Hàng Việt Nam vào thị trường các nước ASEAN ngày càng chiếm tỷ trọng cao. Trong quý 1 năm 2016, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam-ASEAN là 9,74 tỷ USD, tăng gấp 10 lần năm 2002.
Du khách tham quan một cơ sở chế biến nước mắm Phú Quốc. Tuy nhiên loại nước mắm này từng phải “mang tên” nước ngoài khi vào thị trường châu Âu.
Dự báo, trong thời gian tới giao dịch hàng hóa giữa các nước khối ASEAN thuận lợi và phát triển hơn thông qua Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Theo đó, chỉ khoảng hai năm hoặc hơn nhanh nhất là hơn một năm nữa hàng hóa các nước nội khối thâm nhập mạnh vào thị trường chung.
Thuận lợi trong nội khối là thế song nhiều ý kiến lo ngại tính chủ động của doanh nghiệp (DN) Việt cũng như sản phẩm Việt. Các chuyên gia kinh tế đang băn khoăn, DN Việt vừa chậm xâm nhập thị trường vừa lơ là với đăng ký nhãn hiệu hàng hóa để tránh tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ với những đứa con “dứt ruột đẻ ra”.
Ông Vương Đức Tuấn- Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định: “Đến thời điểm hiện nay DN vẫn chưa hiểu được vấn đề đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm. Nguyên nhân chính là do DN quá thờ ơ với đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm”.
Ông Tuấn thông tin, DN nước ngoài đang thực hiện chiến dịch chiếm lĩnh thị trường. Bằng chứng, hàng Thái Lan, Myanmar, Singapore,… thậm chí là hàng có xuất xứ từ Lào, Campuchia đang chen chân vào hệ thống siêu thị.
Vẫn theo ông, DN đến từ nước ngoài rất chú ý đến việc xây dựng, đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, từ đó tạo được niềm tin với người tiêu dùng. “Điển hình như nhãn hiệu Honda, thay vì nói tôi mới mua xe gắn máy nhưng giờ người tiêu dùng lại sử dụng từ mang thương hiệu đại loại như “tôi mới mua chiếc Honda”.
Như vậy Honda đã thành công trong việc khẳng định nhãn hiệu trên thị trường”- bà Nguyễn Thị Hoàn Thanh, chuyên viên Cục Sở hữu trí tuệ, Văn phòng đại diện tại TP HCM dẫn chứng.
Trong khi hàng loạt sản phẩm nước ngoài chủ động khẳng định thương hiệu thông qua hình thức đăng ký nhãn hiệu, vậy mà sản phẩm trong nước vẫn thờ ơ, không khác gì cảnh “mất bò mới lo làm chuồng”. Kết quả hàng loạt sản phẩm như cà phê Trung Nguyên, thuốc lá Vinataba, kẹo dừa Bến Tre,… bị nước ngoài đánh cắp nhãn hiệu.
Cụ thể nhất là vụ cà phê Trung Nguyên phải mua lại thương hiệu tại Mỹ với giá hơn 2 triệu USD. Hay mới đây là nước mắm Phú Quốc mặc dù có bảo hộ nhưng vẫn bị làm giả. Bà Nguyễn Thị Hoàn Thanh thắc mắc, tại sao những sản phẩm được ưa chuộng nhưng DN lại không đăng ký? Như táo Ninh Thuận, cua 5 Căn (Cà Mau) chẳng hạn?
Trong bối cảnh hiện nay, nhằm giúp thương hiệu trong nước cạnh tranh được với hàng ngoại nhập cũng như mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác thì việc bảo hộ nhãn hiệu là một khâu rất quan trọng.
Ông Nguyễn Minh Đức- Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP HCM cho rằng, trở thành thành viên WTO cùng với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do tạo thuận lợi trong sản xuất kinh doanh. Nhưng tương lai DN Việt Nam sẽ gặp rất nhiều trường hợp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh không chỉ trong nước mà cả trên thế giới, nếu không xây dựng và đăng ký thương hiệu.
“Ngoài bảo hộ nhãn hiệu có tính chất lãnh thổ, DN khi tham gia xuất khẩu thì nhãn hiệu phải được xác lập tại quốc gia sở tại và các quốc gia mục tiêu”- một đại diện Công ty sữa Nutifood cho hay, và việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở ngoài vừa phức tạp, vừa tốn chi phí cao nhưng tránh được rủi ro về kinh tế cho DN. Hiện có 3 hình thức đăng ký nhãn hiệu: nộp đơn tại từng nước riêng biệt (quốc gia); đăng ký nhãn hiệu có tính khu vực theo điều ước quốc tế giữa các nước trong khu vực (khu vực), đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo hệ thống Madrid (quốc tế).
Theo nhận định của giới kinh doanh, thời gian hoàn tất thủ tục và được bảo hộ nhãn hiệu tại một số quốc gia trong khối ASEAN khác nhau. Tuy nhiên, dù mất nhiều thời gian thì việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa là công việc mà DN không thể lơ là. Quan tâm bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa là bảo vệ tài sản trí tuệ vô giá của chính DN. Các tổ chức, cá nhân cần chủ động đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với các tài sản trí tuệ một cách nhanh chóng.
Bàn về việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, cộng đồng DN mong muốn được hỗ trợ thông tin về sở hữu trí tuệ; Đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ thông qua các chương trình dành cho DN. Song song đó là tư vấn pháp lý từng nước, khu vực cũng như hướng dẫn cụ thể quy trình đăng ký bản hộ nhãn hiện.
Đặc biệt cần đơn giản hóa giấy tờ, rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ; công khai minh bạch thông tin trên internet. Bởi vì hiện nay, thời gian thẩm định đơn nhãn hiệu là hơn 1 năm. Trong đó gồm: 1 tháng thẩm định hình thức, công bố thông tin trên internet là 2 tháng và mất 9 tháng thẩm định nội dung.