Sau 25 năm thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT) và nhất là từ khi thực hiện Luật BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT đã tăng trưởng khá nhanh gần tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân.
Tuy nhiên để thực hiện thành công mục tiêu BHYT toàn dân, bên cạnh sự nỗ lực ngành y tế, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH), cần tới chung tay của toàn xã hội.
Người dân hưởng quyền lợi từ bảo hiểm y tế.
Hơn 82% dân số tham gia BHYT
Theo bà Nguyễn Thị Minh - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, hiện nay mức độ tiếp cận dịch vụ y tế của người dân tham gia BHYT được cải thiện rõ rệt.
BHYT đã tạo ra nguồn tài chính công đáng kể cho công tác khám chữa bệnh, góp phần thực hiện mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Những thành tựu này cho thấy chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về việc thay đổi cơ chế tài chính y tế trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân; thay đổi nhận thức của đại bộ phận người dân về lợi ích khi tham gia BHYT.
Đây là nền tảng vững chắc để thực hiện thành công Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân đến năm 2020; Quyết định số 1167-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020.
Theo thống kê đến nay, cả nước đã có trên 76 triệu người tham gia BHYT và 6 tháng đầu năm 2017 cũng đã có khoảng trên 75 triệu lượt người khám chữa bệnh được quỹ BHYT chi trả (chiếm hơn 82% dân số).
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách BHYT vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức.
Về vấn đề này, đại diện BHXH cho biết, việc luật hóa các quy định về BHYT và kịp thời sửa đổi những quy định về BHYT đã góp phần giải quyết và hạn chế những khó khăn, bất cập trong tổ chức thực hiện BHYT.
Tuy nhiên, thực tiễn cuộc sống luôn nảy sinh những vấn đề mới, đòi hỏi cần có sự nhạy bén và linh hoạt trong xử lý, điều chỉnh. Cùng với đó dù Luật BHYT quy định bắt buộc tham gia BHYT đối với toàn dân, nhưng về cơ bản vẫn là vận động tự nguyện, cho nên vẫn còn một bộ phận người dân chưa tham gia.
Quyền lợi của người tham gia BHYT được mở rộng, thực hiện chính sách thông tuyến tạo thuận lợi cho người dân đi khám, chữa bệnh, nhưng điều này làm nảy sinh kẽ hở dẫn tới tình trạng lợi dụng, trục lợi Quỹ BHYT có chiều hướng gia tăng với nhiều hình thức khác nhau cả từ phía người tham gia BHYT và cơ sở y tế.
Việc đổi mới cơ chế tài chính y tế chuyển sang hình thức BHYT toàn dân trong điều kiện mức viện phí điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ, đẩy chi phí khám, chữa bệnh tăng cao, tạo áp lực, thách thức rất lớn trong kiểm soát chi phí và cân đối Quỹ BHYT…
Tiếp tục hoàn thiện chính sách về BHYT
Theo kế hoạch phát triển BHYT toàn dân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, cả nước sẽ có trên 90% dân số tham gia BHYT.
Để đạt mục tiêu này gặp không ít thách thức bởi theo thống kê dù có hơn 82% dân số tham gia BHYT nhưng số này chủ yếu tập trung vào đối tượng người lao động trong cơ quan nhà nước; đối tượng được Quỹ BHXH đóng và ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Người lao động tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, đối tượng được ngân sách hỗ trợ một phần và đối tượng tự nguyện chiếm tỷ lệ thấp.
Để tăng độ bao phủ BHYT, cần phải điều chỉnh về cơ chế, chính sách phù hợp, đồng thời triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ.
Về cơ chế, chính sách, nâng mức hỗ trợ đóng BHYT từ ngân sách nhà nước và chuyển từ cấp kinh phí cho các cơ sở khám chữa bệnh sang hỗ trợ trực tiếp người tham gia BHYT; có chính sách hỗ trợ tuyến y tế cơ sở để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đối với người dân; điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí KCB để người dân thấy được lợi ích khi tham gia BHYT.
Phát biểu tại Chương trình “Bảo hiểm y tế toàn dân - Chung tay vì sức khỏe cộng đồng” mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng để phát triển chính sách BHYT bền vững, hiệu quả, mang lại lợi ích cho người dân và xã hội, thời gian tới, cần tập trung thực hiện các giải pháp tăng độ bao phủ BHYT, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 trên 90% dân số nước ta tham gia BHYT.
Cụ thể, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quán triệt sâu sắc về vai trò quan trọng của BHYT, tiếp tục hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về BHYT, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tham gia BHYT đối với người lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp tham gia BHYT theo diện gia đình, quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ khi tham gia BHYT; cơ chế quản lý Quỹ BHYT hiệu quả, phòng chống lạm dụng, trục lợi, bảo đảm bình đẳng việc khám chữa bệnh BHYT tại bệnh viện công lập và bệnh viện tư nhân.
Cùng với việc hoàn thiện chính sách về BHYT là đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với BHYT và dịch vụ khám chữa bệnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức thực hiện; chia sẻ sử dụng thông tin hiệu quả giữa các cơ sở y tế.
Xây dựng chế tài chặt chẽ để yêu cầu các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân có trách nhiệm phải đóng BHYT theo Luật BHYT.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm doanh nghiệp, đơn vị trốn đóng, nợ đóng BHYT, các tập thể, cá nhân lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT.