Ngày 21/9, tại phiên họp pháp luật chuyên đề tháng 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Khẩn trương tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động
Liên quan đến việc Ban soạn thảo bổ sung một mục về thử nghiệm lâm sàng (mục 2, chương VIII), theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh, đây là chính sách mới đề xuất nhưng chưa có tổng kết, đánh giá tác động. Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Ban soạn thảo khẩn trương tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động và hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, thử nghiệm lâm sàng là nội dung mới, đây cũng là vấn đề chuyên môn rất quan trọng và là vấn đề cần thiết phải xử lý. Do đó, Ban soạn thảo cần cung cấp thêm thông tin, khẩn trương hoàn thành tất cả những yêu cầu đặt ra đối với việc bổ sung nội dung mới này. “Đây là yêu cầu của Luật Ban hành văn bản phạm pháp luật. Để trình ra Quốc hội đối với chính sách mới mà khi trình ban đầu Chính phủ hoặc cơ quan trình chưa đề xuất, nhưng trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý đặt ra vấn đề chính sách mới thì phải đánh giá tác động. Cần thì rất cần nhưng cũng phải đảm bảo yêu cầu”- ông Tùng cho hay.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phân tích, cái gì dùng trên con người, chưa làm đại trà thì làm thử từng bước, thử nghiệm lâm sàng. Có cận lâm sàng, có khám lâm sàng, rồi thử nghiệm lâm sàng có cả dùng người thử nghiệm và dùng máy để thử nghiệm trên người. Thử nghiệm trên máy cũng có các quy trình, quy phạm về mặt kỹ thuật rất kỹ... sau đó mới mở rộng ra những người tình nguyện, và còn xem có hợp với người Việt Nam không thì mới cho nhập, quy trình rất cẩn thận. Máy mà thế giới đã chạy rồi, cấp phép thì có thể miễn thử nghiệm mà dùng luôn, nhưng cái thế giới đang thử nghiệm thì rất khó.
“Ngay cả nhập thuốc cũng thế, cũng phải thử nghiệm, cũng phải có người tình nguyện, mà trước hết là đội ngũ cán bộ y tế, ngành y tình nguyện trước, sau đó mới đến những người đủ tiêu chuẩn thử nghiệm mới cho thử nghiệm”- ông Định lưu ý.
Giải trình về điểm mới so với nội dung Chính phủ trình ban đầu, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, lĩnh vực y tế được Đảng, Nhà nước, đặc biệt nhân dân, đội ngũ cán bộ y tế rất quan tâm, Chính vì vậy khi trình tại kỳ họp thứ 3, bộ đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để đưa vào báo cáo giải trình. Sau đó, tại hội nghị chuyên trách có rất nhiều nội dung mới được đưa ra và bổ sung.
“Chúng tôi nghĩ rằng điều này hoàn toàn phù hợp với quy luật thực tế. Bởi vì trong quá trình xây dựng luật chúng ta vẫn là cơ quan để làm sao tiếp thu được nhiều nhất, để giải quyết được nhiều nhất những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn và những vấn đề mới chưa được pháp luật quy định, để làm sao hoàn thiện dự án luật này mang tính chất đạt được hiệu quả cao nhất” - bà Lan nói.
Đề nghị cấm thu dung, khuyến mại người đến khám, chữa bệnh
Về các hành vi bị nghiêm cấm, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cấm hành vi thu dung, khuyến mại người đến khám bệnh, chữa bệnh. Về vấn đề này, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, có hai luồng ý kiến khác nhau.
Theo đó, ý kiến thứ nhất cho rằng không nên cấm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, khuyến mại vì việc này phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Còn ý kiến thứ hai cho rằng, khuyến mại nếu áp dụng với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh sẽ có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh, gây lãng phí xã hội cần quy định cấm tương tự như cấm khuyến mại thuốc chữa bệnh trực tiếp cho người dùng.
“Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, đây là vấn đề phức tạp và cần tiếp tục nghiên cứu thực tiễn để cụ thể hóa, bổ sung vào các quy định cấm cho phù hợp”- Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho hay.
Liên quan đến vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị, cấm khuyến mại đối với dịch vụ khám, chữa bệnh. Vì việc khuyến mại này có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh. “Cần quy định cấm tương tự như cấm khuyến mại thuốc chữa bệnh trực tiếp cho người dùng”- bà Nga nhấn mạnh.
Chỉ rõ hiện nay trong thực tế các tổ chức đoàn thể như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân có hình thức khám, chữa bệnh tình nguyện, bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trong chương trình hoạt động tình nguyện có chương trình khám, chữa bệnh và phát thuốc miễn phí. “Do đó cần phân biệt giữa việc cấm những hoạt động khuyến khích thu dung khám, chữa bệnh với những hoạt động xã hội mà hiện nay các tổ chức đoàn thể đang làm”-bà Thanh nhấn mạnh.
Cần biện pháp bảo vệ cán bộ y tế
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, không gì so sánh được sự hy sinh của đội ngũ cán bộ y tế từ xưa đến nay, nhất là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua thì sự hy sinh gian khổ không kém gì trên chiến trường. Do đó, rất cần thiết có cơ chế, biện pháp bảo vệ cán bộ y tế, và dự luật phải quy định như thế nào để không xung đột với các luật khác.
Theo ông Định, bác sĩ không thể đuổi một người ra ngoài khi họ xúc phạm mình được, thay vào đó phải có lực lượng chuyên trách, lực lượng bảo vệ, an ninh làm việc này. Ví dụ khi có báo động thì lực lượng chuyên môn vào can thiệp.
Phát biểu kết luận phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là luật có tính chất “xương sống” của ngành y tế, định hướng cho công tác quản lý và sự phát triển bền vững của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, có tác động lớn đến người dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế, được nhân dân, ngành y tế mong đợi, ông Mẫn đề nghị, phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng, bảo đảm tính khả thi và “tuổi thọ” của luật, không thể ban hành năm nay rồi năm sau lại phải sửa.
Cùng ngày, với 100% đại biểu tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị; thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH 13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.