Quốc tế

Băng Nam Cực đang tan nhanh

Thanh Đức 15/04/2024 07:01

Cùng với dự báo mùa hè 2024 sẽ cực nóng, việc băng tan nhanh ở Nam Cực càng cho thấy biến đổi khí hậu ngày một rõ rệt.

anhbaitren(2).jpg
Chim cánh cụt - loài được cho là duy nhất có thể “định cư” được ở Nam Cực. Nguồn: Sputnik.

Truyền thông quốc tế đưa tin, Cơ quan Nam Cực Australia từng thực hiện thành công “sứ mệnh giải cứu” 1 trong 3 trạm nghiên cứu ở khu vực băng giá nhất Trái đất với sự hỗ trợ của 1 tàu phá băng khổng lồ và 2 trực thăng quân sự.

Ông Robb Clifton - người dẫn đầu chiến dịch giải cứu cho biết, tàu phá băng RSV Nuyina khởi hành từ Tasmania (Australia) phải vượt qua quãng đường hơn 3.000km trước khi đến được Petersen Bank, điểm cách trạm nghiên cứu Casey khoảng 145km. Trong khi đó, 2 trực thăng chở theo đội ngũ y tế hạ cánh xuống trong sự đe dọa của những núi băng. Một nhà khoa học mắc bệnh đã được trực thăng đưa về tàu RSV Nuyina. “Đó không chỉ là một cuộc giải cứu tốn kém mà còn là sứ mệnh nguy hiểm bậc nhất. Vì chỉ nghĩ đến vùng đất băng giá Nam Cực, người ta cũng đã đủ rùng mình” - ông Clifton nói.

Từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm, Nam Cực gần như chìm vào bóng tối vĩnh cửu, với ánh sáng mặt trời chỉ le lói chút ít trong ngày. Nhiệt độ Nam Cực vào mùa đông có thể xuống thấp đến -37 độ C. Trong mùa đông của Nam bán cầu, chỉ có khoảng 20 người được phép làm việc ở Nam Cực.

Tuy nhiên, tình hình đang thay đổi rất nhanh. Giáo sư Michael Meredith (Cơ quan Khảo sát Nam Cực, Anh) cho biết: "Thật là khó tin khi nhiệt độ ở Nam Cực tăng vọt. Những núi băng vĩnh cửu tan ra. Đó là diễn biến bất thường và thực sự đáng lo ngại, đẩy loài người đến chỗ phải đối mặt với một vấn đề chưa hề có tiền lệ".

Nguyên nhân chính được cho là do các cơn gió ấm từ đại dương thổi về Nam Cực đã gây ra các đợt sóng nhiệt cực đoan.

Giáo sư Martin Siegert - người chuyên nghiên cứu sông băng của Đại học Exeter (Anh) cảnh báo, nếu toàn bộ băng ở Nam Cực tan chảy, mực nước biển trên toàn cầu sẽ dâng cao từ 60 - 70m. Khi đó, các hòn đảo và vùng ven biển - nơi phần lớn dân số sinh sống sẽ bị nhấn chìm toàn bộ. Đáng lo ngại khi mà nhiều nghiên cứu cho thấy Bắc Cực hiện đang nóng lên với tốc độ gấp 4 lần so với phần còn lại của hành tinh. Nhưng Nam Cực bắt đầu bắt kịp khi tăng nhiệt độ nhanh gấp đôi, dẫn đến mối nguy lớn cho khu vực và phần còn lại của Trái đất.

Dải băng ở Nam Cực bao phủ 14 triệu km2, gần bằng diện tích Mỹ và Mexico cộng lại, và chứa khoảng 30 triệu km3 băng - khoảng 60% nước ngọt của thế giới. Lớp băng phủ rộng lớn này che giấu một dãy núi cao gần bằng dãy Alps ở châu Âu. Tất nhiên là để vùng băng này tan hết cần rất nhiều năm, nhưng theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), thì mực nước biển có khả năng tăng từ 0,3m đến 1,1m vào cuối thế kỷ 21 do sự tan chảy của những khối băng.

Một nghiên cứu đăng trên chuyên san Science Advances cuối tuần đầu tháng 4/2024 cho rằng có đến 71 trong số 162 thềm băng bao quanh Nam Cực đã sụt giảm khối lượng từ năm 1997 đến nay, làm bốc hơi 7.500 tỷ tấn khối băng.

Tiến sĩ Benjamin Davison - nhà khoa học của Đại học Leeds (Anh) cho hay, kết quả nghiên cứu cung cấp bức tranh phức tạp về tình trạng hao hụt của các thềm băng Nam Cực. Nhóm của ông quan sát được gần như phân nửa số thềm băng đang tan rã mà không có dấu hiệu hồi phục. Điều này đến từ nhiệt độ đại dương và các luồng hải lưu xung quanh Nam Cực. Tình hình càng mịt mù hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tăng tốc.

Do khí hậu lạnh giá khắc nghiệt, tới nay Nam Cực vẫn là vùng đất bí hiểm nhất hành tinh. Nhiều người lầm tưởng đây là quê hương của loài gấu trắng như ở Bắc Cực, nhưng thực tế Nam Cực chỉ có khoảng 19 loài chim cánh cụt sinh sống. Có tới 98% diện tích Nam Cực bị băng tuyết bao phủ, lớp băng “mỏng” nhất ở đây cũng tới 1,6km, còn nơi dày nhất lên tới 3,5km.

Nam Cực là nơi duy nhất trên Trái đất không có loài bò sát sinh sống. Là nơi không có người định cư, tới nay cũng chỉ có khoảng gần 1.000 người sống và làm việc tại các trạm nghiên cứu trong thời gian ngắn.

“Ở đây không có cây ATM nào cả. Vì không ai cần dùng đến tiền. Tất cả mọi thứ phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt của con người đều được vận chuyển đến từ những nơi cách xa hàng nghìn cây số” - tiến sĩ Benjamin Davison nói.

Ngày 28/1/1820, đoàn thám hiểm Nga do Thaddeus Bellingshausen và Mikhail Lazarev dẫn đầu tuyên bố đã khám phá ra Nam Cực, mở đường cho các công cuộc nghiên cứu tiếp sau. Ngày 14/12/1911, nhà thám hiểm người Na Uy Roald Amundsen trở thành người đầu tiên đến Nam Cực. Tháng 12/2013, Metallica tổ chức buổi hòa nhạc đầu tiên ở Nam Cực. Từ năm 1960 đến 1972, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Nam Cực hoạt động tại Trạm McMurdo, trung tâm nghiên cứu và định cư lớn nhất do Mỹ sở hữu. 1.150 loài nấm đã được tìm thấy trong những lớp băng đồ sộ ở Nam Cực. Chúng “ngủ yên” trong nền nhiệt độ cực thấp và thời gian đóng băng, rã đông kéo dài. Người ta đã ghi nhận được nhiệt độ thấp nhất ở Nam Cực là -89,2 độ C vào ngày 21/7/1983.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Băng Nam Cực đang tan nhanh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO