Ngày 8/8, tại TP HCM, Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), cùng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo về “Sự tham gia của truyền thông, báo chí trong công tác bảo vệ trẻ em”.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đặng Hoa Nam- Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, trẻ em đang là đối tượng được cả xã hội quan tâm, do đó các vấn đề liên quan đến trẻ em luôn thu hút được sự chú ý của dư luận, đặc biệt các vấn đề về giáo dục, xâm hại trẻ gần đây có thể khiến dư luận dậy sóng. Thế nhưng, ông Nam cũng chỉ ra thực tế: “Vì đây là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, nên đôi khi việc áp lực đưa tin nhanh, nóng để đáp ứng nhu cầu cộng đồng có thể khiến báo chí vô tình xâm phạm quyền trẻ em, đặc biệt là xâm phạm đời sống riêng tư của trẻ em”.
Ông Nam lấy dẫn chứng về thông tin và hình ảnh của học sinh lớp 1 bị tử vong trên xe bus tại trường quốc tế Gate Way xuất hiện liên tục trên báo chí và internet xảy ra tại Hà Nội mấy ngày qua, chính là khía cạnh tin nóng được báo chí quan tâm. Các báo đã lấy được nhiều nước mắt và sự bức xúc của cộng đồng, tuy nhiên dù em bé đã tử vong, đây vẫn là hành vi xâm phạm quyền riêng tư của em và gia đình em, có thể gây nên những hệ luỵ lâu dài cho hình ảnh và gia đình em bé.
Một số ý kiến cũng cho rằng, ở một khía cạnh khác thì trong quá trình tác nghiệp để tạo nên những câu chuyện, những phóng sự hấp dẫn, một số phóng viên lại bỏ qua những hành vi xâm hại diễn ra với trẻ trong thời gian dài, và quên đi trách nhiệm thông tin, bảo vệ nạn nhân và công lý cho trẻ. Đôi khi, để truyền thông hiệu quả cho cả cộng đồng, chúng ta phục dựng lại câu chuyện mà nạn nhân trẻ em đã trải qua mà quên đi những tổn thương, sang chấn mà nạn nhân trẻ em sẽ phải gợi lại, và vô tình xâm hại các em một lần nữa. Chính vì thế, đây là thách thức cho các nhà báo trong việc đấu tranh về trách nhiệm để bảo vệ trẻ em. “Tôi mong báo chí luôn cân nhắc suốt trong quá trình tác nghiệp và tự hỏi có đang vì lợi ích tốt nhất của trẻ em hay không, có bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em trong mọi quyết định, mọi khả năng, hoàn cảnh liên quan đến trẻ em” - ông Đặng Hoa Nam chia sẻ thông điệp.
Tại Hội thảo, khi chia sẻ thách thức của báo chí trong việc tôn trọng và bảo vệ trẻ em hiệu quả, nhà báo Nguyễn Ngân từ Đài Truyền hình Việt Nam chia sẻ những khó khăn, trở ngại, các nguyên tắc và cả các lỗi của báo chí trong truyền thông, đưa tin về trẻ em. Nhà báo Nguyễn Ngân cũng nhấn mạnh có các “ranh giới” rất mong manh giữa đúng và sai trong các tranh luận về nghiệp vụ báo chí bảo vệ trẻ em không có gì hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai, nhưng nhà báo có tâm cần phải đặt lên trên hết lợi ích của trẻ để có thể viết bài có trách nhiệm.
Viện trưởng Viện MSD Nguyễn Phương Linh nhìn nhận, báo chí - truyền thông về chủ đề trẻ em dễ mà rất khó, đôi khi đó là sự day dứt và đấu tranh giữa nghiệp vụ của nhà báo và trách nhiệm của một công dân trong bảo vệ trẻ em. Bà Linh cho rằng: “Nhà báo có trách nhiệm trong việc góp phần xây dựng một hệ sinh thái bảo vệ trẻ em, chính vì thế, nhà báo cần có hiểu biết về quyền trẻ em, xác định cái tâm cái tầm của mình và có chiến lược lâu dài, sự bền bỉ và tâm huyết của những ngòi bút quyết tâm bảo vệ trẻ em trên cả 3 cấp độ: Giáo dục phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp”.
Còn ông Nguyễn Đình Thành- Giám đốc điều hành CSCI Indochina khuyến nghị về tính chân thực trên mạng xã hội là quá xa xỉ, báo chí cần đóng vai trò định hướng thông tin, điều chỉnh các thông tin sai, lệch chuẩn; lên án các hành vi xâm hại, tác động tiêu cực đến trẻ em; có trách nhiệm trong việc lựa chọn thông tin tích cực, lành mạnh hỗ trợ phát triển nhân cách trẻ và đặc biệt là khuyến khích xã hội và công dân hành động vì trẻ em.