Chiều ngày 13/12/2016, Hội nghị Bàn tròn “Thủ tướng với Mạng lưới Chuyên gia toàn cầu về Phát triển Việt Nam” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Nhóm Sáng kiến Việt Nam đồng tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Ảnh: NLĐ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Lãnh đạo các Bộ/ngành, cơ quan nghiên cứu-tham mưu, mạng lưới chuyên gia, học giả trong và ngoài nước.
Đây là một trong nhiều hội nghị tham vấn chính sách cho Chính phủ với sự tham dự của đông đảo chuyên gia quốc tế và tri thức Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức, góp phần tích cực tạo kênh đối thoại quan trọng để tri thức Việt Nam ở nước đóng góp ý kiến phản biện vào quá trình hoạch định và điều hành chính sách của Chính phủ.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Nhóm Sáng kiến Việt Nam với mạng lưới các chuyên gia, học giả toàn cầu đã quan tâm đến sự phát triển của Việt Nam và mong muốn tham mưu cho Chính phủ trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh tri thức là nguồn lực vô cùng quan trọng của đất nước. Đảng và Nhà nước hoan nghênh và khuyến khích các chuyên giả, học giả, trong đó có tri thức nước ngoài với kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm dày dặn, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.
Hội nghị đã thảo luận về ba chủ đề: Định vị Việt Nam trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; Chính sách công nghiệp cho Việt Nam trong giai đoạn tới; Phá bỏ điểm nghẽn tăng trưởng và kiến tạo phát triển. Đây là những vấn đề Việt Nam đang rất quan tâm thúc đẩy nhưng quá trình thực hiện vẫn còn gặp nhiều trở ngại, khó khăn.
Giáo sư Ricardo Hausmann, Giáo sư tại Đại học Harvard, có bài trình bày ấn tượng về mô hình phân tích cấu trúc của nền kinh tế thông qua đánh giá về sự đa dạng năng lực sản xuất, độ phức tạp của các sản phẩm xuất khẩu và mối liên hệ mật thiết với tăng trưởng của một quốc gia. Mô hình này không chỉ đánh giá theo ngành, hàng mà còn giúp đánh giá lợi thế theo vùng miền, địa phương, từ đó đóng góp “kiến thức” đầu vào cho quá trình hoạch định chính sách, chiến lược phát triển ngành, hàng, quy hoạch vùng, miền hợp lý nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trên cả ba cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm.
Giáo sư Trần Văn Thọ, Giáo sư tại Đại học Waseda, trong tham luận của mình về chính sách công nghiệp hoá của Việt Nam cho giai đoạn mới, đặc biệt nhấn mạnh Việt Nam phải đẩy mạnh công nghiệp hoá vừa theo diện rộng vừa đi vào chiều sâu. Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, việc tránh được bẫy gia công khi tham gia chuỗi giá trị là một thách thức không nhỏ, đang là mối quan tâm, trăn trở của các nhà hoạch định chính sách.
Phó Giáo sư Trần Ngọc Anh, Giáo sư tại Đại học Indiana, trong công trình nghiên cứu của mình đã chỉ ra những điểm nghẽn đang tồn tại trong hệ thống kinh tế Việt Nam hiện đại. Những điểm nghẽn này rõ ràng đang cản trở Việt Nam phát triển kinh tế một cách bền vững cần phải được phá bỏ. Phó Giáo sư khuyến nghị Chính phủ cần phải xây dựng một hệ thống đánh giá hiệu quả hoạt động của Chính phủ với các chỉ số đo lường chất lượng cụ thể nhằm hướng tới một chính phủ kiến tạo, phục vụ và hành động.
Thủ tướng thể hiện sự quan tâm đến các chuyên gia, nhà khoa học trong nước. Ảnh: NLĐ.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp tích cực của các chuyên gia, học giả quốc tế và tri thức Việt Nam ở nước ngoài về các vấn đề Việt Nam đang theo đuổi và còn nhiều trăn trở. Thủ tướng nhấn mạnh xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp là tôn chỉ hành động của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua. Thực tiễn 30 năm đổi mới Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế và phát triển, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh Chính phủ phải thẳng thắn nhìn nhận quá trình phát triển đang bộc lộ nhiều hạn chế, yếu điểm, với việc xuất hiện các điểm nghẽn tăng trưởng. Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ hiện tại là Chính phủ “lắng nghe”, lắng nghe người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là từ các nhà khoa học quốc tế, trong nước, lắng nghe để hành động hiệu quả, thực chất hơn.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị các Bộ, ngành tham khảo và nghiên cứu các đề xuất của các chuyên gia, học giả; đề nghị duy trì kênh đối thoại thường niên giữa tri thức quốc tế và tri thức Việt Nam ở nước ngoài với Chính phủ để cùng chung tay xây dựng đất nước, hỗ trợ Chính phủ tháo gỡ khó khăn, phá bỏ điểm nghẽn, khơi thông dòng chảy, đẩy mạnh đổi mới, hướng tới tương lai.
Đặt tại trường chính sách công SPEA (School of Public and Environmental Affairs), đại học Indiana Bloomington, Sáng kiến Việt Nam là một tổ chức hàn lâm độc lập, phi chính phủ, phi chính trị với sứ mệnh thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam. Sáng kiến Việt Nam có mạng lưới các chuyên gia, học giả đến từ trên 40 trường đại học lớn, các công ty luật, các tổ chức quốc tế ở Hoa Kỳ cũng như trên toàn thế giới; đã có nhiều công trình nghiên cứu về phát triển Việt Nam và tổ chức thành công một số chương trình lớn để giảng dạy và đào tạo cho đội ngũ các cán bộ, công chức Việt Nam.