Thông tin tại chương trình Nhịp cầu báo chí do Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức tại Hà Nội ngày 20/7, cho biết, lưu vực sông Mekong có diện tích khoảng 795.000 km2 với tổng dung lượng nước hàng năm là khoảng 475 tỉ m3.
Các trạm bơm ở Tiền Giang đang chuẩn bị để lấy nước ngọt (Ảnh: TTXVN).
Tuy nhiên, lượng nước phân bổ không đều theo không gian và thời gian. Trong tổng lượng nước hàng năm nói trên, Trung Quốc chiếm 16%, Myanmar 2%, Lào 35%, Thái Lan 18%, Campuchia 18% và Việt Nam 11%.
Nước sông Mekong dùng cho nông nghiệp, công nghiệp và các loại sử dụng có tiêu hao khác ở hạ lưu vực Mekong vào khoảng 60 tỉ m3 hay 12% lưu lượng trung bình hàng năm. Trong đó, nông nghiệp là ngành sử dụng nước chủ yếu trong hạ lưu vực Mekong hiện nay và được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong những thập kỷ tới.
Hiện khu vực hạ lưu vực có khoảng 11.420 dự án tưới đang hoạt động, tưới cho khoảng 4 triệu ha, trong đó 87% tưới cho lúa vụ mùa mưa, 31% tưới lúa trong mùa khô và 15% tưới cho các cây trồng khác. Diện tích này được dự báo sẽ tăng đáng kể trong vòng hai thập kỷ tới. Sự gia tăng này gắn liền với các kế hoạch mở rộng nông nghiệp và phát triển hệ thống tưới tiêu, thủy lợi của các quốc gia trong khu vực.
Hiện Thái Lan là nước có nhiều công trình tưới nhất (6.388) và diện tích tưới đứng thứ hai sau Việt Nam. Thái Lan dự định có 990 dự án nữa ở vùng Đông Bắc chủ yếu là chuyển/bơm nước từ sông Mekong. Từ 2010, Campuchia hướng đến mở rộng xuất khẩu lúa gạo và mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp. Kéo theo đó là sự mở rộng diện tích tưới từ 504 nghìn ha hiện tại lên 772 nghìn ha năm 2030 (tăng 53 %) và xây mới cho 6.000 ha.
Tại Lào, hiện có 2.333 dự án tưới với tổng diện tích tưới là 166 nghìn ha. Nước này đang đặt kế hoạch sẽ phát triển thêm 2.768 ha trong tương lai để tăng diện tích tưới cho các cây trồng khác trên vùng cao (lên 240%) và cho tưới lúa trong mùa khô (lên 460%), với tổng diện tích được tưới là 213 nghìn ha (theo kịch bản đến năm 2030).
Tại Việt Nam, diện tích tưới hàng năm hiện tại là gần 1,92 triệu ha (chiếm 48% tổng diện tích đất được tưới ở hạ lưu vực Mekong). Theo kịch bản phát triển đến 2030, sẽ có thêm 339 dự án tưới quy mô nhỏ ở lưu vực Sê San, Srepok với diện tích tăng thêm 125.165 ha.
Như vậy, nguồn nước trên sông Mekong được chia sẻ bởi nhiều quốc gia, rất cần có sự hợp tác, chia sẻ lợi ích, đặc biệt là phải tôn trọng các nước vùng hạ lưu của dòng sông. Nếu các quốc gia phía trên dòng sông thực hiện các dự án quy mô, trong đó có việc chuyển nước vào trữ trong các hồ chứa thì lượng nước về hạ lưu sẽ rất ít.
Chính vì thế, thời gian qua, lượng nước lũ về đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam đã giảm rõ rệt. Lượng nước lũ giảm cộng với tác động làm thay đổi chế độ dòng chảy lũ do việc tích nước và vận hành các đập thủy điện trên thượng lưu, hiện tượng lũ lớn hay “lũ đẹp” thường thấy trước đây ở Đồng bằng sông Cửu Long vì thế nay ít xuất hiện.
Đợt hạn hán lịch sử xảy ra vào mùa khô 2015-2016 tại hạ lưu vực Mekong nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam nói riêng là một minh chứng rõ nét.
“Rủi ro tiềm ẩn từ các dự án chuyển nước sông Mekong ảnh hưởng tới đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn. Các nhà khoa học cần vào cuộc để xây dựng các giải pháp ứng phó dù điều này là rất khó khăn do chưa có chính sách chung giữa các quốc gia”- bà Đặng Thị Hà Giang - chuyên gia Viện nước, Tưới tiêu và Môi trường cho biết tại chương trình Nhịp cầu báo chí.