Bảo hiểm hưu trí bổ sung: Hai bên cùng thỏa thuận

Khanh Lê (ghi) 19/11/2015 09:07

Hiện cả 2 bộ gồm Bộ LĐTB&XH và Bộ Tài chính đều đang xây dựng Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của quỹ hưu trí tự nguyện. Liệu có sự chồng chéo hay không khi cả 2 Bộ cùng xây dựng một dự thảo hướng dẫn? Xung quanh vấn đề này, Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTB&XH). 

Bảo hiểm hưu trí bổ sung: Hai bên cùng thỏa thuận

Ông Trần Hải Nam.

PV: Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung đang là vấn đề được người lao động cũng như doanh nghiệp quan tâm. Vậy hình thức đầu tư quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung là gì và liệu có sự rủi ro không thưa ông?

Ông Trần Hải Nam: Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung được đầu tư vào các loại tài sản như: trái phiếu Chính phủ; chứng chỉ quỹ mở trái phiếu; tiền gửi tại các tổ chức tín dụng; các chứng chỉ quỹ mở khác đáp ứng điều kiện do Bộ Tài chính quy định... Nhà nước có vai trò quản lý, giám sát việc thực hiện chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung, bảo đảm quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung hoạt động công khai, minh bạch bảo vệ quyền và lợi ích của các đối tượng tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung. Tất nhiên, với chính sách này, người lao động và người sử dụng lao động tự quyết định lựa chọn các doanh nghiệp và đơn vị để cung cấp dịch vụ quản lý quỹ cho nên cũng phải chấp nhận hình thức rủi ro nếu có.

Như ông nói là sẽ có rủi ro. Vậy làm sao mà người lao động cũng như doanh nghiệp yên tâm khi tham gia?

Tôi xin khẳng định, quỹ này không thể nào phá sản được. Bởi vai trò của Nhà nước bằng các quy định, bằng các công cụ thực hiện giám sát để đảm bảo quỹ sẽ đem lại lợi ích cho người lao động. Tôi xin nhắc lại, cái rủi ro ở đây không phải là rủi rõ vỡ quỹ, rủi ro mất hoàn toàn thu nhập mà rủi ro là do doanh nghiệp lựa chọn các nhà cung cấp quản lý quỹ. Nếu nhà quản lý quỹ đó kinh doanh hiệu quả thì sẽ mang lại cho doanh nghiệp và người lao động lợi ích nhiều, còn đầu tư ít hiệu quả thì sẽ lợi ích sẽ ít hơn. Chứ không phải mất hoàn toàn khoản tiền họ đóng.

Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng việc thực hiện bảo hiểm hưu trí khó thành công, bởi hiện bài toán nợ đọng BHXH vẫn đang là vấn đề gây bức xúc. Ý kiến ông thế nào về việc này?

Trước khi đề xuất bảo hiểm hưu trí bổ sung, Bộ LĐTB&XH đã làm khảo sát để thu thập ý kiến và nhu cầu của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp có nhu cầu và cũng đã có doanh nghiệp thực hiện rồi tự tạo lập quỹ hoặc thông qua một số đơn vị quản lý. Tôi nghĩ rằng Bảo hiểm hưu trí bổ sung hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Khi thực hiện loại hình này, doanh nghiệp cần xác định đem lại lợi ích cho bản thân doanh nghiệp trước đã.

Đó là chính sách để doanh nghiệp thu hút sử dụng người tài. Song hành cùng đó là lợi ích của người lao động. Đây là quan hệ cả hai bên. Theo đó, người lao động và người sử dụng lao động sẽ thỏa thuận cùng tham gia cũng như mức đóng trong biên bản thỏa thuận.

Thưa ông, được biết cùng với Bộ LĐTB&XH, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của quỹ hưu trí tự nguyện. Việc 2 bộ cùng xây dựng một dự thảo liệu có sự chồng chéo không thưa ông?

Đúng vậy, hiện cả 2 Bộ (Bộ LĐTB&XH và Bộ Tài chính) cùng đang xây dựng dự thảo Nghị định xung quanh các vấn đề về Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung. Tuy nhiên hai đơn vị thực hiện độc lập theo phân công của Chính phủ. Hai dự thảo này có quy định và nội dung khác nhau, cho nên tôi nghĩ không có vấn đề gì vướng mắc trong thực hiện cả. Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHXH về bảo hiểm hưu trí bổ sung do Bộ LĐTB&XH xây dựng bám trên cơ sở của Luật BHXH 2014 đó là hưu trí bổ sung. Đối tượng tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung là những người lao động và người sử dụng lao động đang tham gia BHXH bắt buộc.

Trong các quy định thiết kế hưởng, chúng tôi hướng tới mang khoản trợ cấp ổn định lâu dài cho NLĐ. Mỗi phương án lựa chọn đề xuất đều có thế mạnh riêng. Cho nên, không thể so sánh nghị định này với nghị định kia, bởi mỗi nghị định có đối tượng riêng và mục đích riêng. Chỉ có điều, tới đây khi phải trình thì Chính phủ sẽ cân nhắc việc quyết định ban hành nghị định nào trước, nghị định nào sau, hoặc ban hành cả 2 nghị định.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo hiểm hưu trí bổ sung: Hai bên cùng thỏa thuận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO