Được coi là đất nước có thế mạnh về muối và nghề muối, với nhiều vùng sản xuất muối trọng điểm nhưng đời sống của diêm dân nước ta lại hết sức khó khăn. Được mùa, mất giá, tư thương chèn ép… đang là nỗi lo của không ít người để dẫn đến tình cảnh mà không ít diêm dân, làng nghề đã khái quát: Mặn muối, nhạt đời!
Được mùa, mất giá vẫn là điệp khúc của diêm dân các vùng làm muối.
Trước đây, Quảng Bình vốn là miền đất nổi danh của nhiều làng nghề làm muối. Nhưng do cái cảnh được mùa, mất giá, mặn muối, nhạt đời mà các làng nghề làm muối đã mai một để chuyển sang hướng khác mưu sinh. Trong các làng nghề làm muối hiện nay còn tính được thì Quảng Phú (Quảng Trạch) còn được coi là “sáng danh” nhất.
Là nghề truyền thống, làm muối tại ở Quảng Phú đã giúp người dân nơi đây thoát nghèo, có nhiều gia đình giàu lên nhờ làm muối. Thế nhưng, thời gian gần đây, mặc dù sản lượng muối đạt mức cao nhưng nỗi lo tiêu thụ muối của diêm dân tăng lên. Muối bí đầu ra đã làm cho giá tụt xuống khiến diêm dân lo lắng. Vì bấp bênh nên nhiều năm trước, để có hướng ra, diêm dân Quảng Phú đã lao đao tính chuyện chuyển đổi nghề. Hết lúa rồi lại tôm nhưng sự thất bại đã luôn đến với họ.
Nhiều năm gần đây, do ứng dụng công nghệ và kĩ thuật nên đã tạo thuận lợi và nâng cao sản lượng muối trên mỗi diện tích đồng ruộng. Nhưng như vậy vẫn không làm cho bà con vui được vì đầu ra cho sản phẩm vẫn phụ thuộc vào cánh tư thương, chuyện ép giá như thách đố diêm dân. Hiện Quảng Phú có gần 100ha ruộng muối nhưng đầu ra lại phải chờ vào sự thu mua của một vài thương lái. Chính vì sự phụ thuộc này nên có năm, đầu mùa, 1kg muối bán được 1.700 đồng, nhưng đến giữa mùa thì giá giảm xuống chỉ còn một nửa.
Theo người dân Quảng Phú, đầu tư cho nghề làm muối, mỗi 1ha, trung bình người dân Quảng Phú phải bỏ ra hơn 200 triệu đồng. Số tiền đầu tư lớn nhưng nghề làm muối chỉ kéo dài vài ba tháng trong năm. Biết là bị trả giá rẻ nhưng người dân không còn cách nào để lựa chọn. Được coi là nghề truyền thống, ổn định, có thu nhập nhưng cái vòng luẩn quẩn được mùa mất giá, ép giá… vẫn không làm cho người dân yên tâm được.
Giá cả không ổn định, diện tích sản xuất bị thu hẹp cũng là nỗi lo của không ít diêm dân ở các làng muối huyện Núi Thành (Quảng Nam). Năm nay, thời tiết thuận hơn năm ngoái, do có nắng nhiều nên sản lượng muối của bà con nơi đây đã đạt cao. Tuy nhiên, cùng với sự tăng của sản lượng này thì là sự tụt giá của muối. Đầu vụ, 1kg muối người dân có thể bán được với giá 12 nghìn. Nhưng cuối vụ, giá muối tụt theo ngày và đã có lúc dừng ở ngưỡng có 7 nghìn/kg.
Theo một số diêm dân ở xã Tam Hòa thì điệp khúc được mùa, mất giá người dân nơi đây đã quen lâu lắm rồi. Và điệp khúc này đã tựa như một vòng bó buộc đưa diêm dân vào cái vòng luẩn quẩn để không thể “cất cánh” được. Theo các diêm dân ở đây, có lúc muối loại 1 chỉ bán được 7 nghìn đồng/kg, còn loại 2 bán chưa được 5 nghìn đồng.
Hòn Khói, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) cũng được coi là vùng làm muối nổi tiếng của khu vực miền Trung. Muối ở đây nổi tiếng là to, sáng vì có ít sông đổ ra, muối không có tạp chất. Tuy nhiên, với làng nghề làm muối đã có tuổi đến gần 100 năm này, nỗi lo về giá cả và thu nhập cũng đã không loại trừ. Vì giá muối bấp bênh nên vài năm trở lại đây làng nghề này đã không ít lao đao. Hiện giá muối sản xuất thủ công chỉ dao động từ 350 - 400 đồng/kg, bằng một nửa so với giá muối năm 2014, khiến diêm dân không còn mặn mà.
Để giải quyết tình trạng này, người dân nơi đây rất mong Nhà nước hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho hạt muối xứng danh với những gì mà vùng muối đã có.