Nhìn lại nền kinh tế năm 2015, trong khi những tiến bộ về cải cách thuế, nâng cao môi trường kinh doanh… được ghi nhận thì câu chuyện nợ xấu, cầu tiêu dùng thấp vẫn tiếp tục được đặt ra trong năm 2016. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một diểm mờ trong bức tranh chung được cho là nhiều gam màu sáng.Báo Đại Đoàn Kết đã thực hiện cuộc bàn tròn cùng với 3 chuyên gia với chủ đề: Kinh tế 2016 - Duyên và cơ. Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ - nguyên viện trưởng Viện chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và
Thủy sản- thế mạnh của xuất khẩu Việt Nam.
Bắt đầu chặng đường mới
Thưa các ông, chúng ta bắt đầu câu chuyện trong bối cảnh mới, nhân tố mới đó là năm kinh tế 2016 là năm mở đầu kế hoạch 5 năm (2016 - 2020). Nền kinh tế đã khác nhiều sau 30 năm đổi mới. Giới quan sát cho rằng Việt Nam đang chính thức bước qua giai đoạn kinh tế suy thoái, bắt đầu chặng đường kinh tế mới với “con số 6” đầy may mắn? Quan điểm của các ông như thế nào?
Ông Lưu Bích Hồ: Chúng ta đang chuyển động mạnh để bắt đầu một giai đoạn mới, chúng ta cần bắt đầu một cuộc đổi mới lần thứ hai để nền kinh tế tăng trưởng mạnh về chất lượng, sâu về chất lượng.
Điều rất hay là năm 1986 chúng ta đã thực hiện đổi mới lần thứ nhất, sau một quãng thời gian phát triển nhất định, chiếc áo cũ đã chật so với thể trạng của nền kinh tế. Vậy và giờ là năm 2016, tức là 30 năm sau lần đổi mới thứ nhất, chúng ta đã thu được những thành công nhất định, chúng ta cần tiếp tục phải thay đổi để hội nhập sâu, để tăng trưởng không chỉ dừng ở bề rộng, bề cao mà cả bề sâu nữa. Đã đến lúc chúng ta thực hiện thay đổi nhanh, mạnh mà nhiều chuyên gia khác hay nói là đổi mới lần 2. Số 6 là số duyên và có nhiều may mắn. Tôi kỳ vọng một năm mới may mắn và thành công.
Sau nhiều năm vận hành theo tư duy, cách quản lý cũ, nền kinh tế đứng trước nguy cơ tụt hậu rõ ràng, nhất là nếu so sánh với các nước láng giềng. Đơn cử, nếu mức tăng trưởng trung bình là 5%/năm thì đến năm 2035 GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 75% của Trung Quốc và bằng 83% của Thái Lan. Viêc đổi mới đặt ra từ đòi hỏi khách quan và chủ quan.
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Tôi cũng cùng nhận định, năm 2016 là năm kinh tế có nhiều biến chuyển, đưa Việt Nam vào quỹ đạo mới.
Tình hình thế giới đang có nhiều biến động tại thời điểm này. Về mặt tài chính, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 0,25 phần trăm điểm sau 8 năm duy trì lãi suất 0% vào cuối năm 2015, đồng nghĩa với việc Fed có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất ở mức độ mỗi lần 0,25% trong năm 2016 cho đến khi lãi suất USD đạt mức 1%.
Trong khi đồng tiền các nước châu Âu, châu Á đang mất giá thì đồng đô la Mỹ lại thêm hấp dẫn. Điều này khiến cho Mỹ thêm khẳng định vị trí hàng đầu của mình. Và trong bối cảnh đó Việt Nam đứng ở đâu? Việt Nam có quan hệ bền vững với Trung Quốc, với Nga. Nhưng thời gian gần đây có sự tăng cường quan hệ Việt Nam với Mỹ. Cũng trong năm 2015, Việt Nam đã chứng minh được nền kinh tế tăng trưởng hợp lý. Vì vậy nhìn nhận của tôi, tiền đề 2016, khởi đầu thuận lợi.
Việc đánh giá đúng thực trạng kinh tế - xã hội đất nước năm 2015 và dự báo kinh tế 2016 vì vậy có ý nghĩa quan trọng. Vậy theo các ông bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2015 đã khép lại với gam màu gì?
Ông Lưu Bích Hồ: Các con số thực ra đã khá rõ. Nền kinh tế tăng trưởng đạt tốc độ 6,5%, lạm phát cũng ở mức thấp dưới 2%. Cùng với đó là Việt Nam kỳ vọng sẽ đạt được kỷ lục mới về lượng vốn FDI giải ngân trong năm nay, lên đến khoảng 14 tỷ USD, tăng 1,5 tỷ USD so với năm ngoái.
Dù chưa có con số chính xác từ Bộ Kế hoạch Đầu tư nhưng cũng kết quả cũng gần như là chắc chắn. Số vốn cam kết cũng được dự báo sẽ cao hơn con số 21,9 tỷ USD của năm trước.
Điều đáng nói sau khi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp được sửa đổi đã nới lỏng các quy định và giúp thu hút các nhà đầu tư đang tìm kiếm lợi ích tại Việt Nam. Rồi các cơ hội đầu tư cũng mở ra khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, toàn văn Hiệp định cũng đã được ông bố. Điều này nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã chọn Việt Nam làm điểm hạ cánh. Kiềng ba chân Hàn - Nhật - Mỹ trở thành điểm sáng….
Cùng với những điểm như tôi đã nói ở trên thì vẫn còn những ý kiến bảo lưu của các chuyên gia đánh giá, rằng Chính phủ đang tô hồng nền kinh tế, chưa đánh giá xác đáng những khó khăn, hạn chế thách thức của nền kinh tế. Nhưng theo tôi năm 2015 cơ bản thành công.
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Nếu nhìn về mức độ ổn định, con số tăng trưởng, con số lạm phát thì mình có thể hài lòng. Nhưng khi ngó qua mảng màu đen và màu xám ở từng ngành, từng thành phần kinh tế thì tôi không lạc quan. Lạc quan dè dặt.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài, giải ngân vốn có thể tăng nhưng việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp bạn đối với doanh nghiệp nội còn hạn chế. Hay chuyện bất động sản đã qua thời băng giá nhưng qua thật hay chưa? Doanh nghiệp và ngân hàng vẫn chưa gần nhau, khiến cho câu chuyện tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn khó… Các câu hỏi khó khăn đặt ra còn nhiều.
Ông Vũ Tiến Lộc: Kinh tế vĩ mô năm qua có nhiều chuyển biến tích cực. Nhìn chung nỗ lực cải cách thể chế của Chính phủ và các cấp ngành đã đạt những kết quả nhất định. Năm 2015 là một năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam khi một loạt các hiệp định thương mại kết thúc đàm phám, ký kết.
Tuy nhiên cũng phải nói rằng chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp. Qua khảo sát gần đây của Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam cho thấy, về cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan, tín hiệu đáng lo ngại là doanh nghiệp tư nhân càng lớn thì chi phí tuân thủ thủ tục hành chính càng cao; doanh nghiệp quy mô càng lớn và kinh doanh càng thành công thì bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều.
Đây là một lực cản đáng kể làm cho các doanh nghiệp không lớn lên được và quy mô bình quân của doanh nghiệp Việt Nam đang nhỏ dần đi theo các số liệu thống kê công bố gần đây. Đó là điều cần phải được quan tâm xem xét và có biện pháp khắc phục.
Như các ông đã nói, năm 2016 có nhiều cơ hội bứt phá. Vậy cụ thể, nền kinh tế 2016 sẽ phát triển dựa trên bệ đỡ nào?
Ông Lưu Bích Hồ: Bệ đỡ quan trọng là năm 2015 chúng ta hoàn thành việc góp ý các văn kiện đại hội Đảng. Những tiền đề này là cơ sở lý luận tốt, bây giờ chỉ còn hành động. Chúng ta cần chọn lọc những điểm mạnh đích đáng để phát triển.
Đầu tiên là xuất khẩu nông sản, dù hạn chế ở chất lượng nhưng đó vẫn là kênh để đưa tiền về cho nền kinh tế. Vẫn nhờ xuất khẩu nông sản chúng ta mới có được tăng trưởng 6,5% trong năm 2015. Nhưng 2016 cần chú ý về chất lượng, về chuỗi giá trị, về chế biến.
Thứ hai, cái tôi muốn nhấn mạnh, cái bao trùm lên là cải cách thể chế đã được làm tích cực trong năm 2015. Và 3 vấn đề đều có bước đi được định hướng mạnh hơn trong năm 2016. Dù biết trong 3 cuộc tái cơ cấu: đầu tư công, ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, chỉ có tái cơ cấu NH nổi trội lên nhưng ngân hàng là nơi cung ứng vốn, cũng là mạch máu cho nền kinh tế. Thể chế kinh tế nhất là môi trường kinh doanh đã tích cực và Chính phủ quyết tâm thay đổi mạnh trong năm 2016. Cái đó tôi đánh giá là một bệ đỡ nữa.
Hay quan hệ đối ngoại cũng nhiều thành công... Chúng ta góp phần thành công trong công cuộc tham gia hiệp định kinh tế đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng bệ đỡ thứ 3, tạo ra cơ hội, thời cơ cho nền kinh tế năm nay.
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Có 2 điều cần làm quyết liệt là khi bước vào nền kinh tế thị trường tất cả những doanh nghiệp có vốn nhà nước phải được giải quyết nhanh chóng, luật pháp cải tiến theo hướng xu hướng chung của thế giới. Thời gian trước các vấn đề cải cách được đưa ra nhưng thực hiện chưa mạnh. Dẫu sao tiền đề cải cách khối doanh nghiệp có vốn nhà nước đã được triển khai, năm 2016 cần thực hiện mạnh.
Nền kinh tế không nên duy trì theo hướng chỉ huy từ trên xuống. Chúng ta cần phải thoát khỏi tư duy này tạo thị trường cạnh tranh thực sự. Mình phải tôn trọng các sáng kiến tư nhân, để các thành phần kinh tế tự vận hành. Nền kinh tế phải trong sáng, về chính sách thuế, chính sách tiền tệ. Doanh nghiệp tự vận hành tự phát triển thì nền kinh tế cần có thông tin, và thông tin cần minh bạch để ai cũng có thể được tiếp cận như nhau.
Ông Vũ Tiến Lộc: Cùng với quyết tâm cải cách hành chính, cải cách tư pháp thì một trọng tâm đang có và cần được đẩy mạnh nữa là cải thiện môi trường kinh doanh.
Bước sang năm 2016, với những nhiệm vụ trọng tâm chuẩn bị tích cực cho việc thực thi các hiệp định thương mại tự do. Cơ hội mở ra đồng nghĩa với gánh nặng của hội nhập cũng đè lên vai cả các cơ quan Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.
Theo các ông, áp lực gì sẽ đặt ra trong 2016 lãi suất, nợ xấu, hay là nút thắt ngân sách khi giá dầu dự báo giảm?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Bối cảnh kinh tế toàn cầu đang biến động khôn lường. Chẳng hạn đồng Nhân dân tệ được đưa vào rổ tiền tệ thanh toán quốc tế, biến động giá dầu xuống thấp, giá vàng xuống thấp, khủng hoảng trên thế giới, chiến dịch chống khủng bố của Tây phương. Tất cả những chuyện này là vấn đề nóng của năm 2016. Ngoài ra đó là cuộc khủng hoảng nhập cư từ châu Phi, xung đột quân sự nghiêm trọng.
Nền kinh tế trong nước tuy có tiền đề tốt nhưng đối diện với nhiều thay đổi trên thế giới cũng sẽ bị tác động nhất định. Đồng Nhân dân tệ mất giá và nền kinh tế Việt Nam vì vậy cũng không thể ngồi yên, tỷ giá chịu thêm áp lực. Điều quan trọng là chúng ta có đệm để giảm sốc, và tận dụng các tiền đề như thế nào để hạn chế tối đa ảnh hưởng.
Ngoài ra hiện tại nền kinh tế Việt Nam cũng có nhiều khó khăn nữa có lãi suất cao, nợ công cao. Từ đây dẫn đến câu chuyện hai mặt của đồng tiền. Vì chính phủ cần tiền, Chính phủ bán trái phiếu ra với lãi suất cao, mà Chính Phủ phát hành trái phiếu thì lãi suất trên ngành ngân hàng không thể giảm được.
Vấn đề thứ hai là nền kinh tế lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu, đang gặp vấn đề: mặt hàng nông thủy sản giảm về giá, rào cản kỹ thuật ngày càng cao. Hai điều này khiến cho xuất khẩu ảnh hưởng.
Về ngân hàng, các ngân hàng đang được tái cơ cấu nhưng đâu đó vấn đề yếu kém chưa được xử lý xong. 3 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước mua lại vẫn hoạt động cầm chừng. Những ngân hàng như Eximbank, Sacombank, hay DongA bank … các bùi nhùi giờ mới xuất hiện. Thành ra hệ thống ngân hàng vẫn còn dở dang. Nợ xấu bán cho Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng VAMC, trên sổ sách nợ xấu được đưa về dưới 3%, nợ xấu được dọn ở sổ sách ngân hàng song trên thực tế, nợ xấu chưa có hướng đi. Chuyển từ kho ngân hàng sang kho VAMC.
Còn về vấn đề giá dầu, nguồn cung tăng khiến cho các nước xuất khẩu dầu bị ảnh hưởng trong đó có cả Việt Nam. Vấn đề ngân sách đã khó lại thêm khó khăn, thất thu ngân sách trong thời điểm chi ngân sách chưa tiết kiệm. Vấn đề của kinh tế Việt Nam là vấn đề nợ quốc gia và chi ngân sách. Nền kinh tế thực sự gặp nhiều thách thức mặc dù cơ hội không phải là hiếm.
Ông Lưu Bích Hồ: Tôi muốn quay trở lại với vấn đề lạm phát. Lạm phát phản ánh năm 2015 thấp nhưng phản ánh sức cầu tiêu dùng hạn chế, chưa kích thích tăng trưởng. Ở đây tôi không nói là lạm phát để tăng trưởng kinh tế mà cốt lõi chúng ta cần tăng phần cầu hợp lý hơn, tiêu thụ nguồn cung. Tiêu thụ ở đây là tiêu thụ vốn, tăng năng lực sản xuất…
Về mặt giá cả, giá dầu, giảm thu NSNN nhưng chi tiêu chưa thật tốt. Nghĩa là, để thực hiện tốt yêu cầu của Chính phủ, Quốc hội, đáng lẽ các địa phương phải hạn chế chi tiêu hơn nhưng các địa phương xin xây dựng các công trình nghìn tỷ vô cùng lãng phí, cử cán bộ đi học vào thời điểm hoàng hôn nhiệm kỳ…. Vấn đề ngân sách sẽ được đặt ra trong năm 2016.
Tạo môi trường cạnh tranh để doanh nghiệp phát triển
Ông Vũ Tiến Lộc: Hiện nay chúng ta có một cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển khá mạnh, khá đông đảo nhưng để hội nhập còn yếu. Chúng ta có số lượng đông nhưng chưa mạnh, 96% là doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, 2% doanh nghiệp quy mô vừa, và 2% là doanh nghiệp lớn.
Chúng ta chưa có nhiều doanh nghiệp lớn là điều dễ hiểu và các nước trên thế giới đều như vậy. Nhưng khu vực doanh nghiệp vừa mà chỉ chiếm 2% là điểm yếu quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Làm sao để khu vực doanh nghiệp trong nước lớn lên được, làm sao để chúng ta có nhiều doanh nghiệp có thể tham gia liên kết chuỗi giá trị toàn cầu đó chính là thách thức lớn nhất của nền kinh tế hiện nay. Chúng ta mở cửa, chúng ta hội nhập nhưng vấn đề chính làm thế nào để khu vực kinh tế lớn mạnh hội nhập mới quan trọng.
Vấn đề cốt lõi nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, thì không chỉ khu vực doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước mà có tính chất quyết định là nâng cao năng lực cạnh tranh của DN tư nhân. Làm sao chúng ta có doanh nghiệp tư nhân đủ mạnh để trở thành đối tác, của các FDI trong quá trình phát triển và khai thác lợi thế của các hiệp định tự do đó là vấn đề then chốt.
Trong diễn đàn doanh nghiệp thường niên cuối năm 2015, tôi từng nói: Doanh nghiệp cô đơn trong hội nhập. Vậy cần có thay đổi hay làm gì để giúp doanh nghiệp trong năm 2016. Các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chưa đủ mức và chưa đủ tầm. Một mặt nguồn lực của chúng ta dành cho hỗ trợ DNNVV chưa đủ mức , mặt khác các hiệu quả công tác hỗ trợ DNNVV, các mô hình hỗ trợ DNNVV cũng chưa đủ yêu cầu cho nên chưa thực sự khuyến khích được DNNVV lớn lên được. Các doanh nghiệp chủ yếu vấn động bằng nội lực.
Ở khía cạnh 2, các DN có vốn đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam nhưng họ tồn tại như ốc đảo ở Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam không trở thành đối tác của họ, chúng ta xuất khẩu nhiều nhưng 70% là do khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, linh hiện phụ tùng của họ nhập từ nước ngoài mà không phải từ nguồn cung của doanh nghiệp nội địa.
Có mặt hàng xuất khẩu, nguyên liệu đầu vào nhập từ 90% nước ngoài. Như vậy, nếu như công nghiệp hỗ trợ không phát triển thì giá trị gia tăng của nền kinh tế thấp, tức là DNNVV đứng ngoài lề của sự vận hành, đứng ngoài lề của sự phát triển.
Việc nâng cao năng lực DNNVN là yêu cầu khẩn thiết hiện nay. Muốn nâng cao khả năng kết nối một mặt cần chính sách hỗ trợ của chính phủ. Các chính sách hỗ trợ ngành hàng, các chính sách hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị chứ không hỗ trợ cá biệt. Hỗ trợ DNNVV lớn lên nâng cao năng lực cạnh tranh. Mà cái quan trọng hơn là DNNVV phải đạt được chuẩn mực quản trị toàn cầu. Quy mô là quan trọng, nhưng chuẩn mực còn quan trọng hơn.
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Có nhiều doanh nghiệp nói họ chưa nhận được nhiều hỗ trợ, họ cô đơn, nhưng điều này chỉ đúng một nửa. Các doanh nghiệp phải tự tạo ra những sân chơi cho mình, không thể chờ ban phát từ Nhà nước. Doanh nghiệp lúng túng thì họ phải tự mày mò, đưa ra sáng kiến, Nhà nước sẽ không thể dẫn tay doanh nghiệp đưa vào hội nhập được.
Thứ nữa trong câu chuyện hội nhập DN đang quá thụ động. DN phải mạnh dạn hơn nữa, tự tìm kiếm tự tìm cơ hội cạnh tranh cho chính mình
Một điều nữa, theo tôi là DN phải chung sức cùng nhau, cần thiết lập cách làm việc chung cùng nhau. Thực trạng kinh doanh hiện nay là mỗi anh một ý, ở trong lãnh thổ hoạt động tốt nhưng ra ngoài lãnh thổ làm bạn với nước bạn thì phân tán và manh mún. Đấy là điều hạn chế của DN cần khắc phục.
Doanh nghiệp sản xuất thép tăng năng lực để cạnh tranh.
Ông Lưu Bích Hồ: Theo tôi DN phải tự gồng mình lên trên cơ sở thể chế Nhà nước đang thay đổi để hỗ trợ DN.
Chúng ta đang nói nhiều về vấn đề giúp đỡ DN. Và quan điểm của tôi là Nhà nước tạo môi trường, Nhà nước không thay đổi được làm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm nhũng nhiễu thì DN không kinh doanh được. Nhưng quan trọng hơn là DN cũng cần đồng hành cùng Nhà nước, phải gồng lên tự thay đổi. Thay đổi con người, nhập khẩu công nghệ, cái đó chỉ có DN mới tự làm được, không ai làm thay DN. DN phải có tinh thần khởi nghiệp và tinh thần kinh doanh.
Năm 2016 cơ hội nhiều, thách thức cũng không ít. Theo các ông, giải pháp nào cần thực hiện để kinh tế tăng trưởng tốt hơn?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi để đưa nền kinh tế và cả hệ thống chính trị xã hội Việt Nam lên tầng nấc mới thì cải cách thể chế kinh tế là chìa khóa. ACE, TPP mở ra cánh cửa nhưng chui qua cánh cửa được không còn tùy thuộc vào nền kinh tế. Đó là cơ hội để mình cải tiến, cải tổ nhưng thay đổi được được hay không là tùy thuộc vào chính Việt Nam.
Ông Lưu Bích Hồ: Cải cách thể chế kinh tế là cái thứ nhất, làm cho nền kinh tế đồng bộ hơn. Đây là nút thắt và mình cần phải thay đổi mạnh hơn.
Trong thực tế, nhìn diễn biến từ năm 2015 chúng ta thấy quyết tâm của Chính phủ rất lớn, nhưng sức ép đòi hỏi cải cách từ bên trong cũng rất mạnh. Cùng với đó sức ép bên ngoài với tiến trình hội nhập. Chúng ta hoàn toàn có căn cứ, có niềm tin để thực hiện cải cách.
Tôi nghĩ, nhiều người đang cùng suy nghĩ như tôi, có một hi vọng chưa dám nói: Đại hội Đảng vào năm 2016 này sẽ tạo ra bước chuyển lớn. Giống như bà Victoria Kawakawa nhận định Việt Nam cần mạnh mẽ hơn về cải cách, trong trung hạn và dài hạn Việt Nam có nhiều tiềm năng để tăng trưởng tốt hơn nữa. Các tổ chức kinh tế thế giới đã có những nghiên cứu rất kỹ trước khi đưa ra nhận định.
Bên cạnh đó tôi cũng muốn nói thêm về bộ máy nhân sự năm 2016, con người quyết định tất cả. Năm 2016 chúng ta quyết làm những điều đã nói.
Năm 2016 Chính phủ cũng đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5% - 7% . Có nhiều ý kiến bình luận đây là con số cao, vì chúng ta còn phải giành nguồn lực tái cơ cấu, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất. Mình cần có thời gian mới chuyển được tăng trưởng từ lượng sang chất nhưng tôi tin khi giải quyết được mấu chốt thể chế thì sẽ có nhiều kết quả.
Trân trọng cảm ơn các ông!