Đó là nhận định được đưa ra tại diễn đàn “Báo chí và Doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc năm 2024” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 24/10 tại Hà Nội.
Báo chí và doanh nghiệp song hành
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, môi trường truyền thông, báo chí cũng là một phần của tổng thể môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Một môi trường truyền thông, báo chí lành mạnh, vừa truyền bá thông tin, kiến thức về kinh tế, về hoạt động doanh nghiệp (DN), vừa khích lệ, động viên tinh thần kinh doanh trong xã hội là yêu cầu then chốt, là nền tảng để thúc đẩy sự phát triển của các DN, truyền cảm hứng kinh doanh trong xã hội, góp phần vào tăng trưởng kinh tế đất nước.
Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền báo chí về kinh tế, về DN, doanh nhân, đảm bảo tính khách quan, trung thực, khích lệ tinh thần kinh doanh trong xã hội, hạn chế các hiện tượng tiêu cực và thông tin sai lệch, không chính xác ảnh hưởng đến DN có ý nghĩa quan trọng với cả hai phía DN và báo chí. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng và xây dựng một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn.
Ông Công cho hay, cần khơi dậy mạnh mẽ khí thế, tinh thần kinh doanh trong xã hội và trong cộng đồng doanh nhân, DN, thổi bùng lên khát vọng góp phần đưa nước ta bước sang “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, nắm bắt các cơ hội lịch sử đang mở ra để phát triển đất nước. Vì vậy, vai trò của báo chí, truyền thông trong việc truyền cảm hứng, khơi dậy khí thế kinh doanh là vô cùng quan trọng.
Cũng tại diễn đàn, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh chia sẻ, báo chí đã và đang là cầu nối hiệu quả, kịp thời giữa DN và nhà nước. Qua việc phản ánh thông tin trên báo chí, các cơ quan chức năng của nhà nước có thêm kênh thông tin để có thể lắng nghe ý kiến của DN kịp thời, toàn diện hơn. Không chỉ là kênh tuyên truyền chính sách mới của nhà nước, báo chí còn có vai trò ghi nhận thông tin DN, và ngược trở lại trở thành tiếng nói độc lập giúp DN phản hồi chính sách, nói lên nguyện vọng của thực tế nền kinh tế…
Vì thế, báo chí đã và đang là một kênh thông tin hữu hiệu cho nền kinh tế để giúp các chính sách của nhà nước theo kịp thời diễn biến nền kinh tế, ngày một hiệu quả hơn. Với những mối quan hệ biện chứng đa chiều trên, kết nối giữa báo chí và DN vừa là mối quan hệ phản biện, vừa tương hỗ, gắn bó không thể tách rời.
Mối quan hệ tương hỗ
Việt Nam hiện có 806 cơ quan báo chí. Mỗi năm có khoảng 49 triệu tin bài chỉ trên hạ tầng điện tử, sau đó lan tỏa thành hàng trăm triệu tin bài trên không gian mạng; sản xuất hơn 20 nghìn giờ phát thanh, hơn 50 nghìn giờ truyền hình phát sóng với nội dung đa dạng, bao gồm các thông tin kinh tế, DN.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, từ nhiều năm nay, đội ngũ báo chí vừa phải làm nhiệm vụ chính trị, vừa làm sứ mệnh trong tình hình kinh tế mỗi lúc một khó khăn khi mô hình kinh doanh cũ của báo chí đang có nhiều thay đổi. Trong hành trình cùng phục vụ xã hội và người dân, lợi ích của báo chí và DN không song trùng và xung đột, làm giảm sút niềm tin của 1 bộ phận người đọc và làm mối quan hệ không được xây dựng trên cơ sở trong sáng và minh bạch. Nhiều DN quy mô lớn chưa quan tâm nhiều đến công tác truyền thông, hình ảnh DN, dẫn đến việc giao dịch giữa DN và báo chí là những thương vụ đơn lẻ, từ đó làm giảm tính hấp dẫn và hiệu quả.
Trong khi đó, có một bộ phận báo chí nhìn vấn đề theo hướng tiêu cực, tạo sức ép với DN, gây áp lực lên các cơ quan quản lý phải tìm hiểu chi tiết, xử lý các thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng. Bên cạnh những DN làm tốt quan hệ với báo chí và có tầm nhìn dài hạn, vẫn còn nhiều DN chưa có sự quan tâm đầu tư đúng mức đầy đủ, thường nhắm đến lợi ích nhóm trước mắt làm mối quan hệ báo chí - DN có nguy cơ lệch hướng và phức tạp. Do đó, ông Lâm cho biết, nếu như chỉ nghĩ báo chí là kênh quảng cáo sản phẩm dịch vụ, hay là sự phiền phức, thì mối quan hệ này sẽ rất khập khiễng.
Đứng trước kỷ nguyên mới của đất nước với những cơ hội và điều kiện phát triển mới, ông Lâm nhận định, để báo chí và DN cùng đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, các bên cần tìm ra giải pháp để xác định lại mối quan hệ trên nền tảng vững chắc, minh bạch hơn để gia tăng kỳ vọng vào nhau.
Đồng thời, ông Lâm cho biết, báo chí và DN cần phối hợp để tăng cường trách nhiệm xã hội thông qua việc cùng hỗ trợ đưa ra các sản phẩm dịch vụ tốt, trong đó dịch vụ cung cấp thông tin cũng là dịch vụ cần đầu tư đúng mức để có các sản phẩm chất lượng cao. Hiện nay, để có các sản phẩm báo chí chất lượng cao cần có sự đầu tư nghiêm túc trên nhiều khía cạnh như công nghệ, phương tiện, hình thức thể hiện… gây áp lực lên nhiều cơ quan báo chí.
Ông Lâm cũng cho rằng, hai bên phải tìm kiếm sự thiếu hụt của nhau và bù lại những giá trị bằng nhiều phương thức hợp tác khác, không thể chỉ là mối quan hệ “làm phiền đến nhau” hoặc “bên này nghĩ bên kia quan trọng hơn”.
Giới chuyên gia khẳng định, để báo chí phát huy tốt vai trò của mình, tính trung thực và khách quan trong việc đưa tin cần được đề cao. Nhà báo cần kiểm chứng kỹ lưỡng thông tin từ nhiều nguồn trước khi công bố. Đối với lĩnh vực kinh tế, cần nâng cao trình độ chuyên môn của các phóng viên, đảm bảo phóng viên hiểu sâu về các vấn đề kinh doanh, đầu tư và thị trường. Cách thức đưa tin cũng cần cân bằng giữa thông tin tích cực và tiêu cực, tránh phiến diện và luôn cho DN cơ hội phản hồi trước khi kết luận.