Ngày 27/11, tại Thanh Hóa, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đã tổ chức Tọa đàm “Áo dài Việt từ lịch sử đến đương đại”.
Áo dài Việt.
Một lần nữa, câu chuyện cách tân của Áo dài trong thế kỷ 21 với những quan điểm ủng hộ, phản bác đối với một số cách tân “mới”, “lạ” đã được các chuyên gia nghiên cứu lịch sử trang phục đưa ra bàn luận.
Mở đầu buổi tọa đàm, nhà nghiên cứu, nhà sưu tập trang phục Trịnh Bách đã cung cấp thông tin sơ lược về quá trình hình thành, phát triển của áo dài Việt Nam, qua đó ông cũng khẳng định: Áo dài của Việt Nam có trước áo dài Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Trịnh Bách thì nhiều người đang nhầm lẫn giá trị của chiếc áo dài, đơn cử như xu hướng may áo dài hiện nay mà chúng ta hay gọi là cách tân.
“Với quan điểm cá nhân, tôi không coi đó là cách tân. Bởi vì cách tân là phải bám vào nét truyền thống, mà những chiếc áo dài cách tân trên thị trường hiện nay, nhiều thiết kế không có được điều đó. Các nhà thiết kế đưa những sáng tạo mới vào, đôi khi còn phảng phất nét của Ấn Độ hay Trung Quốc…
Tọa đàm “Áo dài Việt từ lịch sử đến đương đại”.
“Có nhiều người tưởng nhầm rằng tà áo dài của Việt Nam bắt chước áo sườn xám của Trung Quốc. Áo sườn xám của Trung Quốc phải đến mãi thập niên 1920 do bà Tống Mỹ Linh, vợ của ông Tướng Giới Thạch may theo áo của Việt Nam. Chiếc áo này được cắt tay đi, hạ xẻ xuống giữa đùi để họ không phải mặc quần”, Nhà nghiên cứu Trịnh Bách khẳng định.
Đồng quan điểm, đại diện nhóm Đình làng Việt, họa sĩ Nguyễn Đức Bình cho rằng “Thời gian vừa qua, chúng ta đã nhầm lẫn về giá trị của chiếc áo dài nam. Chẳng hạn như xu hướng may áo dài mà người ta vẫn gọi là “áo dài cách tân” là hoàn toàn sai. Tôi từng nghe nhiều người nói rằng áo dài cách tân nhanh, gọn, tiện lợi, có thể mặc sơ mi bên trong cũng được. Như vậy là không đúng!”.
Cũng theo hoa sĩ Nguyễn Đức Bình thực tế bộ trang phục truyền thống của bất kỳ quốc gia nào cũng có sự cầu kỳ. Chính sự cầu kỳ mới chứa đựng tinh hoa dân tộc. Chiếc áo cũng là sự hội tụ tinh hoa của người đàn ông Việt. Thực chất, chiếc áo dài nam của người đàn ông Việt đã tối giản, mang tính giáo dục rất cao. Khi mặc bộ trang phục đó lên người, buộc chúng ta phải có phong thái nghiêm trang, đĩnh đạc. Áo dài của cả nam và nữ hiện nay thường do nhà may định hướng, theo nhu cầu xã hội. Vì vậy, nhiều dáng áo dài cách tân được khuyên dùng, thay thế những dáng áo cổ truyền xưa.
“Theo tôi, cách tân hay truyền thống đều nằm ở sự tinh tế trong từng chi tiết. Cái đẹp thể hiện trong tạo hình, đạo đức, ở sự kín đáo chứ không phải phô ra. Áo dài nữ vẫn giữ được cái đẹp truyền thống bên cạnh sự cách tân do nó thể hiện được sự duyên dáng của phái nữ; giống như áo dài nam dù qua thời gian biến đổi và phát triển vẫn thể hiện được vẻ đàng hoàng mà sang trọng của nam giới” ông Nguyễn Đức Bình nói.
Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến phản đối, theo nhà văn Trương Quý, sự biến tấu của áo dài trong giới trẻ hiện nay chúng ta phải chấp nhận. “Chúng ta cũng không nên chăm chăm cho rằng chỉ nên có một kiểu áo dài. Theo tôi, đến một lúc nào đó, chúng ta nên có tư duy thay đổi, chấp nhận cả những sự khác lạ như ý kiến của một nhà báo từng nói về niềm mơ ước được thấy trở lại áo dài trần bông trên đường phố trong thời gian không xa. Vấn đề cần quan tâm là, chúng ta đừng làm quá lố mà thôi”.