Bão lạm phát vẫn 'quét'

Thanh Đức 19/06/2023 07:15

Thông tin từ Liên minh châu Âu (EU) ngày 18/6, các nền kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu Euro (Eurozone) đã rơi vào suy thoái khi Đức - nền kinh tế lớn nhất khu vực, chuyển sang trạng thái suy giảm thay vì tăng trưởng.

Người dân EU hạn chế chi tiêu. Nguồn: Reuters.

Tờ Wall Street Journal cho rằng, kinh tế Eurozone đang bị mắc kẹt trong tình trạng kinh tế tương đương với tình trạng Covid-19 kéo dài, trong khi kinh tế Mỹ đã xuất hiện dấu hiệu hồi phục. Lạm phát do chi phí năng lượng tăng đột biến và giá lương thực cao dai dẳng đã dịu đi ở EU nhưng vẫn cao, ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu dùng.

Sự suy yếu trong kinh tế Đức - nền kinh tế dẫn đầu EU là một vấn đề gây lo ngại đặc biệt. Trong những thập kỷ trước, nền kinh tế Đức thường phục hồi nhanh chóng sau những cú sốc kinh tế nhờ vào sức mạnh của khu vực xuất khẩu vốn dĩ có tính cạnh tranh cao của nước này. Nhưng lần này lại không, cho thấy tình hình khó khăn. Do quy mô lớn và giữ vai trò đầu tàu, nền kinh tế Đức có thể kéo khu vực Eurozone đi lên hoặc đi xuống theo, kể cả việc tăng trưởng ở Pháp, Italy và Tây Ban Nha đã tương đối hồi phục.

Trong bối cảnh đó, người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng cảm nhận rõ áp lực từ chi phí đi vay cao hơn khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát. Eurostat, cơ quan thống kê của EU, GDP của 27 quốc gia trong khối đã giảm 0,4% trong nửa đầu năm 2023, sau khi giảm trong quý IV năm ngoái. Giới chuyên gia kinh tế kỳ vọng tăng trưởng sẽ trở lại với kinh tế Eurozone trong quý III này, khi hóa đơn năng lượng giảm giúp giải tỏa bớt áp lực lên ngân sách hộ gia đình, nhưng bất kỳ sự phục hồi nào cũng có thể chỉ ở mức độ yếu ớt. Đáng chú ý, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mới đây đã đưa ra dự báo kinh tế Eurozone chỉ tăng trưởng 0,9% trong năm nay, chưa bằng một nửa so với mức dự báo tăng dành cho kinh tế Mỹ.

Sự khác biệt chính giữa kinh tế châu Âu và kinh tế Mỹ hiện nay nằm ở chi tiêu của người tiêu dùng. Người Mỹ đang chi tiêu thoải mái cho các hoạt động mà họ đã bỏ qua trong thời gian phong tỏa vì đại dịch, chẳng hạn như du lịch, xem nhạc và đi ăn nhà hàng. Trong khi người dân khu vực đồng tiền chung Eurozone lại vẫn phải “thắt lưng buộc bụng”. Nhập khẩu giảm mạnh trong cả 2 quý đầu năm 2023 cho thấy kinh tế EU chưa hồi phục.

Theo bà Isabel Schnabel - nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), việc lạm phát cơ bản qua đỉnh là không đủ để tuyên bố chiến thắng lạm phát. “Chúng ta cần có bằng chứng thuyết phục về việc lạm phát quay trở lại 2%. Nhưng hiện tại, với những gì đang diễn ra thì còn lâu mới đạt được”.

Trong khi đó, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo, lạm phát ở khu vực Eurozone sẽ giảm xuống 5,8% trong năm nay từ mức 8,4% vào năm 2022, nhưng như vậy là “bão lạm phát vẫn quét”.

Không chỉ với EU, kinh tế thế giới năm 2023 cũng được dự báo chưa sáng sủa. Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới công bố mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 2,8% trong năm nay, vẫn giảm so với mức tăng 3,4% đạt được trong năm ngoái.

Đáng lưu ý, khi giới chức IMF và WB (Ngân hàng thế giới) tiếp tục cảnh báo về một vấn đề có thể khiến nền kinh tế thế giới “chệch hướng” trong những tháng tới. Đó là lạm phát vẫn cao dai dẳng ở nhiều quốc gia, đặt ra khả năng các ngân hàng trung ương phải tiếp tục tăng lãi suất. Lãi suất tăng cũng có thể làm trỗi dậy cuộc khủng hoảng ngân hàng, khiến hệ thống ngân hàng suy yếu.

“Căng thẳng trong lĩnh vực tài chính có thể khuếch đại và sự lây lan có thể xảy ra, làm suy yếu các nền kinh tế dẫn đến suy giảm. Điều đó đặc biệt nguy hiểm đối với các nền kinh tế phát triển, khi sức chống chịu yếu” - IMF nhận định.

Trong kịch bản chính của IMF, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm nay, nhưng nếu căng thẳng tài chính gia tăng, tốc độ tăng trưởng có thể chỉ đạt 2,5%, trong đó tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển sẽ giảm dưới 1%. Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết, kỳ vọng vượt qua “bão lạm phát” không mất, nhưng lại phải đối chọi với suy thoái, điều đó cho thấy 6 tháng còn lại của năm 2023 là khó khăn.

Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde cho biết, lạm phát lõi (thước đo không tính đến giá 2 nhóm mặt hàng có mức độ biến động lớn là lương thực, thực phẩm và năng lượng) ở khu vực Eurozone đã hạ nhiệt và các ngân hàng thương mại giảm mạnh hoạt động cho vay. Quyết định của ECB nâng lãi suất tham chiếu tại 20 quốc gia sử dụng đồng Euro lên 3,25%. Như vậy, trong chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ, ECB đã có 7 đợt nâng lãi suất nhằm đưa lạm phát về tầm kiểm soát. “Chúng tôi còn một chặng đường dài để đi và sẽ chưa dừng lại” - bà Lagarde nói, tuy rằng vẫn biết rằng giá cả leo thang và lãi suất tăng gây áp lực lớn lên nền kinh tế khu vực Eurozone.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bão lạm phát vẫn 'quét'