Từ năm 2018 sẽ thực hiện chi trả thuốc điều trị HIV/AIDS qua Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT)- đó là thông tin mới được đưa ra tại Hội thảo xin ý kiến về dự thảo sửa đổi Thông tư 15 năm 2015 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện khám chữa bệnh BHYT đối với người nhiễm HIV và sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS.
Với quy định mới này, những người nhiễm HIV sẽ càng khó khăn hơn trong điều trị bệnh nếu không sớm mua thẻ BHYT .
Ảnh minh họa (Ảnh: TTXVN).
Mới có 66% bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ BHYT
Ông Hoàng Đình Cảnh- phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, hiện toàn quốc có hơn 227.000 người nhiễm HIV cần được chăm sóc và điều trị thường xuyên, liên tục suốt đời.
Những năm qua Việt Nam đã từng bước đẩy lùi được nhiều tiêu chí giảm về số người mắc mới và tử vong do HIV/AIDS. Kết quả đó có được một phần là do Việt Nam nhận được nguồn viện trợ trong công tác phòng chống HIV/AIDS bền vững từ nước ngoài và các tổ chức quốc tế.
Trước đây, phần lớn nguồn thuốc ARV- thuốc điều trị HIV/AIDS (chiếm đến khoảng 95%) là miễn phí do được tài trợ bởi các tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, hiện nay các tổ chức quốc tế đang thực hiện lộ trình cắt giảm và sẽ tiến tới kết thúc viện trợ hoàn toàn vào cuối năm 2017.
Trong lộ trình cắt giảm thuốc ARV đến năm 2017 còn rất ít và đến năm 2018 thì sẽ gần như không còn tổ chức nào cam kết tài trợ miễn phí. Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS đã không có kế hoạch hỗ trợ cho Việt Nam sau năm 2017.
Tổ chức Pepfar (Chương trình cứu trợ khẩn cấp về phòng chống HIV/AIDS của Tổng thống Hoa Kỳ) năm 2016 giảm 10%, năm 2017 giảm 40% và tiến đến dừng hoàn toàn vào năm 2019.
Đến thời điểm này, khi các nguồn tài trợ quốc tế liên tục bị cắt giảm và sẽ chấm dứt hoàn toàn vào cuối năm 2017, thì nguồn tài chính bền vững nào để đảm bảo cho công tác phòng, chống HIV/AIDS?
Đây đang là một câu hỏi không chỉ dành cho những người hoạch định chính sách mà còn nhận được được sự quan tâm của nhiều đối tượng, nhất là những người nhiễm HIV... Và giải pháp khả dĩ nhất về tài chính đối với người nhiễm HIV hiện nay là BHYT.
Tuy nhiên, báo cáo mới đây của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM, tính đến tháng 3/2017, cơ sở này đang điều trị cho 30.000 bệnh nhân nhiễm HIV, trong đó 70% bệnh nhân có thẻ BHYT, 30% bệnh nhân chưa có thẻ, đa phần là những người nghèo, sống chung với hộ gia đình có nhiều thành viên, không có khả năng mua BHYT.
Tại Phú Thọ, theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Phú Thọ, hiện tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS đang được điều trị có thẻ BHYT trên địa bàn tỉnh mới chỉ chiếm khoảng 70%. Còn tại Vĩnh Long, hiện chỉ có 654/1091 bệnh nhân HIV/AIDS có tham gia BHYT, chiếm 60%.
Theo số liệu của Bộ Y tế, hiện nay, trong số gần 120.000 người nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc ARV trên phạm vi cả nước thì số người có thẻ BHYT mới chỉ chiếm khoảng 66%.
Tạo điều kiện cho người nhiễm HIV mua thẻ BHYT
Theo ước tính, một người nhiễm HIV khi điều trị ARV phải chi trả hàng chục triệu đồng/năm cho tiền thuốc ARV, tiền xét nghiệm.
Trong thời gian tới, không còn thuốc viện trợ cấp miễn phí và Quỹ BHYT sẽ thanh toán tiền thuốc ARV cũng như các chi phí khám và điều trị bệnh.
Nếu không tham gia BHYT, người nhiễm HIV/AIDS sẽ phải chi trả toàn bộ các chi phí khám điều trị HIV/AIDS bao gồm cả tiền thuốc ARV và các chi phí xét nghiệm…
Ông Hoàng Đình Cảnh cho biết thêm, Việt Nam đang hướng tới lộ trình BHYT toàn dân, chủ trương của Nhà nước trong bối cảnh viện phí tăng tính đúng, tính đủ.
Mỗi bệnh nhân khi vào viện, nếu tính đủ chi phí lên tới hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu. Do vậy, tham gia BHYT rất có lợi với mỗi người, đặc biệt với người nhiễm HIV/AIDS lại càng cần thiết.
Nếu có phải đóng tiền mua BHYT thì với người nhiễm HIV cũng chỉ là đóng góp một phần nhỏ vào chi phí khám, điều trị bệnh cho chính bản thân mình.
Do vậy, người nhiễm HIV nếu chưa có BHYT cần tham gia BHYT để được tiếp cận các dịch vụ xã hội, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Để tháo gỡ những khó khăn và tạo điều kiện cho người có HIV/AIDS, Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo phải làm sao để cho 100% người nhiễm HIV/AIDS được tham gia BHYT.
Như vậy, những giải pháp hỗ trợ cho người có HIV tham gia BHYT đang có sự cam kết từ Chính phủ rất quyết liệt. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có văn bản chỉ đạo phải làm sao để cho 100% người có HIV/AIDS được tham gia BHYT.
Theo đó, nguồn kinh phí có thể trích các nguồn quỹ từ ngân sách nhà nước, từ quỹ kết dư của BHYT của các địa phương, từ quỹ phòng, chống AIDS của các địa phương để mua thẻ BHYT cho nhóm đối tượng này.
Theo Bộ Y tế, với việc năm 2018 điều trị thuốc ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS sẽ được Quỹ BHYT chi trả thì để được thanh toán BHYT, người nhiễm HIV/AIDS phải tham gia BHYT.
Nhưng hiện nay, một số bệnh nhân không đủ điều kiện kinh tế để mua thẻ BHYT theo hộ gia đình như quy định của Luật BHYT hiện hành.
Do đó, Bộ Y tế đang trong quá trình sửa đổi thông tư 15 năm 2015 của Bộ Y tế về hướng dẫn thực hiện khám chữa bệnh BHYT đối với người nhiễm HIV, để đảm bảo tất cả những bệnh nhân HIV/AIDS đều có thẻ BHYT…