Bão số 5 đi qua, nhiều người dân xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) bỗng chốc tay trắng khi hàng trăm hecta cao su bị gãy đổ. Nhiều người lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Sau bão, ông Trần Quyền (60 tuổi, trú tại thôn Lưu Hiền Hòa, xã Phong Mỹ) cũng như nhiều hộ dân khác đau lòng phải ra vườn cao su của mình để dọn dẹp những cành cây bị gãy do bão gây ra.
Tan hoang những khu vườn
Lau vội những giọt mồ hôi trên khuôn mặt buồn bã, ông Quyền cho biết, bão số 5 lướt qua đã làm vườn cao su của gia đình ông bị thiệt hại rất nặng nề. Chỉ tay về phía khu vườn cao su bị gãy đổ tan hoang, ông Quyền kể về giấc mơ “vàng trắng” từ 17 năm trước, khi gia đình ông vỡ đất khai hoang, đầu tư vào cây cao su, vốn được xem là “vàng trắng” với mong muốn thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Sau nhiều năm chăm sóc, đến nay, hai vợ chồng ông Quyền đã sở hữu hơn 6,5ha cao su đang cho thu hoạch. Mỗi năm cây cao su đem lại thu nhập cho gia đình ông từ 1 đến 1,5 triệu đồng/ngày trong vòng 8 tháng/năm.
Nhờ cây cao su, vợ chồng ông Quyền đã xây dựng một ngôi nhà khang trang, con cái đều được học hành đến nơi đến chốn.
Thế nhưng, vườn cao su đang trong giai đoạn sung sức nhất để thu hoạch của gia đình bỗng chốc bị cơn bão số 5 quật đổ tan hoang, hư hại gần 80%.
“Nhìn những cây cao su gãy ngang thân mà tôi xót xa. Công sức gây dựng, chăm sóc của gia đình suốt 17 năm qua, bỗng chốc tiêu tan chỉ sau 30 phút khi cơn bão kéo qua mà không có cách nào cứu vãn. Thật sự quá đau đớn”, ông Quyền nghẹn ngào.
Theo ông Quyền, thiệt hại mà cơn bão số 5 gây ra cho gia đình ông khoảng từ 500 đến 600 triệu đồng.
Nợ nần chồng chất
Xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền những năm trở lại đây được mệnh danh là thủ phủ của “vàng trắng”. Cây cao su đã giúp cho hơn 1.700 hộ dân đổi đời. Thế nhưng, chỉ sau khoảng 30 phút khi cơn bão số 5 quét qua, toàn bộ gia tài tiền tỷ của người dân đang trong thời kỳ thu hoạch bỗng chốc tan tành.
Nhìn những cây cao su đang ứa ra những giọt mủ trắng, bà Hồ Thị Vui nói với chúng tôi trong nghẹn ngào: 5 ha cao su 17 - 18 năm tuổi đang cho thu hoạch tốt thì chỉ cần một cơn bão đã lấy đi tất cả!
“Dự định của gia đình tôi trong năm nay khi thu hoạch xong sẽ trả nợ tiền ngân hàng đã vay trước đó để đầu tư trồng cây cao su. Thế nhưng, cơn bão số 5 đã lấy đi tất cả. Cuộc sống của cả gia đình trông chờ vào vườn cao su giờ mất sạch rồi. Khoản nợ 200 triệu đồng vay ngân hàng, con cái học hành ở xa giờ không biết xoay xở ở đâu”, bà Vui xót xa.
Cùng chung cảnh ngộ như bà Vui, anh Trần Thanh Ngọc (37 tuổi) cho biết, là người ở xã Phong Bình nhưng gần 1 năm qua, anh sang xã Phong Mỹ để lập nghiệp. Gia đình anh đã tích góp được một số vốn và vay thêm tiền ngân hàng để đầu tư gần 700 triệu đồng mua lại vườn cao su của người khác, nhưng chưa thu lại được gì thì cơn bão đã phá hỏng rất nhiều cây cao su.
“Toàn bộ những cây cao su bị hư hỏng nếu bán gỗ tạp cũng chỉ được vài chục nghìn/cây. Còn số cây trụ lại đều nghiêng ngả cả, thêm một trận gió lớn nữa sẽ bật gốc. Chắc cũng cưa bán luôn vớt vát được đồng nào hay đồng đó”, anh Ngọc nói.
Anh Ngọc cũng cho biết, đối với những hộ tự trồng và đã cho thu hoạch được vài năm, dù bị thiệt hại nặng nhưng còn đỡ hơn những người bỏ tiền hàng trăm triệu đồng, thậm chí là tiền tỷ ra mua mà mới khai thác được 1- 2 năm, thậm chí là chưa khai thác được gì như gia đình anh, thì coi như điêu đứng.
“Sau bão là nợ nần chồng chất, cuộc sống cả gia đình trông chờ vào rừng cao su này giờ thì mất hết. Chúng tôi cũng mong muốn cơ quan chức năng xem xét, hỗ trợ và có chính sách ưu đãi để người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đặc biệt, là những gia đình có vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng cây cao su trước đó”, anh Ngọc nói.
Cũng giống như anh Ngọc, bà Vui, hiện trên địa bàn xã Phong Mỹ còn rất nhiều trường hợp rơi vào tình cảnh tương tự. Nhiều hộ trước đó đã vay vốn ngân hàng (người ít thì vài chục triệu đồng, nhiều thì vài trăm triệu đồng) để đầu tư vào cây cao su, nay sau bão bỗng lâm vào cảnh nợ nần, cuộc sống của nhiều gia đình bị đảo lộn hoàn toàn.
Đề xuất ngân hàng giảm lãi cho dân
Theo thống kê, toàn huyện Phong Điền có khoảng 1.700ha cây cao su, trong đó hơn 1.000ha diện tích bị gãy đổ sau bão số 5, nặng nhất là xã Phong Mỹ diện tích cao su bị thiệt hại lên đến 700ha. Chỉ riêng số cao su gãy đổ này đã khiến người dân trong xã mỗi năm thất thu khoảng 56 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hữu Chung, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ cho biết, những năm trở lại đây, cây cao su mang lại thu nhập khá cho người nông dân với tổng doanh thu khoảng 100 tỷ đồng/năm. Thế nhưng, cơn bão vừa qua đã gây thiệt hại quá nặng nề.
“Hiện địa phương đang thống kê thiệt hại để có giải pháp cũng như đề xuất hỗ trợ cho người dân. Đối với những cây bị nghiêng ngả, gãy cành thiệt hại dưới 50% sẽ vận động người dân phục hồi dù chất lượng mủ sẽ giảm sút so với trước”, ông Chung nói và cho biết thêm địa phương sẽ kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua gỗ cao su thanh lý cho người dân. Về lâu dài sẽ đề xuất hỗ trợ một phần giống, phân bón cho người dân trồng tái tạo vườn cao su.
Theo ông Chung, xã cũng đang rà soát danh sách, thống kê các hộ dân xem số dư nợ liên quan trồng cây cao su trên địa bàn để kiến nghị với huyện làm việc cùng phía ngân hàng đề xuất xin khoanh, giảm lãi cho người dân.
Mặt trận sẽ triển khai các hoạt động để giúp đỡ người dân vượt khó
Ông Nguyễn Ngọc Bằng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phong Điền cho biết, xung quanh những thiệt hại nặng nề về vườn cao su của bà con trên địa bàn, thời gian tới, khi có thống kê đầy đủ về thiệt hại sẽ triển các hoạt động cụ thể để giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn. Đối với những hộ dân có cây cao su bị gãy đổ do bão gây ra, sau khi có thống kê, Mặt trận sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, cùng các cơ quan đoàn thể có chính sách hỗ trợ.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Bằng, Mặt trận huyện Phong Điền là nơi được giao nhiệm vụ tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 5. Bước đầu, Mặt trận đã tiếp nhận những phần quà từ 2 đơn vị hỗ trợ cho người dân ở các xã Phong Mỹ, Phong Xuân và Phong Sơn bị ảnh hưởng do bão gây ra. Những phần quà này sẽ được Mặt trận trao đến tận tay bà con.