Chỉ mấy cơn mưa đầu mùa nhưng nhiều khu vực nội thành Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã gặp phải cảnh giao thông tắc nghẽn, người dân bì bõm đi lại trên các tuyến đường ngập sâu trong nước. Một vấn đề đã được nhiều thế hệ lãnh đạo của cả hai thành phố lo lắng, nay vẫn tiếp tục là câu hỏi nan giải: Bao giờ hết ngập?
Cứ vào mùa mưa người dân ở Thủ đô và TP Hồ Chí Minh lại phải bì bõm
lưu thông trên các tuyến phố ngập nước.
Mỗi năm cả TP Hà Nội và TP HCM đều rót rất nhiều tiền vào các dự án chống ngập quy mô lớn, cả nội thành và ngoại đô. Đơn cử Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II với kinh phí khoảng 8.500 tỷ đồng đi qua địa bàn 8 quận nội thành và huyện Thanh Trì được phê duyệt trong thời gian từ tháng 12-2006 đến năm 2010. Tuy nhiên, sau nhiều lần điều chỉnh, bổ sung dự án đầu tư và kế hoạch đấu thầu của dự án thì đến nay Dự án vẫn chưa hoàn tất được khâu giải phóng mặt bằng. Điều đáng nói, Dự án thuộc nhóm các giải pháp cấp bách của thành phố để giải quyết tình trạng ngập cục bộ nội đô, thế nhưng nếu không thu hồi, bàn giao kịp mặt bằng thì không thể thi công được. Hệ quả, đến hẹn lại lên – Cứ vào mùa mưa người dân Thủ đô lại phải bì bõm lưu thông trên các tuyến phố ngập nước.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra tại TP HCM khi ngay đầu mùa mưa năm nay, dù chỉ là các cơn mưa có lưu lượng không quá lớn, kéo dài 1 – 2 tiếng, nhưng cũng đủ khiến nhiều tuyến đường trung tâm thành phố bị ngập nước. Mới đây, Thành ủy TP HCM đã chủ động họp bàn giải pháp ứng phó với triều cường và ngập úng do mưa lớn. Tuy nhiên, cũng như Hà Nội, một vấn đề nan giải đầu tiên được đặt ra là tiền đâu? Theo tính toán trong giai đoạn từ nay đến 2020, TP HCM cần khoảng 97.300 tỷ đồng để xây dựng các dự án chống ngập nước. Một con số quá lớn, so với tình hình ngân sách thành phố phải cân đong đo đếm, san sẻ cho nhiều lĩnh vực cấp thiết khác, như: hạ tầng đô thị, y tế, giáo dục, vệ sinh môi trường,…
Vấn đề ngập úng của TP HCM cũng là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” kéo dài hàng chục năm nay, qua nhiều thế hệ lãnh đạo thành phố vẫn chưa thể xử lý dứt điểm. Nguyên nhân không chỉ nằm ở vấn đề hạ tầng cơ sở tiếp nhận từ sau giải phóng (thiết kế cho quy mô chỉ 2 triệu dân) mà còn có một phần lớn nguyên nhân từ việc bất hợp lý trong quy hoạch hạ tầng đô thị.
Từ năm 2010, các chuyên gia trong và ngoài nước đã cảnh báo nhiều lần về việc TP HCM cho đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị tại các khu vực vốn trước đây là đầm lầy, vốn là vùng trũng để tích nước mưa và triều cường rất tốt, tránh ngập cho nội đô thành phố. Thế nhưng, việc chưa đánh giá xác đáng tình trạng bê tông hóa, đô thị hóa “nóng” đã thực sự gây sức ép lớn lên hệ thống thoát nước của thành phố, vốn được cho là chưa được đầu tư xứng đáng.
Trong khi đó, việc phát triển tràn lan không tuân thủ nguyên tắc bền vững và các chuẩn mực về đô thị khiến nước mưa, triều cường dâng không còn chỗ rút nước tự nhiên xuống lòng đất. Nghiên cứu từ 1989 – 2006 cho thấy diện tích bê tông hóa tăng từ 6.000 ha lên 24.500 ha. Còn từ 2007 đến nay đã tăng lên đến hàng chục lần. Đơn cử như trường hợp đô thị Phú Mỹ Hưng được xây dựng trên nền khu vực đầm lầy trước đây của quận 7. Hệ quả là suốt nhiều năm sau đó, các khu vực quận 4, quận 8 và quận 7, huyện Nhà Bè phải gánh hậu quả ngập kinh niên vào mỗi mùa mưa và cao điểm của triều cường.
Thêm một vấn đề cũng khiến cả Hà Nội và TP HCM đang rất đau đầu để tính toán giải pháp ứng phó phù hợp. Đó là, trong khi quy mô dân số của Hà Nội đã vượt ngưỡng 7,2 triệu người, cùng tốc độ mỗi năm quy mô dân số của Hà Nội tăng thêm tương đương quy mô dân số 1 huyện lớn, khoảng 200.000 người thì tại TP HCM cũng đang phải chịu áp lực là thành phố đông dân nhất nước, với hơn 10 triệu người, chưa tính dân số vãng lai, được dự báo tăng hơn 5 lần so với trước. Vấn đề dân số quá “nóng” dẫn đến các hệ quả về quản lý hệ thống xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt cũng tăng theo cấp số nhân.
Riêng tại TP HCM, áp lực xử lý lượng nước thải mỗi năm tăng lên gấp hơn 5 lần so với trước đây. Do đó, nếu công tác quản lý đô thị không thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng lên của dân cư, cũng sẽ khiến ngân sách thành phố rơi vào tình trạng không biết ưu tiên chi vào đâu trước.
Hiện nay, theo tính toán trong giai đoạn 2016-2020, TP HCM còn thiếu đến 74.350 tỉ đồng cho các dự án chống ngập. Thành ủy TP HCM xác định, nguồn vốn còn thiếu này dự kiến sẽ vay ODA, gọi vốn từ doanh nghiệp và trích từ chính vốn ngân sách để thực hiện. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, nhiều dự án trọng điểm của giai đoạn 2010 – 2015 vẫn chưa hoàn thành, chậm tiến độ hoặc nằm “phơi sương” do thiếu vốn thì câu chuyện tính toán ngân sách đầu tư cho giai đoạn tiếp theo vẫn đặt ra nhiều câu hỏi về hiệu quả thực sự của các dự án chống ngập nghìn tỷ đồng.
Thiết nghĩ, đã đến lúc cần nghiêm túc nhìn lại sự đầu tư quá lớn cho các dự án chống ngập nước đô thị, nhưng hiệu quả không phát huy được tương xứng. Đồng thời, chính quyền các thành phố cũng cần thực sự cầu thị, lắng nghe sự hiến kế, góp ý của người dân, chuyên gia, các hội nghề nghiệp trong ứng phó với ngập úng để đem lại hiệu quả thực sự trong các quyết sách quan trọng.