản cần rà soát lại các hộ nghèo vì lý do gì? Nghèo do có người thân ốm đau, nghèo do thiếu đất sản xuất hay nghèo do “lười lao động” để đưa ra giải pháp tháo gỡ. Đối với hộ nghèo do chưa chăm chỉ làm ăn cần tuyên truyền, vận động, giúp bà con nâng cao lòng tự trọng. Cần tạo điều kiện, phân công đảng viên hỗ trợ, giúp đỡ những gia đình khó khăn này để họ có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống”.
Ông Đỗ Trọng Hưng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa
trao quà cho mẹ VNAH Hà Thị Thìn ở bản Ngàm.
Ông Đỗ Trọng Hưng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa
trò chuyện thân mật với người dân bản Ngàm.
Sự đoàn kết của cán bộ, nhân dân đang từng bước
đưa bản Ngàm trở thành bản điển hình văn hóa.