Năm học mới sắp bắt đầu, ngoài việc lo lắng đến việc đóng góp đầu năm cũng như sự đổi mới về giáo trình, môn học thì điều mà học sinh, phụ huynh quan tâm đó là chế độ bảo hiểm y tế học đường. Vậy năm học 2015 -2016 này chính sách này có gì mới?.
Chính sách BHYT năm học 2015 -2016 có nhiều điểm mới
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Chăm sóc sức khỏe cho HS, SV ngày càng chú trọng
Xác định, lứa tuổi HSSV là lứa tuổi quan trọng trong việc hình thành nhân cách, trí tuệ, sức khỏe của tương lai đất nước, nên việc quan tâm, chăm sóc sức khỏe cho lứa tuổi này đã được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Khi triển khai thực hiện chính sách BHYT ở nước ta, HSSV là đối tượng được quan tâm thực hiện sớm ngay từ năm học 1994 – 1995, năm đầu tiên triển khai chính sách này theo Thông tư liên tịch số 14/1884/TTLT-BGDĐT-BYT ngày 19/9/1994 của liên Bộ Giáo dục – Đào tạo và Y tế.
Sau 10 năm triển khai, ngày 12/7/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/2006/CT-TTg về việc tăng cường công tác y tế trong các trường học, trong đó xác định rõ tuyên truyền, vận động HSSV tham gia BHYT là một trong những giải pháp quan trọng để tạo nguồn lực phát triển y tế trường học, góp phần phát triển giáo dục toàn diện.
Đến khi Luật BHYT được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2008 thì từ 01/01/2010, HSSV trở thành đối tượng bắt buộc tham gia BHYT. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2015 tiếp tục khẳng định HSSV là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT.
Báo cáo thống kê hàng năm cho thấy, nguồn kinh phí từ quỹ BHYT dành cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế trường học ngày càng tăng. Con số này năm 2006 là 75 tỷ đồng thì đến năm 2013 đã là 441 tỷ đồng, tăng gấp 5,8 lần; còn đến năm 2014 là trên 500 tỷ đồng. Bên cạnh việc được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại trường học, hàng triệu HSSV được hưởng quyền lợi khi ốm đau, tai nạn phải khám, điều trị tại các cơ sở y tế; giúp các em có sức khỏe để tiếp tục học tập, rèn luyện, chuẩn bị tốt hành trang vào đời, góp sức xây dựng đất nước.
Năm học 2015-2016 có gì mới?
Năm học 2015-2016 là năm đầu tiên BHYT học sinh, sinh viên thực hiện theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT với nhiều điểm mới. Về căn bản vẫn đảm bảo quyền lợi cho HSSV khi tham gia BHYT theo quy định của pháp luật.
Trong đó, về quyền lợi khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu thì HSSV tiếp tục được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh và cùng chi trả 20% (trừ các đối tượng HSSV là người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo). Các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đủ điều kiện tiếp tục được trích kinh phí để mua thuốc, vật tư y tế tiêu hao, trang thiết bị và dụng cụ y tế thông thường để tổ chức khám bệnh, chữa bệnh trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em, HSSV.
Mức trích để lại cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bằng 7% tổng thu Quỹ BHYT đối với trẻ em dưới 6 tuổi, riêng ở hệ mầm non là 5%. Vào tháng đầu của năm học hoặc khóa học, tổ chức BHXH có trách nhiệm chuyển số tiền nêu trên cho các cơ sở giáo dục và tổng hợp số kinh phí này vào quyêt toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT thuộc phạm vi quản lý. Cơ sở giáo dục nhận kinh phí có trách nhiệm sử dụng, thanh quyết toán theo quy định.
Đáng chú ý theo Luật mới mức đóng BHYT học sinh, sinh viên từ 3% mức lương cơ sở tăng lên 4,5%. HSSV được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng, còn lại 70% học sinh phải tự đóng. Điểm mới thứ hai là thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT học sinh sinh viên từ ngày 1-1 đến ngày 31-12 của năm. Những năm học trước, thẻ BHYT học sinh có giá trị sử dụng từ đầu năm học (đầu tháng 9 hoặc tháng 10) và hết hạn sau 12 tháng (trường hợp thẻ có giá trị sử dụng 12 tháng thì hết hạn vào cuối tháng 8 hoặc 9 năm sau).
Pháp luật BHYT cũng quy định chi tiết điểm này: đối với học sinh vào lớp một và sinh viên năm thứ nhất, thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT từ ngày nhập học hoặc ngày hết hạn của thẻ BHYT được cấp lần trước đến 31-12 năm sau; đối với học sinh lớp 12 và sinh viên năm cuối, thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT từ ngày 1-1 đến ngày cuối của tháng kết thúc năm học đó.