Chỉ trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, lực lượng Cảnh sát giao thông cả nước đã xử lý hơn 8.800 tài xế vi phạm nồng độ cồn. Điều đáng nói, dù đã có chế tài xử lý nghiêm, song tình trạng tài xế uống rượu, bia lái xe gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông vẫn gia tăng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Hơn 8.800 người vi phạm
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an thông tin, trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh (từ 1/9 - 4/9), CSGT cả nước đã xử lý hơn 8.800 lái xe có nồng độ cồn, phạt tiền gần 40 tỷ đồng. Trong đó, 2.909 trường hợp vi phạm kịch khung (trên 0,4 mg/l khí thở) và 147 trường hợp không chấp hành kiểm tra.
Điều đáng nói, mặc dù những vi phạm về nồng độ cồn đã có chế tài xử lý khá mạnh tay, tuy nhiên, hiện tượng “ma men” sau tay lái dường như vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Đặc biệt, chỉ có 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh vừa qua, lực lượng chức năng đã xử lý hàng nghìn trường hợp tài xế sử dụng rượu, bia tại nhiều địa phương.
Tình trạng tài xế vi phạm nồng độ cồn đang ngày càng trở nên trầm trọng, gây bức xúc trong xã hội khi thời gian gần đây, số vụ việc liên tiếp xảy ra. Dư luận xã hội hẳn chưa quên sự vụ tối ngày 12/8 vừa qua, tại cây xăng đường Láng, Hà Nội, tài xế lái xe ô tô mang BKS: 30H - 758.03 bị say xỉn đâm hàng loạt xe máy khiến 8 người bị thương gây chấn động dư luận cả nước.
Hay sự vụ tài xế say xỉn gây tai nạn giao thông khiến cả gia đình 3 người thiệt mạng tại Bắc Giang. Tài xế này vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,604 mg/lít khí thở. Sau khi gây ra vụ tai nạn, người tài xế đã bày tỏ sự hối hận: “Mong mọi người hãy làm chủ tay lái và không sử dụng rượu bia khi lái xe”. Nhưng tất cả đều đã muộn, cả hai bên gia đình nạn nhân cũng như gia đình tài xế đều phải chịu sự đau thương, mất mát, day dứt suốt cả cuộc đời.
Đại diện Cục CSGT cũng cho biết, những ngày nghỉ lễ, Tổ công tác Đội CSGT số 3 (Công an TP Hà Nội) đã ra quân kiểm tra lái xe điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia trên tuyến đường Láng. Trong quá trình kiểm tra, hàng chục phương tiện có dấu hiệu nghi vấn đã được đo nồng độ cồn. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện tài xế Đ.M.T., trú tại quận 4, TP Hồ Chí Minh điều khiển ô tô nhãn hiệu Honda, BKS: 51G-xxx có nồng độ cồn 0,310 miligam/1 lít khí thở.
Sau đó, tổ công tác tiếp tục phát hiện tài xế V.T.T, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội điều khiển phương tiện mang nhãn hiệu Lexus, BKS: 30A-xxx, có nồng độ cồn 0,682 miligam/1 lít khí thở, vượt quá mức phạt kịch khung là 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Tài xế V.T.T cho biết, đã sử dụng khá nhiều bia trong khoảng 2 giờ đồng hồ sau đó di chuyển từ quán bia trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) đến quán bia trên đường Láng để gặp bạn bè. Sau khi rời khỏi quán bia thứ 2 thì bị lực lượng chức năng xử phạt.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Thiếu tá Lại Xuân Tùng - Đội CSGT số 3 cho biết: “Chúng tôi luôn nêu cao tinh thần xử lý nghiêm đối với các trường hợp tài xế điều khiển phương tiện giao thông mà trong hơi thở có nồng độ cồn. Chúng tôi cũng thường xuyên thành lập các tổ công tác, thực hiện chuyên đề xử lý lỗi vi phạm về nồng độ cồn đối với tài xế trên địa bàn đội quản lý”.
Cũng theo Thiếu tá Lại Xuân Tùng, qua việc thường xuyên tuần tra, kiểm soát, ý thức của người dân tham gia giao thông được nâng cao rõ rệt, tuy nhiên, vẫn còn không ít tài xế sử dụng rượu, bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
“Trong quá trình xử lý chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn, nhiều tài xế say xỉn mất kiểm soát, tăng ga bỏ chạy khi thấy tín hiệu dừng xe. Việc điều khiển phương tiện trong hơi thở có nồng độ cồn gây nguy hiểm trực tiếp cho tài xế và những người tham gia giao thông xung quanh, trong thời gian tới, để giảm thiểu “ma men” ngoài đường, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát, thường xuyên xử lý vi phạm để người dân tham gia giao thông được yên tâm, an toàn” - Thiếu tá Tùng nhấn mạnh.
Sử dụng rượu, bia làm giảm tập trung của não bộ
Anh N.T.H (trú tại TP Hải Dương) chia sẻ: “Trong một cuộc nhậu do cả nể bởi mấy anh em trên bàn nhậu cứ mời mà uống đến mức say xỉn. Sau đó tôi tự lái xe máy về nhà, do quá say, tôi đã không làm chủ được tốc độ, đâm vào gốc cây. May mắn pha ngã xe đó không làm hại đến ai nhưng bản thân đã bị thương khá nặng ở phần đầu. Sau vụ tại nạn đó tôi cảm thấy rất hối hận vì đã quá ham vui và cả nể, dẫn đến hậu quả đáng tiếc”.
Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối, sau khi áp dụng Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Nghị định 123/2021/NĐ-CP với mức phạt tăng nặng gấp nhiều lần so với trước kia đã hạn chế được phần lớn các vi phạm dẫn đến mất an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông, tác động tích cực đến ý thức của người tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện giao thông, góp phần xây dựng văn hóa giao thông, không uống rượu, bia khi lái xe của người dân.
“Tuy nhiên trên thực tế, theo báo cáo của cơ quan CSGT trên cả nước, số lượng các hành vi vi phạm đang có chiều hướng tăng trở lại so với thời điểm đầu áp dụng Nghị định xử phạt” - Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nhận định.
Theo Luật sư Hùng, nguyên nhân chính của việc vi phạm nồng độ cồn bắt nguồn từ “văn hóa nhậu” của người dân Việt Nam. Uống rượu từng được xem là một trong những nét đẹp văn hóa của người Việt xa xưa nhưng càng về sau càng bị biến tướng thành những cuộc nhậu, dẫn đến chè chén, la đà ảnh hưởng đến hiệu suất lao động, sức khỏe và đời sống tinh thần của con người, được xếp vào tệ nạn xã hội.
Bên cạnh đó, “văn hóa nhậu” của người Việt rất khác biệt với văn hóa uống rượu tại các quốc gia khác. Người nước ngoài vốn coi việc thưởng thức rượu, bia là một thú vui mang tính cá nhân, ít chú trọng tới lễ tiết. Tuy nhiên, đây lại là những nét rất đặc trưng trong “văn hóa nhậu” của người Việt.
Theo khuyến cáo của PGS.TS Nguyễn Huy Nga – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, người dân nên hạn chế uống rượu, bia, nếu uống chỉ theo liều lượng nhỏ nhất định. Người lạm dụng rượu bia sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, ảnh hưởng đến gan, thận và thần kinh. “Đặc biệt với những người mắc bệnh về tim mạch, huyết áp, bệnh tiểu đường, gout, rượu bia sẽ khiến bệnh càng nặng nề hơn. Sử dụng rượu bia càng nhiều, lâu ngày dẫn tới sơ gan, giảm tuổi thọ”- nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.
“Với thanh thiếu niên, đây là lứa tuổi chuyển tiếp từ trẻ em sang người trưởng thành, đang phát triển cả thể chất và tinh thần, các cơ quan cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh. Nếu các em lạm dụng rượu bia sẽ rất nguy hiểm, dễ dẫn tới tai nạn ngoài ý muốn, đặc biệt lạm dụng rượu bia có thể làm giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung của não bộ, ảnh hưởng tới quá trình học tập, tư duy”- PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói đồng thời cho biết thêm, rượu bia còn có tác động lên hệ thần kinh. Uống rượu bia khiến thần kinh hoạt động không bình thường, dẫn tới có hành động sai lệch, các vận động tay chân không chính xác như bình thường. Do đó, người uống rượu bia khi tham gia giao thông sẽ rất nguy hiểm, có thể nhìn các biển báo, quan sát xung quanh không rõ ràng, rất dễ gây va quệt, tai nạn cho người đi đường hoặc cho chính bản thân. Vì vậy, đã tham gia giao thông thì tuyệt đối không nên uống rượu bia. Hành vi vi phạm này có thể bị xử lý liên quan tới pháp luật, thậm chí có người phải trả giá bằng tù tội khi gây tai nạn chết người, gây thương tích nặng.
Trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh (từ 1/9 - 4/9), CSGT cả nước đã xử lý hơn 8.800 lái xe có nồng độ cồn, phạt tiền gần 40 tỷ đồng. Trong đó, 2.909 trường hợp vi phạm kịch khung (trên 0,4 mg/l khí thở) và 147 trường hợp không chấp hành kiểm tra.