Ngày 1/12, nhóm nghiên cứu khí hậu của Liên hợp quốc (LHQ) đưa ra cảnh báo, các trận bão cát và bụi đang xuất hiện với tần suất dày hơn một cách đáng ngại ở nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt là tại Trung Đông.
Nhà nghiên cứu thời tiết Malcom Lafayett mô tả, cảnh tượng những đám mây đen chứa đầy cát và bụi nhấn chìm mọi thứ trên đường đi và biến ngày thành đêm là một trong những điều đáng sợ nhất của thiên nhiên. Vài tháng qua, hiện tượng này đã càn quét và tàn phá nhiều nơi từ Bắc Á, Trung Á đến châu Phi cận Sahara.
LHQ cho rằng, bão cát và bụi là thách thức lớn cản trở sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, tần suất và cường độ của hiện tượng thời tiết cực đoan này có thể giảm bớt nhờ hành động của con người.
Ibrahim Thiaw - thành viên chủ chốt của Công ước LHQ về chống sa mạc hóa (UNCCD) cho rằng, bão cát và bụi là một hiện tượng tự nhiên phổ biến và xảy ra theo mùa ở một số vùng, song vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn do sự yếu kém trong quản lý đất và nước, tình trạng hạn hán và biến đổi khí hậu.
Còn theo ông Feras Ziadat - Chủ tịch Liên minh chống bão cát và bụi của LHQ, bão cát và bụi ngày một diễn ra với tần suất dày hơn và cường độ nghiêm trọng hơn, gây ra tác động xuyên biên giới, ảnh hưởng đến môi trường, khí hậu, sức khỏe, nông nghiệp, sinh kế và cuộc sống của người dân.
Tại các khu vực nguồn, bão cát và bụi phá hoại mùa màng, ảnh hưởng đến vật nuôi và cuốn đi tầng đất bề mặt. Đáng sợ hơn khi chúng kết hợp với tình trạng ô nhiễm công nghiệp sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe con người, nhất là các bệnh về đường hô hấp. Thông tin liên lạc, sản xuất điện, giao thông vận tải và chuỗi cung ứng cũng có thể bị gián đoạn do tầm nhìn hạn chế.
Dẫn lại sự cố xảy ra vào đầu tháng 5 năm nay tại Illinois (Mỹ), một trận bão cát đã gây tai nạn liên hoàn hơn 90 xe ô tô trên xa lộ, khiến 6 người thiệt mạng, 30 người bị thương; ông Feras Ziadat nhấn mạnh, đó chính là lời cảnh báo nghiêm khắc trước nạn bão cát và bụi ngày một nhiều hơn.
Ngày đầu tháng 6 năm nay, một trận bão cát lớn “chỉ thoáng qua” thủ đô Cairo của Ai Cập cũng đã đủ khiến 1 người thiệt mạng, 5 người khác bị thương. Trên các tuyến giao thông, xe cộ ùn ứ. Người dân và các công sở nhất loạt đóng kín cửa. Bầu trời Cairo đỏ ối. Quét qua Cairo, trận bão cát lại tràn về Kênh đào Suez, vùng Ismailia và Bán đảo Sinai, khiến nhiều con đường, bến cảng và bãi biển trên khắp Ai Cập phải đóng cửa.
Tờ Al-Ahram dẫn lời bà Eman Shaker - người đứng đầu Trung tâm Viễn thám của Cơ quan Khí tượng Ai Cập (EMA), nguyên nhân bão cát là do áp thấp nhiệt hình thành ở khu vực sa mạc phía tây đi kèm với gió Khamaseen - loại gió cát nóng và khô. “Điều này được dự bão sẽ diễn ra thường xuyên hơn, khi mà sa mạc ngày càng mở rộng do ngày một ít mưa” - bà Shker nói.
Tại Iran, hồi giữa tháng 7/2023, một cơn bão cát bất ngờ ập đến, khiến 1.047 người phải nhập viện do khó thở. Hãng thông tấn IRNA đưa tin, số người phải đến các trung tâm y tế tại tỉnh Sistan và Baluchestan (đông nam Iran) gây ra tình trạng kẹt cứng. Họ nhập viện trong tâm trạng hoảng hốt. Nhiều người kể lại, mắt họ nhắm nghiền, đau nhức, chỉ nghe bên tai tiếng cát rào rào.
Đáng chú ý, 10 ngày trước đó, cũng tại hai địa phương trên, một trận bão cát kéo dài tới 5 ngày khiến đất trời tối tăm mù mịt.
Truyền thông địa phương cho biết, bão cát không phải là điều khác thường ở tỉnh Sistan và Baluchestan, nhưng việc xuất hiện nối tiếp nhau và kéo dài nhiều ngày là rất hiếm gặp. Ngay cả Thủ đô Tehran khi bão cát tràn đến đã phải đóng cửa các cơ quan chính phủ, tòa án, trường học phổ thông và trường đại học. Còn tại tỉnh Alborz, chính quyền phải thông báo khẩn cấp, ra lệnh đóng cửa tất cả các văn phòng, ngân hàng và các trung tâm khoa học và giáo dục “ngay lập tức”, do sự gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm không khí và cát bụi dày đặc.
Alborz, một cư dân Tehran cho biết, anh đã phải vội vã chạy trốn khi cơn bão cát ập đến. “Vừa chạy tôi vừa phải nhắm chặt mắt, cúi gằm mặt xuống không khác gì lũ đà điểu vùi đầu xuống cát vậy. Xung quanh tôi, mọi người cũng không khác gì. Có người còn nằm sấp xuống vỉa hè” - Alborz nói.
Còn bà Maneli, sinh sống tại tỉnh Alborz kể lại: Khi bão cát tràn tới, bà đang đưa con tới trường. Trường học đóng của. Hai mẹ con phải quay lưng lại chiều gió, đi giật lùi về nhà. “Về tới nhà, chúng tôi vội vã đóng chặt cửa. Cát cứ đập rào rào vào kính cửa sổ như muốn tìm đường chui và nhà tôi vậy” - bà Melani nói với phóng viên tờ Irna.
Tiến sĩ Ken Waters - chuyên gia dự báo thời tiết Mỹ cho biết, những cơn bão cát lớn được gọi là “haboobs” có nghĩa là “gió dữ” trong tiếng Arab. Haboobs có thể di chuyển hàng nghìn km, thậm chí vượt qua cả Thái Bình Dương.
Bão cát xuất hiện trong điều kiện thời tiết nóng và khô, nhiều nhất ở khu vực Trung Đông. Yếu tố để tạo ra cơn bão cát là bụi hoặc cát sẵn có trên bề mặt, những cơn gió thổi liên tục khiến cát bụi này chuyển động. Tốc độ gió ghi nhận ở những cơn bão cát khá thấp, chỉ khoảng 32 km/h. Tuy nhiên, cơn bão cát gây thiệt hại nặng nề cho hai thành phố Damascus (Syria) và Beirut (Lebanon) có tốc độ lên tới 97 km/h. Khi đó, nó trở thành thảm họa thiên nhiên.